Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp chuyển giao khoa học - công nghệ

Văn Gia
08:23, 17/08/2024

Đông Nam Bộ (ĐNB) giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước, đặc biệt là lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN) và chuyển giao công nghệ.

Sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom), doanh nghiệp có nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ với các trường đại học. Ảnh: V.Gia

Thời gian qua, các địa phương, trường đại học, trung tâm nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp (DN) đã có những nỗ lực trong việc phát triển, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, cần sự hỗ trợ, đồng hành hơn từ các bên liên quan.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành KHCN

Theo quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì vùng sẽ trở thành trung tâm KHCN... của cả nước cũng như khu vực. Theo đó, ĐNB cần có những giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường đầu tư cho KHCN không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt từ DN. Tăng cường liên kết viện, trường và DN, để DN thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Quyết định cũng đã nêu rõ các giải pháp trọng tâm để phát triển KHCN vùng ĐNB, trong đó phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, năng lượng, cơ khí chế tạo, hóa chất, vật liệu... và những lĩnh vực thế mạnh của vùng. Đồng thời, bố trí tăng dần tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp, thu hút đầu tư và tài chính cho triển khai hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.

Trong thực tế, việc đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ ở cả nước cũng như trong vùng ĐNB còn nhiều hạn chế. Tại Hội thảo Kết nối chuyển giao công nghệ tại khu vực phía Nam được tổ chức tháng 7 vừa qua, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KHCN) Nguyễn Đức Hoàng đánh giá, một số địa phương chưa tích cực trong việc xác định nhu cầu công nghệ của DN nên chưa triển khai được việc kết nối, chuyển giao công nghệ. Bản thân một số DN của Việt Nam cũng chưa thực sự xác định rõ được nhu cầu công nghệ. Một số DN vẫn còn trong trạng thái chờ khoản tài trợ từ Nhà nước hoặc chỉ coi kênh tìm kiếm từ bộ phận đại diện KHCN là kênh tham khảo phụ...

Để hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ đạt hiệu quả, cần có sự chung tay kết nối từ nhiều phía. DN có nhu cầu cần làm rõ thông tin để sở KHCN địa phương và các đơn vị liên quan triển khai công tác hỗ trợ tìm kiếm, kết nối với các đối tác và chuyển giao công nghệ.

Gia tăng kết nối chuyển giao công nghệ

Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy cho biết, mạng lưới đại diện KHCN ở nước ngoài được xây dựng 15 năm qua ở 15 quốc gia với 23 địa bàn trọng điểm, có hợp tác sâu rộng với Việt Nam. Các đại diện này thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng và kết nối trực tiếp với các nhà khoa học người Việt, người gốc Việt dựa trên nhu cầu của các viện, trường, DN trong nước để giới thiệu, tìm hiểu các chiến lược, văn kiện, văn bản pháp luật về KHCN của các quốc gia. Đó là điều kiện thuận lợi kết nối trực tiếp các nguồn công nghệ của viện nghiên cứu, trường đại học, DN nước ngoài với các đơn vị trong nước có nhu cầu.

Tại các địa phương, DN, viện, trường, trung tâm nghiên cứu thì việc đẩy mạnh kết nối, chuyển giao công nghệ cũng là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Đối với Bình Dương, theo Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bình Dương Nguyễn Việt Long, 2 trọng tâm lớn của ngành là: thu hút nguồn lực, kết nối 3 nhà; hỗ trợ DN nâng cao trình độ, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng và hình thành được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở sôi động, tạo tiền đề triển khai các khu KHCN, hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Ở Đồng Nai, thời gian qua, Hội Hóa học tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ nhiều hội viên cải tiến và phát triển sản phẩm như: Công ty CP Domilk (huyện Long Thành), Công ty TNHH Amanda Phạm Việt Nam (thành phố Biên Hòa), Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Đức Thu (Ninh Thuận).

Tương tự, Công ty CP Thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) đã hợp tác với Trường đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nghiên cứu và tư vấn trong việc ứng dụng KHCN để kiểm soát chất lượng và nâng cao năng suất các loại nông sản được trồng với tiêu chuẩn GlobalGAP thông qua ứng dụng internet vạn vật (IoTs) và trí tuệ nhân tạo.

Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT công ty, thông qua hợp tác,  nhà trường  cũng sẽ tư vấn triển khai hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, chuyển đổi số trong quản trị DN, đào tạo trực tuyến cho nhân viên, người nông dân và các đối tác trong chuỗi giá trị của công ty. Ở chiều ngược lại, công ty hỗ trợ nhà trường đầu tư cơ sở vật chất cũng như tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên nghiên cứu các công nghệ, thí nghiệm ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.

Văn Gia

Tin xem nhiều