Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực trạng phá rừng ở Bình Phước

10:09, 03/09/2012

Giữa tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố, bắt giam 5 đối tượng là cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh và Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh do liên quan đến việc phá hoại 52 hécta đất rừng thuộc rừng phòng hộ Lộc Ninh. Đây cũng chỉ là một trong số nhiều vụ án phá rừng có sự tiếp tay của cán bộ - công chức Nhà nước xảy ra trên địa bàn tỉnh này trong những năm qua…

Giữa tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố, bắt giam 5 đối tượng là cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh và Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh do liên quan đến việc phá hoại 52 hécta đất rừng thuộc rừng phòng hộ Lộc Ninh. Đây cũng chỉ là một trong số nhiều vụ án phá rừng có sự tiếp tay của cán bộ - công chức Nhà nước xảy ra trên địa bàn tỉnh này trong những năm qua…

Nhiều năm trước, đối tượng phá rừng bị xử lý ở tỉnh này chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ và số di dân tự do lấn chiếm đất lâm nghiệp để ở và canh tác. Nhưng những năm gần đây, tình trạng khai thác gỗ trái phép có tổ chức, có quy mô lớn cho thấy tính chất phá rừng ở Bình Phước đang hết sức phức tạp.

* Như chỗ không người

Rừng giá tỵ tại xã Lộc Hiệp, huyện Bù Đốp, thuộc Công ty cao su Sông Bé do Nông - lâm trường Bù Đốp quản lý hiện có trên 154 hécta. Tiền thân khu rừng này là Lâm trường Thanh niên xung phong 30, Lâm trường Lộc Quang hình thành từ 1984 đến 1995.

Cây rừng bị  chặt  phá với quy mô lớn ở Bình Phước.
Cây rừng bị chặt phá với quy mô lớn ở Bình Phước.

Nhiều năm qua, khu rừng này bị chặt hạ cây giá tỵ lấy gỗ giữa ban ngày, thách thức và xem thường các cơ quan bảo vệ rừng và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Các đối tượng phá rừng đã lợi dụng địa bàn rộng, đường sá đi lại thuận tiện nằm xen lẫn trong khu dân cư, tổ chức cưa hạ cây rồi dùng xe gắn máy vận chuyển gỗ ra ngoài để tiêu thụ.

Khi bị người dân phát hiện, bọn phá rừng đe dọa, còn gặp quản lý rừng thì bỏ lại gỗ và chạy trốn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Nông - lâm trường Bù Đốp đã lập biên bản 131 vụ việc vi phạm khai thác rừng giá tỵ, thiệt hại 752 cây có đường kính từ 20 - 25 cm, tang vật thu hồi được 461 lóng cây, ước khối lượng khoảng 30m3.

Ở khu vực Nông - lâm trường Đăk Mai (huyện Bù Gia Mập), Nông lâm trường Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng) và một số cánh rừng nằm trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tình trạng cất giấu, tàng trữ và vận chuyển lâm sản trái phép thường xuyên xảy ra. Hàng chục ngàn mét khối gỗ của lâm tặc đã được thu giữ, nhiều lâm tặc đã bị khởi tố nhưng tình trạng chảy máu rừng vẫn chưa thuyên giảm do vị trí địa lý phức tạp của Bình Phước, một khu vực giáp ranh Lâm Đồng, Đồng Nai và biên giới Campuchia.

* Chiếm đất hay lấy gỗ?

Năm ngoái, ngành kiểm lâm Bình Phước phải vất vả đối mặt với tình trạng một số người dân thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, phần lớn là đồng bào dân tộc M’Nông, S’Tiêng - xâm nhập vào các khu vực Vườn quốc gia Bù Gia Mập, thuộc các tiểu khu giáp ranh với lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, thuộc địa phận huyện Tuy Đức để khai thác, lấy cắp gỗ quý hiếm. Thủ đoạn của các đối tượng nói trên là thường tập trung từ 50 đến 70 người vào rừng cưa hạ các loại gỗ, như: gõ đỏ, cẩm lai… xẻ nhỏ rồi vận chuyển bằng xe gắn máy, xe tự chế theo các ngõ ngách trong rừng đưa về tỉnh Đắk Nông tiêu thụ.

Một số người dân nhập cư trái phép cũng lao vào rừng sâu, rừng phòng hộ đầu nguồn để phá rừng nhằm mục đích chiếm đất và đòi hỏi đền bù. Đa phần họ là những người nghèo bị các đối tượng lâm tặc xúi giục.

Nhiều vụ phá rừng đã xảy ra ở các khu vực đã có chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trồng cây lâm nghiệp, cây cao su với diện tích hàng mấy trăm hécta. Tại Nông - lâm trường Nghĩa Trung thuộc Công ty cao su Sông Bé và Nông - lâm trường Đăk Mai, Nông - lâm trường Đăk Ơ thuộc Công ty cao su Phước Long, tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn với mục đích lấn chiếm đất và khai thác gỗ đã xảy ra làm thiệt hại 88 hécta rừng.

* Đâu chỉ có người dân?

Trong số 5 đối tượng bị khởi tố, bắt giam tại Lộc Ninh liên quan đến việc phá hoại rừng có ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và ông Lâm Văn Thạnh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lộc Ninh.

Vào tháng 5-2010, UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận cho HTX. Phương Thảo và Ban quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh liên doanh trồng cao su trên diện tích 150 hécta đất rừng nghèo. Trong quá trình thực hiện, HTX đã đề nghị khai thác 52 hécta đất rừng nằm trong diện “cần khoanh nuôi, bảo vệ nghiêm ngặt, cấm hủy hoại” để trồng cao su. Ban quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh chấp thuận và đề xuất kiến nghị đến Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh. Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh lại tham mưu cho ông Trương Văn Phúc - nguyên Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh có văn bản về việc chấp thuận chủ trương cho HTX Phương Thảo phá rừng để trồng cao su.

Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn trong thời gian qua ở Bình Phước đều có liên quan đến trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp đến cán bộ địa phương. Bởi lẽ, việc lâm tặc ngang nhiên chặt hạ cây rừng không thể không có sự bao che, dung túng của một bộ phận cán bộ quản lý rừng.

Việt Nguyễn

 

Tin xem nhiều