Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu đất đắp thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Phạm Tùng
08:21, 13/07/2024

Trong khi các vị trí khai thác đất đắp theo quy hoạch không khai thác được thì các vị trí đề xuất mới đang gặp vướng mắc, khiến cho Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn Đồng Nai đang bị thiếu hụt trầm trọng nguồn đất đắp.

Thiếu nguồn đất đắp đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: P.Tùng
Thiếu nguồn đất đắp đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: P.Tùng

Việc thiếu nguồn đất đắp khiến dự án này tiếp tục đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ.

Loay hoay tìm nguồn đất đắp

Thời gian qua, sau khi công tác giải phóng mặt bằng có những tiến triển khả quan, các nhà thầu thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã tăng cường nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Tuy nhiên, việc thi công dự án này đang đứng trước khó khăn thiếu nguồn đất đắp. Theo tính toán, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có nhu cầu hơn 5 triệu m3 đất đắp để phục vụ quá trình thi công.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, do một số nguyên nhân khách quan, các vị trí khai thác đất để lấy nguồn đất đắp phục vụ cho dự án hiện nay không thể khai thác được.

Chính vì vậy, thời gian qua, các đơn vị chủ đầu tư, các nhà thầu thi công dự án đang phải loay hoay tìm nguồn đất đắp.

Đại diện Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải), chủ đầu tư dự án thành phần 2 Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cho hay sau khi nhận được mặt bằng do địa phương bàn giao, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu tổ chức các mũi thi công đồng loạt để đảm bảo tiến độ của dự án. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo hiện nay là thiếu hụt nguồn đất đắp để phục vụ thi công.

Trong khi đó, ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, đơn vị chủ đầu tư Dự án Thành phần 1 Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cho biết nguồn đất đắp phục vụ thi công dự án đang rất thiếu.

Trước đó, để có nguồn đất đắp phục vụ thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh đã kiến nghị các cơ quan Trung ương cho phép sử dụng nguồn đất từ Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Thế nhưng, đến thời điểm này, việc lấy nguồn đất đắp từ Dự án Sân bay Long Thành vẫn chưa thể thực hiện.

Tiếp đó, các đơn vị chủ đầu tư đã khảo sát một số vị trí tại các mỏ đá ở khu vực cụm mỏ đá Tân Cang (thành phố Biên Hòa) để đề xuất sử dụng đất tầng phủ phục vụ thi công dự án. Nguồn đất tại đây không đủ để thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua Đồng Nai dài 34,2km, được chia làm 2 dự án thành phần 1 và 2.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Để có nguồn đất đắp phục vụ thi công, thời gian qua, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã khảo sát và đề xuất 3 vị trí khai thác mới bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu, khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù nhằm phục vụ thi công đường giao thông. Trong đó có 3 mỏ vật liệu tại khu vực thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành với tổng diện tích mỏ trên 31 hécta, trữ lượng khai thác hơn 4,6 triệu m3 vật liệu. Quá trình triển khai các thủ tục lại tiếp tục gặp các khó khăn, vướng mắc.

Tại buổi làm việc trực tuyến của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư để nghe báo cáo việc giải quyết vướng mắc về vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam vào ngày 10-7-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay, đối với Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện chủ đầu tư và nhà thầu thi công trực tiếp đề xuất 3 vị trí và bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu, khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù nhằm phục vụ thi công đường giao thông.

Đối với việc khai thác mỏ mới, áp dụng theo cơ chế đặc thù (Nghị quyết số 59/2022QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25-7-2022 của Chính phủ) và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, khu vực khai thác theo cơ chế đặc thù phải đáp ứng là điểm mỏ nằm trong quy hoạch khoáng sản mới được đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án và phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Diện tích đất sau khai thác phải bàn giao về địa phương quản lý (tức bàn giao về cho UBND tỉnh quản lý trở thành đất công).

Trong khi đó, 3 vị trí mỏ vật liệu chủ đầu tư, nhà thầu đề xuất khai thác vật liệu để thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân. Người dân không đồng thuận sau khai thác toàn bộ diện tích đất để địa phương quản lý mà chỉ chấp thuận sau khai thác người dân được tiếp tục sử dụng đất. Tại các vị trí đề xuất khai thác vật liệu không phải là điểm mỏ, không có trong quy hoạch khoáng sản...

Do đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép các nhà thầu thương lượng với các hộ dân để khai thác đất san lấp chỉ để phục vụ thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Quá trình triển khai thực hiện, các nhà thầu sẽ thực hiện đúng các nghĩa vụ về thuế, phí, bảo vệ môi trường. Sau khi khai thác đủ nguồn đất đắp thi công dự án sẽ trả lại diện tích đất cho các hộ dân sử dụng đúng theo quy hoạch sử dụng đất.

“Tỉnh sẽ có sự quản lý để các nhà thầu sử dụng nguồn đất đắp đúng quy định là chỉ sử dụng để phục vụ thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi khẳng định.

Trước kiến nghị của địa phương, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét, báo cáo để có hướng dẫn cụ thể cho tỉnh triển khai thực hiện.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều