Báo Đồng Nai điện tử
En

Nan giải thoát nước ở các đô thị

Hoàng Lộc
08:40, 28/10/2023

Vùng Đông Nam bộ (ĐNB) có tỷ lệ đô thị hóa khoảng 67%, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Thế nhưng, tại các đô thị trong vùng, hạ tầng thoát nước mưa và xử lý nước thải còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phát triển chung của vùng.

Tuyến đường ven sông Đồng Nai đang xây dựng có hạ tầng thoát nước mưa và thu gom nước thải đồng bộ. Ảnh: H.LỘC
Tuyến đường ven sông Đồng Nai đang xây dựng có hạ tầng thoát nước mưa và thu gom nước thải đồng bộ. Ảnh: H.LỘC

Từng bước hoàn thiện hạ tầng thoát nước đảm bảo khả năng tiếp nhận là vấn đề đặt ra hiện nay.

* Thiếu hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải

Nhiều đô thị ở vùng ĐNB đang đối mặt với tình trạng “cứ mưa là ngập”. Không những ảnh hưởng đến đời sống và đi lại của người dân, ngập nước còn khiến chất lượng môi trường sinh thái bị suy giảm, công trình hạ tầng xuống cấp nhanh hơn.

Tại Đồng Nai, mặc dù đã có nhiều dự án thoát nước, chống ngập được triển khai và hoàn thành nhưng đến nay vẫn còn 39 điểm ngập. Đối với hạ tầng xử lý nước thải đô thị, nhiều dự án đề xuất nhưng hiện duy nhất TP.Biên Hòa có trạm xử lý nước thải với công suất khoảng 1% so với tổng phát sinh của tỉnh, các đô thị còn lại chưa có dự án được triển khai.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, công nghiệp hóa và đô thị hóa đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có thoát nước. Thời gian qua, tỉnh đã có các dự án khắc phục, xử lý ngập nước nhưng công tác triển khai còn chậm. Điển hình như dự án Chống ngập suối Chùa, suối bà Lúa, suối Cầu Quan tại TP.Biên Hòa nhiều năm nay chưa giải phóng xong mặt bằng. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác gây tắc nghẽn cống rãnh; lấn chiếm hành lang đường bộ, lòng suối, kênh rạch khiến nỗ lực thoát nước, chống ngập ngày càng khó khăn.

Sở Xây dựng cho rằng, công trình thoát nước, xử lý nước thải phải được triển khai đồng bộ mới mang lại hiệu quả, nhưng với hạ tầng hiện tại rất khó thực hiện. Thêm vào đó, công trình dạng này có vốn đầu tư lớn (bình quân khoảng 100 triệu USD/dự án), nhưng ngân sách hạn hẹp và phải ưu tiên phân bổ cho các công trình thiết yếu khác dẫn đến các công trình thoát nước, xử lý nước thải đô thị chưa được triển khai. Nhiều năm nay, tỉnh kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhưng khả năng thu hút vốn rất khó.

Tại TP.HCM, tình trạng ngập, triều cường ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, giao thông và sự phát triển của thành phố. Để khắc phục dần, năm 2016, thành phố cho triển khai “siêu” dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng nhưng đến nay chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, các dự án thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt cũng chậm do hạ tầng dày đặc và không đồng bộ, nguồn kinh phí lớn.

Trong hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐNB diễn ra tháng 8-2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, những năm qua, thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, dự án nhưng hiệu quả chưa cao. Ô nhiễm sông suối, kênh rạch vẫn nhiều; ngập nước do mưa và triều cường là nỗi ám ảnh của người dân, bài toán khó với chính quyền. Liên quan đến “siêu” dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng, thành phố đang vướng cơ chế và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, khi gỡ được cơ chế về phương thức thanh toán, dự án sẽ hoàn thành trong khoảng 6-8 tháng.

* Cần có quy hoạch thoát nước

Hiện nay, hầu hết các đô thị đều chưa đáp ứng được tiêu chí hạ tầng thoát nước do quá trình triển khai các dự án hạ tầng trước đây không tính đến đường thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải. Hiện tại quỹ đất hạn hẹp, dân cư đông đúc khó triển khai.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Xây dựng đề xuất giải pháp đầu tư vào các công trình thoát nước, hạn chế ngập. Cấp huyện đưa dự án chống ngập, tiêu thoát lũ vào danh mục dự án cấp bách để được ưu tiên bố trí vốn và có cơ chế đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bố trí kinh phí nạo vét suối khơi thông dòng chảy, đảm bảo việc tiếp nhận, tiêu thoát nước. Vận động, tuyên truyền, phát động phong trào thu gom rác góp phần chống ngập.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, các đô thị trên địa bàn đều thiếu hạ tầng thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Đây là áp lực lớn với môi trường, hoàn thành tiêu chí hạ tầng đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu lập, đề xuất dự án thu gom, xử lý nước thải đô thị mới thay thế cho dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách đã kéo dài nhiều năm và tính khả thi không cao. Các đô thị đông dân như: Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch phải xây dựng lộ trình đầu tư các dự án nhằm hoàn thiện tiêu chí hạ tầng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo hiến kế của các chuyên gia, để xử lý vấn đề ngập nước tại các đô thị cần làm tốt công tác quy hoạch từ cấp vùng, cấp tỉnh đến cấp huyện. Triển khai các dự án thoát nước mưa và công trình xử lý nước thải đáp ứng khả năng tiếp nhận. Các tỉnh, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng cho lập quy hoạch cấp thoát nước (hiện tại chỉ các thành phố trực thuộc Trung ương có quy hoạch này).

Cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch cải tạo chỉnh trang hệ thống sông, suối bị lấn chiếm; bố trí xây dựng các hồ điều hòa ở các vị trí phù hợp góp phần tái lập hệ sinh thái tiêu thoát nước tự nhiên, bảo vệ cảnh quan môi trường; bảo vệ hành lang sông, suối và các công trình tiêu thoát nước; đầu tư tuyến thoát nước đồng bộ với đường giao thông.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều