Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ nhận định sáng suốt đến kỳ tích trên bầu trời Hà Nội (kỳ 2)

09:12, 10/12/2012

Cuối tháng 11-1972, không quân Mỹ phát huy cao độ chiến thuật sử dụng tên lửa sơ-rai để đánh phá các đài ra-đa của ta ở chiến trường Quân khu 4, nhằm chặt đứt việc đảm bảo ra-đa cho các lực lượng phòng không của ta. Với quyết tâm phát hiện, thông báo B-52 xa hơn, nhanh hơn, đúng hơn, liên tục hơn, bộ đội ra-đa đã bảo đảm cho các lực lượng phòng không của ta không bị rơi vào thế bất ngờ…

 

Kỳ 2: Không để Hà Nội bị bất ngờ, lỡ thời cơ

Cuối tháng 11-1972, không quân Mỹ phát huy cao độ chiến thuật sử dụng tên lửa sơ-rai để đánh phá các đài ra-đa của ta ở chiến trường Quân khu 4, nhằm chặt đứt việc đảm bảo ra-đa cho các lực lượng phòng không của ta. Với quyết tâm phát hiện, thông báo B-52 xa hơn, nhanh hơn, đúng hơn, liên tục hơn, bộ đội ra-đa đã bảo đảm cho các lực lượng phòng không của ta không bị rơi vào thế bất ngờ…

* Báo động B-52 sớm cho Hà Nội

Đại tá Nghiêm Đình Tích (nguyên đài trưởng ra đa P-35, Đại đội 45, Trung đoàn ra đa 291), vẫn nhớ như in những ngày trung đoàn sử dụng Đại đội 45 làm đơn vị chủ lực phát hiện B-52: “Mặc dù máy bay Mỹ đánh phá ác liệt xung quanh Đại đội 45, Phó trung đoàn trưởng Trần Liên vẫn cùng bộ đội kiên cường bám trụ trận địa, quyết tâm tìm cách chống nhiễu, phát hiện B-52 từ xa và phòng tránh tên lửa sơ-rai để bảo vệ lực lượng và phương tiện có hiệu quả. Các trắc thủ theo dõi diễn biến cường độ, góc phương vị nhiễu và đặc điểm hình sóng B-52 khi chúng đánh phá ở khu vực Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào) và ở Nam, Bắc đường 9.

Được lệnh của Bộ tư lệnh Binh chủng Ra-đa, ngày 15-12-1972, ban chỉ huy Trung đoàn 291 ra lệnh cho các đơn vị vào cấp 1, sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Tất cả các phiên ban đều nêu cao cảnh giác, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 18-12-1972, mức độ đánh phá của không quân Mỹ ở Quân khu 4 giảm đột ngột. Đặc biệt, tất cả các đài ra-đa mở máy trực ban đều không bị nhiễu tích cực và không phát hiện được máy bay B-52. Nhận thấy tình hình khác lạ, ban chỉ huy trung đoàn nhận định: Đề phòng Mỹ sử dụng B-52 đánh trở lại Thanh Hoá. Hết sức chú ý B-52 đánh ra Hà Nội. Nhận định đó được phổ biến ngay cho các cơ quan và đơn vị.

Đại đội ra đa 45 ở Đồi Si, Nghệ An (năm 1972). Ảnh tư liệu

16 giờ 40 cùng ngày, trên bản đồ thu mạng tình báo quốc gia B1 xuất hiện 2 tốp F-111 từ Sầm Tơ (Lào) bay về phía Yên Bái. Chỉ huy trung đoàn nhất trí nhận định: Có khả năng diễn ra tình huống đã dự kiến.

Ngay lập tức, Trung đoàn trưởng Đỗ Năm chỉ thị cho Đại đội 16 là đơn vị đang mở máy trực ban trong phiên từ 18 đến 20 giờ, tập trung quan sát phát hiện mục tiêu từ phương vị 220-300; đặc biệt chú ý phát hiện B-52. Trong khi đó, trên các màn hiện sóng ra-đa của Đại đội 16 ở Nghệ An xuất hiện một số dải nhiễu mới. Do đã có kinh nghiệm chiến đấu, Đại đội trưởng Trần An và Chính trị viên Trịnh Đình Nham đã thống nhất nhận định tình hình và ra lệnh cho các đài ra-đa chống nhiễu, phát hiện B-52. Trong giây lát, trắc thủ đài 843 Tô Trọng Huy và trắc thủ đài 514 Phạm Quốc Hùng khẳng định ngay đó là B-52.[links(right)]

Tình báo nhiễu B-52 của Đại đội 16 được nữ chiến sĩ thông tin Thúy Ngà ở Sở chỉ huy trung đoàn đánh dấu lên bản đồ. Trong khi đó, thấy đài ra-đa P-12 của đơn vị đang mở máy trực ban báo cáo có nhiễu B-52, Đại đội trưởng Đại đội 45 Đinh Hữu Thuần cũng ra lệnh mở máy ra-đa P-35 và báo cáo lên sở chỉ huy trung đoàn.

Do có kinh nghiệm phát hiện B-52, Nghiêm Đình Tích cùng các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu và Nguyễn Văn Xích đã xác định ngay những dải nhiễu B-52. Đồng chí Tích ra lệnh: “Cả phiên ban thao tác quy trình chống nhiễu”. Ngay sau đó, trắc thủ số 1 Phạm Hoàng Cầu đã thông báo tình báo B-52 vào sở chỉ huy đại đội. Những tình báo đó được tiểu đội trưởng tiêu đồ Nguyễn Trường Kỳ thể hiện trên bảng đánh dấu đường bay rồi qua các chiến sĩ phát thanh, ghi chép, báo vụ truyền lên sở chỉ huy trung đoàn.

Ban đầu, tất cả cán bộ, chiến sĩ phán đoán B-52 lại tiếp tục vào đánh Cánh Đồng Chum, vì đường bay này gần như trùng khít đường bay địch đã vào đánh phá trong thời gian trước đó. Những lần ấy các tốp B-52 thường bay đến phương vị 290º thì vòng lại, còn lần này chúng bay tới phương vị 300º và vẫn bay thẳng về phía Tây Bắc nước ta.

Do vừa mới sinh hoạt chính trị, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ và khả năng B-52 đánh phá miền Bắc nên sau khi thống nhất với các trắc thủ, Nghiêm Đình Tích báo cáo với đại đội trưởng: “Có khả năng B-52 vào đánh miền Bắc”. Báo cáo đó từ Đại đội 45 qua sở chỉ huy trung đoàn lên tới Tổng trạm ra-đa ở Hà Nội.

Nhận được báo cáo giữa lúc tất cả các đài ra-đa của hai Trung đoàn ra-đa 292, 293 bị nhiễu nặng, không có tình báo B-52, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Ra-đa Hứa Mạnh Tài trực chỉ huy ở tổng trạm liền sử dụng đường dây hữu tuyến của ngành bưu điện trực tiếp yêu cầu Trung đoàn trưởng Trung đoàn ra đa 291 và Đại đội trưởng Đại đội 45 trả lời câu hỏi: “Có đúng B-52 sắp vào miền Bắc?”.

Nhìn rõ tín hiệu trên màn hiện sóng, từng tốp 3 chiếc trên dải nhiễu nhẹ, lại vừa phát hiện thấy các tốp máy bay của không quân chiến thuật bắt đầu phóng nhiễu tiêu cực ở phía Tây Bắc Hà Nội, nên đồng chí Tích báo cáo dứt khoát: “Đúng là mục tiêu B-52 sắp bay vào khu vực Hà Nội”.

Nhận được báo cáo, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Ra-đa báo cáo với Tư lệnh QC PK-KQ Lê Văn Tri: Đúng là B-52 đang vượt qua vĩ tuyến 20, có khả năng vào đánh Hà Nội.

Lập tức Tư lệnh Quân chủng ra lệnh cho các lực lượng phòng không-không quân chuẩn bị đánh B-52.

* Đường chì lịch sử

Chúng tôi tìm gặp báo vụ viên Nguyễn Thị Hường, nguyên là chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 3, Lữ đoàn Thông tin 26, trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972. Cô binh nhì ngày nào với “đường chì lịch sử” hiện đang kinh doanh tại khu chợ Bắc Kinh, phố Sơn Hòa (TP Hải Dương).

Tháng 12-1972, trước ngày bước vào Chiến dịch, Hường vừa tròn 18 tuổi và được phân công làm báo vụ viên chính thức của đơn vị, đảm bảo hướng Tây Nam Hà Nội.

Đêm 18-12-1972, Hường bắt đầu phiên trực phục vụ chiến đấu chính thức của Trung đội 3, tại Sở chỉ QC PK-KQ. Sau khi kiểm tra chu đáo mọi phương tiện đảm bảo cho phiên trực, tay phải chị cầm ba chiếc bút chì đỏ, xanh, đen (đỏ để đánh dấu đường bay của máy bay ta; xanh, đen đánh dấu đường bay của địch); tay trái chị hết chỉnh máy lại áp chặt thêm tai nghe, tập trung hết thính lực để đón chờ tín hiệu tình báo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B-52 (tháng 12-1972). Ảnh tư liệu

Nhưng khi đó hướng chị phụ trách không có mục tiêu. Liếc nhanh sang các hướng khác, chị vẫn không thấy động tĩnh gì. Trên không lúc này yên tĩnh đến lạ thường…Bỗng nhiên, như đã “sờ” được tín hiệu từ đài bạn, chị dừng tay chỉnh máy, mở to mắt, tai lắng nghe từng tiếc “tịch, tè”, rồi đột nhiên dồn dập. Tiếng rào của máy thu tăng dần không như những tín hiệu thường ngày. Với linh cảm của mình, chị nhận rõ mục tiêu đã xuất hiện dù khi đó tín hiệu còn rất mỏng.

Nguyễn Thị Hường tập trung nghe thật rõ từ khởi điểm, đầu tốp, số lượng, thời gian, kiểu loại đến độ cao mục tiêu, rồi đối chiếu với tín hiệu đã quy ước. Chị thầm nhận định, từ trạm ra-đa cách đó hàng trăm cây số, đồng đội của mình đã khẳng định kẻ thù mới xuất hiện: Nó chính là B-52.

Lập tức một đường chì xanh, nét đậm, đường bay thẳng hơn các loại máy bay tiêm kích và một “mũi” của nó đi dài hơn, được chị đưa lên trên bảng tiêu đồ. Lúc này, cả sở chỉ huy sôi lên. Đó là sự sôi động thường có mỗi khi ta “tóm” được kẻ thù. Song lần này, kẻ thù ta tóm được là B-52 nên sự sôi động lúc này mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sau vài giây như để thống nhất nhận định, Tư lệnh Lê Văn Tri ra lệnh: “Báo động B-52”. Tiếp đó là lệnh: “Tập trung tiêu diệt tốp B-52” của đồng chí Phó Tư lệnh.

Ngay tức thì, cả Hà Nội dậy lên hiệu lệnh báo động chiến đấu. Lúc đó là 19 giờ 15 phút.

Những đường chì xanh, đậm nét trên bảng tiêu đồ, theo nhịp tay của Hường cứ kéo dài, kéo dài mãi từ hướng biên giới Tây-Nam đang lao thẳng về phía Hà Nội…

Theo QĐND Online

Tin xem nhiều