Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên kết vùng trong thương mại điện tử

Hải Quân
08:01, 18/11/2023

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc đẩy mạnh liên kết vùng trong thương mại điện tử (TMĐT) trở thành một xu thế tất yếu, hướng đến mục tiêu tối ưu hóa tài nguyên và phát triển kinh tế bền vững.

Hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp, người dân tại một hội thảo về thúc đẩy thương mại điện tử diễn ra tại TP.HCM trong năm 2023. Ảnh: H.Quân

Trên nền tảng số, việc liên kết vùng sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tăng doanh thu, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

* Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng

Những năm gần đây, TMĐT ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin.

Theo Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương), những năm gần đây, TMĐT tại Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Hiện tại, trên 73% dân số Việt Nam sử dụng internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến.

Riêng tại Đồng Nai, theo Sở Công thương, kết quả sơ bộ của Cục Thống kê Đồng Nai về điều tra tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2022 cho thấy, mua sắm trực tuyến đã trở thành hình thức mua sắm, bán hàng phổ biến của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ số hộ đặt mua hàng qua các kênh truyền hình và kênh phát trực tuyến đạt hơn 73%.

Tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có  khu vực Đông Nam bộ, nhiều tỉnh, thành đã chủ động phát triển và đưa các sàn TMĐT của địa phương vào thí điểm, vận hành. Đơn cử như các sàn TMĐT của Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

Ngoài ra, thống kê kết quả từ hệ thống quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công thương (http://online.gov.vn/) cho thấy, đến hết tháng 9-2023, Đồng Nai đã có 557 đơn vị đăng ký website thông báo bán hàng; 7 website thông báo ứng dụng bán hàng…

Các mô hình TMĐT ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT cũng đang ngày càng khốc liệt. Điều này đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi để thích ứng trong bối cảnh mới về phát triển TMĐT nói riêng và kinh tế số nói chung.

Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thành chia sẻ, vấn đề nhân lực rất quan trọng trong việc phát triển hoạt động TMĐT ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai. Ngoài ra, các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối các kênh TMĐT giữa các địa phương, khu vực để sản phẩm vươn xa, mở rộng thị trường. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của hoạt động truyền thông, quảng bá cho sản phẩm địa phương trên các sàn TMĐT, nhất là sàn TMĐT của địa phương.

* Thúc đẩy kết nối liên vùng

Để phát huy hiệu quả của liên kết vùng trong TMĐT, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của liên kết vùng và chủ động tham gia vào các hoạt động liên kết, luôn nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tại Diễn đàn Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương Đông Nam bộ vào đầu tháng 11 vừa qua, Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số Lê Hoàng Oanh chia sẻ, thúc đẩy liên kết vùng là một trong những định hướng quan trọng của Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên thực tế, liên kết vùng sẽ giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ giữa các vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Liên kết vùng trong phát triển TMĐT gồm: cung cấp hàng hóa lên sàn TMĐT; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển logistics trong TMĐT; đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT; phát triển hạ tầng giao thông…

Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều địa phương ở Đông Nam bộ đã tích cực kết nối, trao đổi kinh nghiệm về phát triển TMĐT với các địa phương, khu vực trên cả nước. Thông qua đó, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường cho sản phẩm địa phương, thích ứng với các xu hướng mới về TMĐT, xu thế bán hàng, tiếp thị đa kênh.

Mới đây, Sở Công thương 2 tỉnh Đồng Nai và Sóc Trăng đã có dịp trao đổi kinh nghiệm phát triển TMĐT. Hai bên đã trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về TMĐT; kinh nghiệm trong việc khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức đẩy mạnh triển khai ứng dụng các phần mềm trên nền tảng công nghệ mới để phát triển TMĐT…

Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng Hứa Trường Sơn chia sẻ, đây là một trong những hoạt động học tập kinh nghiệm phát triển TMĐT tại một số địa phương có chỉ số TMĐT nằm trong tốp 10 của cả nước như Đồng Nai. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số trong phân phối, kết nối quảng bá sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT giữa các địa phương…

Hải Quân

Tin xem nhiều