Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu tìm hướng đi mới

11:10, 01/10/2012

Hàng năm, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) thu hút hơn 9 triệu khách du lịch, nhưng chỉ đạt bình quân 2 ngàn tỷ đồng doanh thu. Đây là con số còn thấp so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh này. Nói một cách hình ảnh, ngành du lịch BR-VT chưa tạo điều kiện cho du khách tiêu tiền. 

 

Hàng năm, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) thu hút hơn 9 triệu khách du lịch, nhưng chỉ đạt bình quân 2 ngàn tỷ đồng doanh thu. Đây là con số còn thấp so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh này. Nói một cách hình ảnh, ngành du lịch BR-VT chưa tạo điều kiện cho du khách tiêu tiền. 

Thời gian qua, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch BR-VT đã triển khai nhiều hoạt động để thay đổi diện mạo ngành công nghiệp không khói tại địa phương này nhằm biến nơi đây trở thành một điểm sáng của du lịch Việt Nam như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần V (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra.

* Níu chân du khách

Lâu nay, nói đến BR-VT, khách du lịch chỉ nghĩ đến tắm biển, nghỉ dưỡng, tham quan danh thắng, thưởng thức ẩm thực. Các điểm tham quan trước đây cũng chỉ được biết đến không nhiều, như: Tượng Chúa giang tay, Thích ca Phật đài, Niết Bàn tịnh xá…

Khách sạn 5 sao Imperial Vũng Tàu là một trong nhiều cơ sở vật chất hiện đại của ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đ.DOANH
Khách sạn 5 sao Imperial Vũng Tàu là một trong nhiều cơ sở vật chất hiện đại của ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đ.DOANH

Ngày nay, du lịch BR-VT đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại. Các địa danh, như: Bình Châu, Côn Đảo, Long Đất, Long Hải cùng với nhiều loại hình dịch vụ mới đang dần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh cơ sở hạ tầng phát triển nhanh trong nhiều năm qua, hiện BR-VT đã hình thành các khu du lịch cao cấp (4 - 5 sao), như: Imperial, Palace, Grand, Petro, Anoasis, Sài Gòn - Bình Châu - Hồ Cốc, Hồ Tràm Beach resort & spa, Six senses Côn Đảo… chuyên phục vụ khách quốc tế, khách có mức chi tiêu cao.

Nhiều loại hình du lịch, như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng được “tích hợp” trong các gói sản phẩm. Nỗ lực khôi phục các làng nghề, như: làng bánh tráng An Ngãi, làng nghề nấu rượu Hòa Long; các lễ hội ở Long Hải, Xuyên Mộc; các điểm đến lịch sử - tâm linh, như: Địa đạo Long Phước, Nghĩa trang Cá Ông, Căn cứ cách mạng Minh Đạm, Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, chùa Hòn Một, Đình thần Thắng Tam, Bảo tàng Vũ khí cổ, chợ du lịch Vũng Tàu… là những ví dụ.

BR-VT cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến nhằm thu hút khách du lịch quốc tế thông qua việc ký kết hợp tác với các nước, như: Lào, Campuchia, Thái Lan và khai thác tốt chương trình “Bốn quốc gia - một điểm đến”.

Hướng phấn đấu của ngành du lịch BR-VT là làm sao để địa phương ngày càng khẳng định như một điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách trong nước và quốc tế. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút khách nội địa và níu chân du khách có mức chi tiêu cao.

* Lấp “lỗ hổng”

BR-VT sở hữu hàng loạt kỷ lục quốc gia, như: khách sạn cổ nhất, ngọn hải đăng cổ nhất, khu du lịch lớn nhất, khu du lịch nước nóng lớn nhất, bãi biển gần TP.HCM nhất. Tuy nhiên, việc khai thác các tiềm năng này để kinh doanh còn rất hạn chế. 

Lý giải cho sự hạn chế này, các chuyên gia đưa ra những con số: Toàn ngành du lịch BR-VT hiện có hơn 12.200 nhân lực, trong đó 31 người ở trình độ trên đại học, 2.900 đại học và cao đẳng, 3.650 người có trình độ trung cấp, 1.750 người có trình độ sơ cấp, số còn lại chỉ có chứng chỉ đào tạo ngắn hạn. Theo các chuyên gia, trình độ nguồn nhân lực như vậy là chưa cao và có sự chênh lệch khá lớn giữa những người quản lý và người lao động trực tiếp (đối tượng gây ấn tượng với du khách). Vì vậy, BR-VT cần đào tạo mới nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế, đồng thời tái đào tạo thường xuyên, đào tạo quản lý cho cán bộ ngành và đào tạo phổ cập cho hệ thống quản lý nhà nước đến từng khu phố, tổ dân phố.

Nhiều dự án du lịch “khủng” (đạt tiêu chuẩn 5 sao) hiện cũng đang cần thu hút nguồn nhân lực qua đào tạo nhưng có vẻ như đây vẫn còn là lỗ hổng lớn.

Bên cạnh các yếu tố về sản phẩm du lịch, chất lượng nguồn nhân lực, nhiều lỗ hổng khác cũng cần được sớm “lấp đầy” như vấn đề quốc tế hóa các tiêu chuẩn cho các cơ sở dịch vụ, bảo đảm an toàn cho du khách, như an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an toàn khi sử dụng thẻ tín dụng và an ninh trật tự.  Đó cũng là những nhiệm vụ không thể một sớm một chiều.

Đức Doanh

 

 

Tin xem nhiều