Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ các điểm nghẽn để thu hút đầu tư xanh

Ngọc Liên
09:01, 14/10/2023

Đông Nam bộ (ĐNB) là khu vực dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, trong xu hướng phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, ĐNB có nhiều cơ hội để thu hút dòng vốn chất lượng cao của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Khu công nghiệp Amata đang thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái thí điểm
Khu công nghiệp Amata đang thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái thí điểm

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang mở ra cơ hội phát triển mới cho các địa phương trong vùng. Nhiều chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn kinh tế… được tổ chức nhằm đánh giá những tiềm năng, tìm giải pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy cho kinh tế toàn vùng.

* Xu hướng phát triển kinh tế xanh

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế xanh góp phần giảm thiểu phát thải carbon và ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, phát triển mạnh về đa dạng sinh học và các dịch vụ xanh. Để hướng tới những xu hướng đó, các địa phương vùng ĐNB đang huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, Đồng Nai đã bắt đầu chủ trương thu hút công nghệ sạch, công nghệ cao, ít sử dụng lao động từ nhiều năm nay. Các dự án đầu tư mới vào tỉnh chủ yếu sử dụng lao động tiên tiến trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Dù kết quả chưa được như kỳ vọng nhưng Đồng Nai vẫn đang duy trì hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh của Chính phủ. Thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục vừa thu hút các dự án đầu tư xanh, vừa ưu tiên nguồn lực và vốn để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh. Bên cạnh đó, Đồng Nai tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn cho giao thông, kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đặc biệt là kết nối giao thông từ cảng hàng không quốc tế Long Thành đến các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành vùng ĐNB.

Theo TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, vùng ĐNB cần tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng. Đây là mấu chốt vấn đề để ĐNB mở ra một thời kỳ mới. Bên cạnh đó, ĐNB cần có sự liên kết để xử lý ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm chất thải rắn…

Theo ông Nguyễn Bá Khải, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương), từ năm 2017, tỉnh Bình Dương đã có những bước đi hướng đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xanh. Hiện nay, Bình Dương đã tích hợp quy hoạch, khi có được một quy hoạch tốt sẽ có một nền tảng tốt, tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, trong đó bao gồm cả đầu tư nói chung và đầu tư xanh nói riêng.

Theo ông Khải, các tiêu chí về đầu tư xanh chưa rõ ràng, quy định từ các bộ, ngành trung ương về đầu tư xanh khi áp dụng cho địa phương chưa có sự thống nhất nên đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư xanh vào Bình Dương.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) Đinh Ngọc Thuận cho biết, Sonadezi đã hướng đến đầu tư xanh như sử dụng năng lượng xanh (điện năng lượng mặt trời) khoảng 10 năm nay. Những mái nhà xưởng có thể triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời, Sonadezi đều đầu tư. Về hạ tầng, trồng thêm cây xanh cũng được Sonadezi chú trọng đầu tư, bởi đây là một trong những giải pháp để hướng đến đầu tư xanh. Đối với những dự án có đầu tư xanh, công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, nước thải bảo đảm…, Sonadezi luôn khuyến khích và có chính sách về giá, vị trí cho nhà đầu tư.

* Tháo gỡ các điểm nghẽn

Đầu tư xanh mang đến những tác động tích cực cho chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và những lợi ích to lớn đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, thu hút đầu tư xanh còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn... cho mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và cho doanh nghiệp. Tiềm năng là thế, nhưng vấn đề thu hút đầu tư xanh hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Những tiêu chí xanh, chính sách về tăng trưởng xanh, quan niệm về kinh tế xanh… hiện vẫn có những quy chuẩn chung, tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội cấp vùng.

Nhà máy của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ở Khu công nghiệp
Amata được sản xuất theo quy trình tuần hoàn Ảnh: U.N
Nhà máy của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata được sản xuất theo quy trình tuần hoàn. Ảnh: U.N

Phó trưởng ban Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM Trần Việt Hà chia sẻ, do tiêu chí về đầu tư xanh hiện nay chưa rõ ràng nên việc thống kê các dự án đầu tư xanh đến nay mới chỉ mang tính cảm tính. TP.HCM đang đề xuất cần có một cơ chế mở để tiếp nhận các ngành sản xuất xanh, bởi nếu quy định cứng nhắc sẽ góp phần cản trở đầu tư xanh. Trong giai đoạn hiện nay, các địa phương rất cần có chính sách khuyến khích đầu tư và chuyển đổi công nghệ theo xu hướng chung.

Ông ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (TP.HCM), vùng ĐNB có lượng phát thải khí nhà kính chiếm 30-35% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. ĐNB cũng có trên 690 doanh nghiệp nằm trong diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính. Đây là một thách thức nên cần có chương trình khung; có sự tích hợp, lồng ghép chương trình phát thải vào các chương trình của bộ, ngành.

Để phát triển ổn định nền kinh tế xanh, các chuyên gia cho rằng, cần có sự thông thoáng hơn trong vấn đề hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn xanh. Bởi theo các doanh nghiệp, để đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ sản xuất đáp ứng các tiêu chí xanh, doanh nghiệp cần có nguồn vốn lớn, trong khi các quy định về dòng vốn xanh chưa được rõ nét.

Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – marketing, PGS-TS Phạm Tiến Đạt cho biết, đầu tư xanh đặt ra thách thức lớn về vốn đối với các quốc gia đang phát triển, các doanh nghiệp. Đầu tư vào máy móc, thiết bị thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí trả trước rất cao và chi phí chuyển đổi phương thức sản xuất cũ lớn. Đặc biệt, các khoản tiền gửi ngắn hạn và đầu tư ngắn hạn không phù hợp với bản chất lâu dài của các dự án đầu tư xanh (thường kéo dài hơn 10 năm). Do vậy, không riêng gì Việt Nam, phần lớn các nước cũng đang phải đối mặt với những thách thức cụ thể trong việc huy động tài chính xanh và bền vững.

Chia sẻ thông tin về các quy định tín dụng trong tăng trưởng kinh tế xanh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, tín dụng xanh là tín dụng cho sản xuất, kinh doanh xanh. Vì vậy, nếu có dự án xanh, dự án tốt thì ngành ngân hàng sẵn sàng đáp ứng. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chỉ thị, chương trình hành động với nội dung cốt lõi là động viên các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cho vay dự án xanh.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều