Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi yến trong nhà ở miền Đông

08:09, 25/09/2012

Cách nay 5 năm, khi xây dựng Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến ở Bình Dương, ông chủ công trình đã triển khai nuôi chim yến trên Ngũ Hành Sơn nhân tạo. Bấy giờ, ít ai nghĩ rằng đó là một dịch vụ gia tăng trong khu du lịch mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng thời gian đã chứng minh đây là quyết định đúng.

Cách nay 5 năm, khi xây dựng Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến ở Bình Dương, ông chủ công trình đã triển khai nuôi chim yến trên Ngũ Hành Sơn nhân tạo. Bấy giờ, ít ai nghĩ rằng đó là một dịch vụ gia tăng trong khu du lịch mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng thời gian đã chứng minh đây là quyết định đúng. Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh miền Đông Nam bộ, có trên 100 cơ sở nuôi chim yến tại nhà.

Theo các chuyên gia, nghề nuôi chim yến trong nhà được nhiều nước trong khu vực, như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia khai thác khá lâu và đây là một công việc có thu nhập khá cao. Giá trị tổ yến được sánh như “vàng trắng”: xuất khẩu 2-2,5 ngàn USD/kg mà cung không đủ cầu.

* Dễ như nuôi yến, lời như nuôi yến

Chim yến là đặc sản độc quyền của vùng biển Đông Nam Á, nhưng theo các chuyên gia, chất lượng tổ yến Việt Nam cao nhất vùng. Nuôi chim yến không cần quỹ đất, lại có thể chọn vùng đất không sản xuất nông nghiệp được. Thức ăn chim yến là các loại côn trùng nên góp phần tiêu diệt loài gây hại. Cũng là chăn nuôi, nhưng với chim yến, nhà nông không đầu tư mua giống, không phải lo thức ăn. Chim yến ăn, uống trên không, bay suốt ngày từ sáng tới tối về tổ, không tiếp xúc với sinh vật khác và hầu như không đậu. Nuôi chim yến thực chất là tìm cách dẫn dụ chim vào nhà, chim ở lại, gây đàn, làm tổ.

Tổ chim yến nuôi ở nhà của nhà văn - nhà báo Võ Đắc Danh ở Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh).
Tổ chim yến nuôi ở nhà của nhà văn - nhà báo Võ Đắc Danh ở Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh).

Nuôi chim yến trong nhà chỉ cần nắm vững kỹ thuật chắc chắn sẽ thành công. Hiện có nhiều nhà yến được xây dựng, nhiều căn thu hoạch hàng chục ký tổ yến và mở rộng quy mô, bên cạnh đó không ít người chạy theo xây nhà nuôi yến nhưng tìm hiểu qua loa dẫn đến thất bại.

Một cặp chim yến có khả năng cho thu nhập 1 triệu đồng/năm, vòng đời chim yến là 12 năm, tương ứng 12 triệu đồng. Một căn nhà yến diện tích 5 x 20 m, thiết kế 2 tầng và đầu tư thiết bị kỹ thuật khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng (tùy loại), nếu đúng yêu cầu kỹ thuật thì năm đầu tiên có thể thu hoạch 1kg/tháng. Sau 3 năm, khả năng có thể thu hoạch 2 - 5 kg/tháng (24 - 60 kg/năm), với giá thu mua yến thô tại nhà khoảng 35 triệu đồng/kg, nhà đầu tư có thể thu về 840 triệu đến 2,1 tỷ đồng/năm.

* “Phong trào” tự phát

Hiện nay chưa có một con số thống kê chính xác các điểm nuôi chim yến trong nhà ở khu vực miền Đông, nhưng theo các hộ đã chăn nuôi thì đã hình thành một phong trào từ Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai, “phong trào” này ngày một phát triển. Anh Trần Tùng Chinh, một người nuôi yến ở Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) nói vui: “Giờ này chỉ cần đi trong xóm, thấy cái nhà nào xây nhô lên một cách bất thường, 90% là nuôi yến!”.

Có người ban đầu xây nhà dụ yến quy mô nhỏ, nhưng sau đó yến về quá nhiều nên phải cơi nới thêm. Trên Ngũ Hành Sơn nhân tạo trong Khu du lịch Đại Nam, hiện nay thu hút hàng chục ngàn chim yến.

Kỹ thuật nuôi chim yến ban đầu còn là bí mật được chia sẻ kiểu truyền nghề nhưng hiện nay, các tài liệu đều đã có bản in, có phổ biến trên mạng internet và báo chí. Các tài liệu này thông tin tư vấn khá chi tiết từ cách chọn vật liệu, tính toán nhiệt độ, ẩm độ, đảm bảo âm thanh, ánh sáng, môi trường xung quanh, ngăn chặn kẻ thù của yến, như: cú mèo, tắc kè, diều hâu, loại trừ kiến, gián, chuột, dơi, thằn lằn… đến cách tư vấn cách bảo quản, khai thác tổ yến, giá cả thị trường.

Tất nhiên cũng có những người đầu tư thất bại. Theo ông Nguyễn Văn Bền, một người nuôi yến ở Nhà Bè, có người đầu tư xây nhà 4 tầng và mua thiết bị hết hàng tỷ đồng nhưng vẫn thất bại vì chưa rành các “bí quyết” dụ yến. Theo ông Bền, dẫn dụ yến phải hiểu rõ một số tập quán tự nhiên của loài chim này và quan trọng nhất là phải biết nghe tiếng kêu của yến để đoán được chúng đang cần gì, đang gọi đàn hay gọi tình.

Nuôi chim yến ngoài hiệu quả kinh tế còn góp phần bảo vệ động vật quý hiếm, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, so với các nước, Việt Nam quá chậm trong việc phát triển nghề này.

Cách nay 4 năm, một nông dân ở Bình Dương, anh Lâm Đức Nguyện, đã bỏ vốn thành lập nên Trung tâm yến sào Bình Dương nhằm tư vấn, xây dựng và chuyển giao kỹ thuật cho hàng trăm nhà yến ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trung tâm này còn tổ chức tư vấn miễn phí nghề nuôi chim yến cho những ai quan tâm. Nhưng sự ra đời của những trung tâm như thế vẫn là nỗ lực tự phát trong cộng đồng.

Đan Châu

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều