Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ

09:12, 04/12/2012

Trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, chuyện thua lỗ là hiện tượng kinh tế bình thường của doanh nghiệp. Điều bất thường là lâu nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vốn hưởng được nhiều ưu đãi vẫn khai báo lỗ triền miên nhưng đồng thời vẫn mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương, mà các doanh nghiệp FDI ở Tây Ninh là một ví dụ tiêu biểu…

Trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, chuyện thua lỗ là hiện tượng kinh tế bình thường của doanh nghiệp. Điều bất thường là lâu nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vốn hưởng được nhiều ưu đãi vẫn khai báo lỗ triền miên nhưng đồng thời vẫn mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương, mà các doanh nghiệp FDI ở Tây Ninh là một ví dụ tiêu biểu…

Nhiều chuyên gia kinh tế đã đặt vấn đề: Với một doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường, thua lỗ đồng nghĩa với phá sản, tự giải thể nhưng nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam khai báo thua lỗ liên tục nhưng vẫn ồn ào quảng cáo và rầm rộ sản xuất đó là chuyện khó hiểu.

* Dấu hiệu bất thường

Công ty TNHH Taichi Biotech (Đài Loan) là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Theo giấy phép hoạt động được cấp từ năm 2004, công ty này đầu tư 45 triệu USD vào Tây Ninh để tạo giống và trồng các loại hoa và các loại thảo dược tại huyện Bến Cầu. Nhưng ngay từ năm đầu triển khai dự án, doanh nghiệp này đã sử dụng đất không đúng mục đích, vì thế, đến năm 2009, UBND tỉnh Tây Ninh đã đồng ý cho doanh nghiệp trồng cỏ voi trong thời gian 2 năm; sau 1 năm thực hiện, nếu thấy không hiệu quả, thì sẽ thu hồi đất theo quy định. Đã 3 năm qua, Taichi Biotech mới triển khai trồng cỏ voi được 332/500 hécta. Chính vì tiến độ quá chậm nên chính quyền địa phương đã quyết định thu hồi 258 hécta còn lại, đồng thời giao Sở Kế hoạch - đầu tư Tây Ninh phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra, thẩm định hiệu quả của diện tích đã trồng cỏ voi để có hướng xử lý. Thông tin từ Cục Thuế Tây Ninh cho biết, báo cáo quyết toán thuế năm 2011, Taichi Biotech lỗ gần 36 tỷ đồng.

Diện tích đất nông nghiệp ở Tây Ninh hiện còn lãng phí  vì nhiều dự án đầu tư.
Diện tích đất nông nghiệp ở Tây Ninh hiện còn lãng phí vì nhiều dự án đầu tư.

Tại tỉnh Tây Ninh, nhiều năm liền hàng loạt doanh nghiệp FDI khác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng báo lỗ tương tự Công ty TNHH Taichi Biotech. Điển hình như: Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources (Malaysia), Công ty TNHH nông nghiệp Đông Nam (Hàn Quốc), Công ty nông nghiệp Hàn Việt, Công ty nông trường NIVL (Ấn Độ)…

Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources là đơn vị được phép triển khai dự án chăn nuôi từ năm 2008 với công suất 1 triệu quả trứng/ngày và 75 ngàn con gà/tháng, tổng vốn đầu tư 18,5 triệu USD, đã giải ngân trên 15,5 triệu USD. Dự án được triển khai trên 36 hécta đất, gồm khu chăn nuôi và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, hiện đã cung cấp sản phẩm trứng gà ra thị trường với thương hiệu QLEGG. Dù được hưởng những ưu đãi về chính sách thuế và sử dụng đất (miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập và miễn giảm 50% cho 9 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất 100% trong 11 năm đầu liên tiếp), nhưng khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp khai báo gặp khó khăn về việc chịu thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào nên 4 năm qua vẫn chưa có lợi nhuận, năm 2011 lỗ hơn 1,7 tỷ đồng.

Một trường hợp khác, Công ty nông trường NIVL sử dụng đất trồng mía không hiệu quả đến 1.161hécta, đất chưa sử dụng 126 hécta, đất ao hồ tự nhiên 242 hécta. Hiện tại, công ty còn nợ tiền thuê đất hơn 378 ngàn USD do không làm thủ tục miễn tiền thuê đất theo chính sách khuyến khích đầu tư. Tương tự, Dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt của Công ty Việt Trung và Công ty Đông Nam hiện còn nợ thuế.

* Có chứng minh được lời thật, lỗ giả?

Một lãnh đạo ngành thuế ở TP.Hồ Chí Minh bức xúc: “Doanh nghiệp FDI có bị thua lỗ liên tục như họ báo cáo hay không, bản thân ngành thuế không thể trả lời được mà cần nhiều ngành liên quan phối hợp để điều tra, kể cả chuyện can thiệp của Interpol”.

Nguyên nhân của tình trạng khai báo lỗ, nợ thuế như trên được lý giải là do việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất không hiệu quả, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, cách lý giải đó chưa thuyết phục khi nhìn về hiện tượng kinh tế này.

Một chuyên gia giấu tên khẳng định: “Báo cáo thua lỗ của số đông doanh nghiệp FDI chỉ là thủ thuật để trốn thuế thôi. Vì theo quy định của Luật Thuế, khi doanh nghiệp bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh thì không phải nộp thuế”. Chuyên gia này cũng cho rằng, thủ thuật tạo ra báo cáo thua lỗ triền miên của nhiều doanh nghiệp FDI là việc chuyển giá giữa các doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết nhằm tăng lợi nhuận về công ty mẹ. Thủ thuật này đặc biệt được tận dụng ở những đơn vị phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Thanh tra chống chuyển giá không phải là việc dễ dàng vì dính đến nhiều nhân tố nước ngoài, đồng thời còn đòi hỏi hành lang pháp lý có hiệu lực cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là không làm được. Kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế thế giới về việc xử lý thủ thuật “chuyển giá” như thế cần được các nhà quản lý Việt Nam học hỏi để vận dụng.

Thế Vũ

 

 

 

Tin xem nhiều