Báo Đồng Nai điện tử
En

Tỉnh Bình Phước: “Phiên chợ chiều” mang tên… đào tạo nghề

08:09, 25/09/2012

Bình Phước có khá nhiều cơ sở đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên các lĩnh vực kinh tế của tỉnh này. Những năm qua, hoạt động đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề phần lớn phụ thuộc vào kinh phí từ chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, một trong những chương trình mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, các cơ sở đào tạo nghề này vẫn không thu hút được người lao động trong tỉnh…

 

Bình Phước có khá nhiều cơ sở đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên các lĩnh vực kinh tế của tỉnh này. Những năm qua, hoạt động đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề phần lớn phụ thuộc vào kinh phí từ chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, một trong những chương trình mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, các cơ sở đào tạo nghề này vẫn không thu hút được người lao động trong tỉnh…

Năm 2010, Bình Phước có 18 cơ sở dạy nghề. Con số này của năm 2011 là 21 và nay là 25. Trong số các cơ sở đào tạo này có 2 cơ sở đào tạo nghề hệ trung cấp, còn lại là đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.

* Trong bức tranh trường nghề

Nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu của Chính phủ cũng có giới hạn, chỉ đủ cho các trung tâm hoạt động vài tháng trong một năm. Nhiều năm qua, một thực trạng chưa khắc phục được ở Bình Phước là hoạt động đào tạo nghề chính thức của các trường, các trung tâm chỉ thu hút được khoảng 500 học viên/năm, đáp ứng một phần rất nhỏ cho hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh này.

Giờ học thí nghiệm của sinh viên Trường cao đẳng công nghiệp cao su Bình Phước.
Giờ học thí nghiệm của sinh viên Trường cao đẳng công nghiệp cao su Bình Phước.

Ông Ngô Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Phước cho biết: “Từ năm 2010 đến đầu năm nay, trung tâm đã giới thiệu trực tiếp được hơn một ngàn lao động vào các khu công nghiệp. Trong số này, chỉ có 1/3 đã qua đào tạo và tỷ lệ qua đào tạo nghề dài hạn chỉ khoảng 1/10”.

Trong khi đó, khảo sát lực lượng lao động vào cuối năm 2011, Bình Phước có khoảng gần 600 ngàn lao động nhưng số lao động được đào tạo rất thấp, chỉ chiếm gần 20%, thấp hơn so với quy định của Chính phủ.

Ông Trần Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Tôn Đức Thắng cho biết: “Hệ trung cấp nghề, năm 2009-2010 tuyển được 222 học viên, năm 2010-2011 chỉ còn 178, năm 2011-2012 là 142. Đến nay, chỉ còn 10 ngày nữa nhập học, mà chúng tôi chỉ nhận được 90 hồ sơ”.

Hiện nay, công tác đào tạo nghề của tỉnh Bình Phước chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dịch vụ công nghiệp nhỏ lẻ trên địa bàn. Những bất cập trong việc đào tạo nghề sẽ tạo nên sự mất cân đối lớn trong cơ cấu của nguồn nhân lực và là rào cản cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp.

* Giải quyết những “phiên chợ chiều”

UBND tỉnh Bình Phước đang triển khai chương trình tuyên truyền “Nâng cao nhận thức trong nhân dân về vai trò vị trí của hoạt động dạy nghề, học nghề từ nay đến 2020”. Chương trình này được giao cho ngành chức năng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng triển khai nhằm thay đổi quan niệm về dạy nghề, học nghề, giúp các gia đình tiết kiệm thời gian, tiền bạc của gia đình và tránh lãng phí đầu tư xã hội cho đào tạo. Việc phân luồng đúng sẽ giúp thanh niên có cơ hội sớm tham gia thị trường lao động, nuôi sống bản thân và gia đình.

Trường tuyển không đủ chỉ tiêu

Trước đây, Trường cao đẳng công nghiệp cao su Bình Phước vẫn đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu cho các nghề: điện công nghiệp, điện tử, điện lạnh, cơ điện, chế biến cao su. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, số lượng học sinh đăng ký học giảm dần. Ngành điện tử - điện lạnh, cơ điện, chế biến cao su, hai năm gần đây chỉ còn lác đác học viên đăng ký tham gia. Do đó, hiện trường chỉ còn đào tạo nghề điện công nghiệp cho hệ  trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hệ này cũng chỉ thu hút được khoảng từ 40 đến 50 học sinh/năm.

Tương tự, Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và Trường dạy nghề Tôn Đức Thắng năm nào cũng thấp thỏm lo không tuyển đủ chỉ tiêu.

Song song đó, Bình Phước cũng đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống các trường dạy nghề, thay đổi cơ cấu ngành nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.  Phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo cũng đang là một trong những hướng đi của Bình Phước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, các cơ sở đào tạo nghề của Bình Phước có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực cho địa phương.      

Đức Trọng

 

 

 

Tin xem nhiều