Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo động lực phát triển kinh tế xanh

Bình Nguyên
08:46, 20/07/2024

Hiện nay, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết. Đông Nam Bộ (ĐNB) là đầu tàu kinh tế nên rất chú trọng trong phát triển kinh tế xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Công ty TNHH Koyu & Unitek (thành phố Biên Hòa) đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường trong chế biến thịt gà xuất khẩu đạt chuẩn của thị trường Nhật Bản. Ảnh: B.Nguyên

 Hướng đến mục tiêu trên, các tỉnh, thành phố vùng ĐNB cần thúc đẩy liên kết vùng, hoàn thiện thể chế, tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế xanh.

Đi đầu trong chuyển đổi xanh

Về chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, vùng ĐNB đứng thứ 2 cả nước. Vùng cũng đứng đầu ở các chỉ số như: hỗ trợ doanh nghiệp (DN); môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch. Tuy nhiên, môi trường đầu tư của các tỉnh, thành phố vùng ĐNB vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ như: tiếp cận đất đai, đăng ký đầu tư kinh doanh có điều kiện…

Phó trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Ngọc Thạch cho biết, các địa phương trong vùng ĐNB cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như: nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, nhất là xử lý các vấn đề mới phát sinh của Luật Đất đai năm 2024; tập trung hỗ trợ ở các lĩnh vực mà nhiều DN còn thấy phiền hà như đất đai, thuế, môi trường, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng…

Tại Hội thảo Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững cho vùng ĐNB diễn ra ngày 18-7, các địa phương trong vùng ĐNB đã tập trung bàn, trao đổi các sáng kiến, mô hình, giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sang kinh tế xanh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho hay, để hướng đến nền kinh tế xanh, kinh nghiệm của tỉnh là phải sàng lọc ngay từ đầu để chọn các dự án đầu tư hiện đại, có giá trị gia tăng cao, không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển xanh của Bà Rịa - Vũng Tàu. Địa phương cũng luôn ghi nhận những gợi ý, góp ý để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và các tỉnh vùng ĐNB nói chung tiếp tục cải thiện bền vững và nâng cao các chỉ số cạnh tranh.

Những năm gần đây, các tỉnh, thành vùng ĐNB luôn nỗ lực trong việc chuyển đổi xanh. Do đó, các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, tiêu dùng, du lịch… đều được các địa phương khuyến khích lựa chọn, ứng dụng công nghệ hiện đại, nguyên liệu, sản phẩm tái chế để giảm phát thải thân thiện với môi trường.

Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh Trần Việt Hà nhấn mạnh, phát triển kinh tế xanh là nhu cầu thực, xu hướng tất yếu của các nền kinh tế tiến bộ trên thế giới. Nhận thức được điều đó, năm 2020, thành phố chọn Khu công nghiệp Hiệp Phước có quy mô lớn nhất để áp dụng kinh tế tuần hoàn gắn với khu công nghiệp sinh thái. Nhằm thay đổi nhận thức của các DN, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo tập huấn nhằm nâng cao năng lực về hiệu quả sản xuất sạch; hội thảo về nâng cao năng lực giảm khí thải nhà kính; hội thảo trực tuyến hướng dẫn sử dụng hệ thống giám sát thực hành khu công nghiệp sinh thái... Kết quả, trong khu công nghiệp có hàng chục DN tham gia sản xuất sạch hơn, giảm tiêu thụ điện, nước và phát thải nhà kính, tiết kiệm điện được 90 tỷ đồng. Trong thực hiện các tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái, có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, DN thực hiện thay đổi cần vốn vay ưu đãi để đầu tư công nghệ, tái cấu trúc cơ sở hạ tầng. Hiện các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN, về vốn… chưa rõ ràng để tạo cú hích cho DN thực hiện chuyển đổi.

Đồng Nai được Bộ Kế hoạch và đầu tư chọn Khu công nghiệp Amata làm thí điểm khu công nghiệp sinh thái. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ nhân rộng ra các khu công nghiệp trong tỉnh và cả nước. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác cũng được tỉnh yêu cầu có lộ trình tham gia vào giảm phát thải, hướng đến kinh tế xanh, tuần hoàn để phát triển bền vững.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai Trần Trọng Toàn chia sẻ, môi trường luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu và đưa ra các giải pháp để bảo vệ nghiêm ngặt. Đồng Nai đã ban hành đề án giảm thiểu carbon trên địa bàn tỉnh tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giảm thiểu carbon là nội dung chính trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện nay đang tồn tại xu hướng cạnh tranh nhau giữa các địa phương lân cận ngay trong vùng kinh tế, nhất là trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần thúc đẩy sự kết nối giữa các tỉnh lân cận theo hướng hình thành vùng kinh tế gắn với thiết kế chính sách phát triển vùng lên tầm cao mới. Chính sách phát triển vùng cần phải đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, tính kịp thời và tính tuân thủ, thực thi cao.

Cần chính sách đột phá

Muốn phát triển kinh tế xanh, vùng ĐNB cần có nhiều giải pháp đột phá để có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)  Võ Tân Thành, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Thực tế, đã có nhiều bài học về hệ lụy chỉ lo phát triển kinh tế mà bỏ quên môi trường. Ở đây cần loại bỏ tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá”, thu hút đầu tư “bằng mọi giá” thay bằng tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh vào mọi hoạt động kinh tế, nhất là trong thu hút đầu tư.

Mô hình Nuôi tôm công nghệ cao, đảm bảo an toàn cho môi trường tại huyện Nhơn Trạch.
Mô hình Nuôi tôm công nghệ cao, đảm bảo an toàn cho môi trường tại huyện Nhơn Trạch.

Với vùng ĐNB, trong thu hút đầu tư, kinh tế xanh đặc biệt được quan tâm và là xu hướng tất yếu. Trong đó, kinh tế xanh bao hàm tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh, kinh tế số… Kinh tế xanh là mục tiêu dài hạn, đích tới của phát triển bền vững, dựa vào tăng trưởng xanh gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng vẫn còn những hạn chế là: chưa được hướng dẫn thực hiện cụ thể; chưa được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐNB và các địa phương; nguồn lực thực hiện các quy hoạch, kế hoạch còn thiếu; hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung còn yếu; kết nối hoạt động, chia sẻ thông tin giữa các ngành và vùng còn lỏng lẻo; thiếu đổi mới sáng tạo và không gian cho đổi mới sáng tạo…

PGS-TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng ta đang có vấn đề về thể chế, một hướng là mở đường, giải phóng; một hướng là kìm hãm. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, phải có quyết tâm chính trị, quyết liệt ở tầm cao nhất trong tạo sự đột phá đầu tư tăng trưởng mới, trong thí điểm để tạo động lực tăng trưởng mới. Ở đây, phải có thể chế đột phá, có tính mở đường, có tính dẫn dắt, có tính giải phóng thì thực hiện tăng trưởng xanh mới có hiệu quả trong tương lai”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều