Báo Đồng Nai điện tử
En

Bàn giải pháp khai thác tài nguyên du lịch vùng

Ngọc Liên
08:40, 06/01/2024

Đông Nam bộ (ĐNB) là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Năm 2023, ĐNB đón trên 65,7 triệu lượt khách, chiếm trên 54% tổng lượng khách du lịch trong cả nước. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch đạt hơn 180 ngàn tỷ đồng, bằng 27% tổng doanh thu về du lịch của cả nước. Kết quả trên cho thấy, du lịch ĐNB vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

Các đại biểu tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, một trong những sản phẩm du lịch về nguồn mới ra mắt năm 2023 của TP.HCM. Ảnh: N.LIÊN

Vùng ĐNB bao gồm 6 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và TP.HCM. Đây là vùng đầu tàu kinh tế của Việt Nam, có những đóng góp lớn về thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu…

* Tiềm lực lớn nhưng chưa đủ mạnh

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, ĐNB có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; có hệ thống rừng, sông, hồ, biển phong phú và cả một hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề… Đây là những chất liệu quý giá để xây dựng, khai thác và phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch về nguồn; du lịch sinh thái rừng, hồ; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển…

Nhiều điểm du lịch của vùng ĐNB nổi tiếng, thu hút lượng khách du lịch trong nước và quốc tế là các điểm du lịch về nguồn như: địa đạo Củ Chi, các bảo tàng, Dinh Độc lập, các khu du lịch (KDL) Đầm Sen, Suối Tiên… của TP.HCM; Nhà tù Côn Đảo, bãi biển Hồ Tràm… của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; KDL Đại Nam, Thủy Châu của tỉnh Bình Dương; điểm đến Sóc Bom Bo của tỉnh Bình Phước; KDL núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài của tỉnh Tây Ninh; Vườn quốc gia Cát Tiên, Công viên nước lớn nhất Việt Nam của Sơn Tiên, Suối Mơ, thác Giang Điền, Chiến khu Đ của tỉnh Đồng Nai…

Đặc biệt, ĐNB có nhiều tài nguyên di sản văn hóa truyền thống có thể khai thác du lịch như: loại hình đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Lễ hội chùa Ông của Đồng Nai được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…, là những lợi thế góp phần thu hút du khách đến với vùng ĐNB.

Khách xem phim tư liệu tại bảo tàng thông minh tư nhân đầu tiên tại TP.HCM
Khách xem phim tư liệu tại bảo tàng thông minh tư nhân đầu tiên tại TP.HCM

Tuy nhiên, dù có những lợi thế cạnh tranh mạnh nhưng du lịch của vùng ĐNB vẫn chưa thật sự nổi bật. Sự liên kết phát triển du lịch cấp vùng vẫn chưa đủ mạnh như kỳ vọng, dù đã trải qua hơn 3 năm liên kết phát triển du lịch cấp vùng.

Theo Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu, để ĐNB trở thành một trong 7 vùng du lịch phát triển nổi bật nhất cả nước, trở thành điểm đến quan trọng trong hệ thống du lịch Việt Nam, đặc biệt, để đưa ĐNB trở thành vùng du lịch thống nhất với tên gọi "6 địa phương - 1 điểm đến”, các tỉnh, thành cần liên kết chặt chẽ hơn trong tạo môi trường phát triển du lịch thống nhất, xây dựng các sản phẩm liên kết đặc trưng cấp vùng với những nét đặc sắc nhất. Trên cơ sở những sản phẩm du lịch đã hình thành, doanh nghiệp du lịch sẽ từ đó phát triển thêm sản phẩm liên kết để thu hút du khách; tăng cường quảng bá du lịch vùng đến du khách trong và ngoài nước.

Bà Hiếu cho rằng, trước mắt các địa phương phải cùng phối hợp để hoàn thiện bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ cho toàn vùng, góp phần tăng cường hiệu quả truyền thông của cụm du lịch ĐNB.

Theo Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam HÀ VĂN SIÊU, ĐNB cần tập trung giải bài toán tăng doanh thu từ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách trong thời gian đến, trải nghiệm, tham quan và lưu trú cấp vùng. ĐNB phải phấn đấu không chỉ trở thành điểm đến với cơ sở hạ tầng và dịch vụ được đầu tư bài bản hấp dẫn khách du lịch, mà còn là nơi trung chuyển khách quốc tế và gửi khách đến các khu vực khác của cả nước.

* Phá thế rời rạc cho du lịch vùng ĐNB

Du lịch ĐNB còn thiếu sự gắn kết đúng thực chất và mang tính bền chặt. Kết quả hoạt động lĩnh vực du lịch vùng ĐNB đạt được trong năm 2023 cho thấy, lĩnh vực du lịch của các địa phương trong vùng có sự "vênh" nhau khá lớn. Cụ thể, trong năm 2023, TP.HCM về nhất với 40 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, mua sắm và lưu trú, doanh thu từ du lịch của TP.HCM đạt 160 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh có doanh thu về nhì chưa bằng 1/10 của TP.HCM là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu doanh thu chỉ 14,6 ngàn tỷ đồng. 3 tỉnh có doanh thu từ 1,6-2 ngàn tỷ đồng lần lượt là: Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Dương; tỉnh Bình Phước đứng cuối với con số khá khiêm tốn 492 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết triển khai thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng ĐNB năm 2023, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng mong muốn các tỉnh, thành vùng ĐNB cùng nhau thảo luận, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm hình thành chuỗi liên kết phát triển sản phẩm, dịch vụ, góp phần tăng tính cạnh tranh của vùng. Bên cạnh đó, bàn các giải pháp nâng cao công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh của vùng; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng ĐNB, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Đồ họa thể hiện thống kê tổng lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch của các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ năm 2023 (Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Hà)

Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Đồng Nai Nguyễn Thị Mộng Bình, việc triển khai thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng, các nội dung thực hiện liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố theo chương trình ký kết đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Các hoạt động liên kết, hợp tác chủ yếu là tham gia các hoạt động do các tỉnh, thành trong vùng tổ chức, còn hoạt động mang tính riêng lẻ, chưa có nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến chung của các tỉnh trong vùng, chưa tạo được tuyến du lịch chung nổi bật của khu vực ĐNB.

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình cho rằng, ĐNB phải cùng nhau cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng. Cùng phát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi địa phương; liên kết khai thác các tài nguyên và nguồn lực của địa phương để phát triển sản phẩm liên kết vùng. Các tỉnh, thành phải chủ động hợp tác ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh vào liên kết phát triển du lịch, nhất là số hóa, chia sẻ dữ liệu về du lịch nhằm đem lại hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về du lịch và tiện ích đối với khách du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương nên có sự trao đổi, thống nhất về thời gian tổ chức, khai thác các sự kiện của địa phương mình sao cho phù hợp, thuận tiện, đảm bảo cho các địa phương khác có thể tham gia đầy đủ, mang lại hiệu quả và sự thành công cho các hoạt động.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều