Báo Đồng Nai điện tử
En

“Cánh sóng” Bà Rá

09:12, 04/12/2012

Sau núi Bà Đen (Tây Ninh) và núi Chứa Chan (Đồng Nai), núi Bà Rá (Bình Phước) là ngọn núi cao thứ 3 ở miền Đông Nam bộ.

Sau núi Bà Đen (Tây Ninh) và núi Chứa Chan (Đồng Nai), núi Bà Rá (Bình Phước) là ngọn núi cao thứ 3 ở miền Đông Nam bộ. Ở TX.Phước Long, cao 723m so với mặt biển, đỉnh núi Bà Rá giờ đây là một Trung tâm phát sóng phát thanh và truyền hình của tỉnh Bình Phước và của quốc gia, hàng ngày, chuyển tải đến nhân dân một lượng thông tin phong phú từ các chương trình phát thanh, truyền hình của các kênh sóng: VOV, VTV1, VTV2, VTV3, BPTV1, BPTV2.

Trước 1975, chế độ cũ cũng cho xây dựng ở đây một trạm thông tin gọi là “Mắt thần miền Đông”, nhằm mục đích phục vụ quân sự. Cuối năm 1989, trước nhu cầu nghe, xem đài ngày càng cao, trong khi người dân ở 5 huyện phía bắc tỉnh Sông Bé (cũ) gặp khó khăn khi bắt tín hiệu phát thanh, truyền hình do địa hình đồi núi che chắn, lãnh đạo tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ đã quyết tâm xây dựng đài phát sóng trên núi Bà Rá.

Quyết tâm ấy được bắt đầu bằng những cuộc khảo sát tìm đường và hành trình “xẻ núi” lên đỉnh Bà Rá vào thời điểm ấy. Ngày 26-8-1990, con đường dài 2,7km từ chân núi lên đến đỉnh Bà Rá đã hoàn thành. Có đường, nhưng chuyện vận chuyển vật liệu, máy móc lên núi cũng không dễ dàng vì không có phương tiện chuyên dụng, sức người được khai thác trong một thời gian dài để đưa từng viên gạch, bao cát, xi măng đến những kiện máy móc, thiết bị nặng hàng tấn...

Tháng 12-1990, các hạng mục công trình xây dựng ở Bà Rá, như: nhà đặt máy, tháp ăng-ten, đường điện trung thế, hạ thế lần lượt hoàn thành và được đưa vào hoạt động thử nghiệm. Cuối năm đó, Trung tâm Phát sóng phát thanh và truyền hình Bà Rá ra đời. Từ nơi đây, làn sóng phát thanh, truyền hình đã được đưa lên không trung và lan tỏa về các bản làng xa xôi.

Những năm tiếp sau, Trung tâm Phát sóng phát thanh và truyền hình Bà Rá không ngừng được đầu tư cải tạo và nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật ngày càng quy mô, hiện đại hơn. Hiện từ đỉnh Bà Rá, tín hiệu phát thanh truyền hình từ các chương trình của Trung ương và địa phương đã lan tỏa đến nhiều hộ dân trong khu vực để phục vụ các nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu giáo dục, giải trí của bà con.

Những cán bộ, kỹ thuật viên của trung tâm này kể lại: Từ những năm đầu, họ phải làm việc ở đây trong môi trường sinh hoạt thiếu thốn, khắc nghiệt, nguy hiểm. Thú dữ, vắt, muỗi và những cơn sốt rét rừng dai dẳng, những trận sét vào mùa mưa bão… là chuyện họ phải thường xuyên đối mặt. Vừa trực phát sóng, vừa vận hành máy phát điện, vừa lo bếp ăn tập thể cho anh em, vừa lo vận chuyển băng đĩa, lo bảo trì các công trình phụ ngoài trời, như: đường điện, đường nước sinh hoạt, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống chống sét… nếu không có tinh thần dấn thân, chịu đựng gian khổ, thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Hơn 20 năm hoạt động, Trung tâm Phát sóng phát thanh và truyền hình Bà Rá đã đi từ một trạm phát lại quy mô địa phương để trở thành một trung tâm phát sóng quốc gia có tầm cỡ trong khu vực miền Đông Nam bộ và Nam Tây nguyên. Hiện trung tâm đang tiếp tục nâng cấp để đón đầu công nghệ truyền hình kỹ thuật số, chuẩn bị cho nhu cầu đổi mới ngành phát thanh truyền hình những năm tới.

Phan Văn Thảo

 

 

Tin xem nhiều