Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối nhà sản xuất địa phương với các chuỗi bán lẻ

08:04, 01/04/2023

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa ở các địa phương, nhất là việc đưa các loại nông sản, những mặt hàng thế mạnh vào các kênh bán lẻ hiện đại sẽ phát triển thương hiệu, thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa ở các địa phương, nhất là việc đưa các loại nông sản, những mặt hàng thế mạnh vào các kênh bán lẻ hiện đại sẽ phát triển thương hiệu, thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ (ĐNB).

Người tiêu dùng tham quan các gian hàng của các doanh nghiệp địa phương tại triển lãm Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 ở TP.HCM. Ảnh: Hải Hà
Người tiêu dùng tham quan các gian hàng của các doanh nghiệp địa phương tại triển lãm Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 ở TP.HCM. Ảnh: Hải Hà

Theo các chuyên gia, việc kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa địa phương vào các kênh bán lẻ hiện đại muốn đạt được hiệu quả, rất cần sự đồng bộ từ cả phía doanh nghiệp (DN) sản xuất, cung ứng hàng hóa và các đơn vị bán lẻ dưới sự hỗ trợ, kết nối từ phía các sở, ngành liên quan.

* Cải thiện năng lực đưa hàng hóa vào  các hệ thống siêu thị

Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) Lê Trường Sơn cho biết, đơn vị đang triển khai nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ các sản phẩm địa phương với các địa phương, trong đó có khu vực ĐNB. Trên thực tế, việc triển khai các hoạt động kết nối đưa hàng hóa địa phương vào các hệ thống siêu thị vẫn còn gặp khó khăn, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa, HTX, cơ sở sản xuất ở địa phương do năng lực đưa hàng hóa vào siêu thị còn hạn chế, quy mô sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu, số lượng lớn mà các chuỗi bán lẻ đặt ra.

Việc đưa hàng hóa địa phương vào chuỗi bán lẻ cần tính đến các kế hoạch dài hơi, đổi mới các hình thức kết nối cung - cầu để nâng tầm từ giới thiệu, quảng bá sản phẩm lên thành kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững, đạt doanh thu cao cho các sản phẩm địa phương…

Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) Liu Thị Yến chia sẻ, trong thời gian qua, công ty đã đưa được hàng hóa vào các siêu thị trên địa bàn Đồng Nai. Tuy nhiên, việc phát triển thêm thị trường thông qua việc đưa được hàng hóa vào chuỗi siêu thị, bán lẻ lớn trong khu vực ĐNB và các tỉnh, thành trên cả nước thì các DN địa phương như công ty vẫn còn gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi công ty cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, tăng tính chuyên nghiệp về sản phẩm, cũng như mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ phía địa phương…

Trên thực tế, theo nhiều DN, cơ sở sản xuất ở địa phương, việc đưa hàng hóa địa phương vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại chủ yếu làm tăng tính nhận diện cho sản phẩm, thương hiệu của DN, cơ sở sản xuất; lượng hàng đưa vào siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại vẫn còn khiêm tốn, doanh thu chưa đạt như kỳ vọng.

* Chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng

Ông Lê Thành Trung, Quản lý thương mại của chuỗi giá trị nông sản của Tập đoàn Central Retail cho hay, Tập đoàn đã triển khai chương trình Hỗ trợ sinh kế cộng đồng vì một nền nông nghiệp xanh, trong đó hỗ trợ các nhà cung cấp, nông hộ nhỏ lẻ có thể đưa sản phẩm vào siêu thị. Qua 7 năm triển khai, chương trình với 10 dự án được trải dài khắp các tỉnh, thành Việt Nam và làm việc với hơn 100 nông trại, HTX, DN sản xuất.

Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đang hợp tác với Saigon Co.op thực hiện dự án Nâng cao tiêu chuẩn nông sản - thực phẩm với tên gọi Bàn ăn xanh. Đây là sáng kiến nhằm xây dựng chuỗi liên kết, kết hợp giữa nhà sản xuất - nhà kỹ thuật - nhà phân phối - nhà quản lý với mục đích đảm bảo sự an toàn và nâng cao chất lượng thực phẩm các bữa ăn hàng ngày cho mỗi gia đình Việt.

Theo đó, chương trình đã rút ra 6 bài học mà các DN Việt cần vượt qua để cùng đồng hành, phát triển, tạo sinh kế tốt hơn. Đó là các bài học, vấn đề liên quan đến thích nghi với dịch bệnh, sản phẩm nông sản mang tính mùa vụ, sản phẩm cần đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng, vấn đề vận chuyển kho bãi từ nông thôn đến thành thị còn hạn chế… Ngoài ra, có trường hợp khi dự án đến hỗ trợ bà con làm rất tốt nhưng sau khi dự án đi thì bà con lại không tuân thủ, chấp hành theo các tiêu chuẩn.

Để phát triển các sản phẩm đạt chuẩn, dần xây dựng các tiêu chuẩn xanh cần có sự hỗ trợ, kết nối giữa 4 nhà: nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, tăng tính cạnh tranh và đáp ứng các thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Gia Bảo (tỉnh Bình Phước) Trần Văn Sơn chia sẻ, sản phẩm hạt điều chế biến của công ty vừa đạt được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, đạt OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Công ty hướng tới thị trường tiêu dùng nội địa là chính với doanh số hàng năm tăng từ 2-3 lần. Do đó, để hội nhập, công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc hướng tới sản phẩm hạt điều organic; khai thác một số hương vị khác của hạt điều như: mật ong, wasabi, nước cốt dừa; sữa hạt điều...

Ông Lê Trường Sơn cho biết thêm, Saigon Co.op được TP.HCM giao triển khai hoạt động liên kết với các địa phương, đó là chương trình phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Trong đó, chủ động tham gia sâu vào quá trình thúc đẩy đổi mới, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp, góp phần chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp cho nông dân…

Hải Quân

Tin xem nhiều