Tập chuyên luận Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam của nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy (Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành) là công trình nghiên cứu, sưu tầm lại và đánh giá tác phẩm truyện của nhà văn Sơn Nam.
Tác giả Đinh Thị Thanh Thủy. |
Khi nhà văn Sơn Nam (1926-2008) còn tại thế, nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy “có nhiều cơ hội được tiếp chuyện, được tò tò theo ông, nghe ông kể chuyện”. Dù vậy, khi thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá truyện của nhà văn Sơn Nam, chị phải vượt qua một thách thức đó là tìm lại các tác phẩm văn học của nhà văn để khảo cứu, bởi Sơn Nam không lưu giữ các tác phẩm của bản thân ông.
“Tập hợp được nhiều hơn tui”
Tác giả Thanh Thủy kể lại rằng: “Nhờ may mắn gặp được những người bạn văn của Sơn Nam, bác Đào Tăng, bác Đinh Công Tâm, chú Chinh Văn… đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình tìm lại các tác phẩm văn học và khảo cứu. Bấy giờ khi chuyển đến nhà văn Sơn Nam xem lại danh mục thống kê sưu tầm, khảo sát, phân loại 134 truyện ngắn - truyện vừa - tiểu thuyết (trong khoảng 300 truyện đã phổ biến) của ông, “ông già Nam Bộ” tỏ ra hài lòng, nhận xét vui: “Tập hợp được nhiều hơn tui nhớ à nghen”.
Với chị Thanh Thủy, nhà văn Sơn Nam là “ông già đi bộ suốt dọc miền Nam thế kỷ XX”, một người sáng tác có “văn phong độc đáo và đầy cá tính”. Chị miêu tả dưới góc nhìn và cảm nhận của mình: “Ông (nhà văn Sơn Nam - PV) đã đi qua thế kỷ XX với những thay đổi thời cuộc và thế sự, chứng kiến nhân gian từ nông thôn đến thành thị, từ vùng đất bưng bít với thế giới bên ngoài bởi những rừng tràm bạt ngàn, lau sậy dày đặc đến xóm nghèo Sài Gòn với đủ thứ tạp âm. Sơn Nam đã sống để chiêm nghiệm rõ rệt tình người và nhận chân lẽ sống”.
Tác giả dành chương 1 nói về sự nghiệp văn học của Sơn Nam, với hai phần nghiên cứu về quá trình sáng tác và những đề tài chính trong truyện Sơn Nam, khẳng định: “Tác phẩm của Sơn Nam trên các lĩnh vực văn học và khảo cứu mang đặc trưng thời đại và sắc thái văn hóa Nam Bộ trong tiến trình văn hóa Việt Nam” (trang 19).
Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam (Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tháng 12-2024). |
Ở chương 2, tác giả Thanh Thủy đi sâu vào “Văn hóa Nam Bộ trong truyện của Sơn Nam”, bởi truyện của Sơn Nam “phản ánh rất nhiều nội dung, mà bao trùm là văn hóa và con người Nam Bộ”. Chị phân tích kỹ về thể ứng xử trước tự nhiên lẫn trong xã hội, đồng thời đề cập đến những biến đổi văn hoá với 3 yếu tố rõ nét: ổn định, kế thừa và biến đổi.
Dẫn chứng cụ thể dựa trên nhiều tác phẩm nổi tiếng của Sơn Nam - với Hương rừng Cà Mau làm điểm tựa quan trọng, tác giả Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng Sơn Nam đã phản ánh con người Nam Bộ chất phác, bộc trực; nhân ái, nghĩa khí; thực tế, linh hoạt, thông minh, sáng tạo. “Tình nhân ái, Nghĩa đồng bào” là hai tính cách quan trọng của người Nam Bộ thể hiện qua ngòi bút Sơn Nam trong truyện vừa Hình bóng cũ - Biển cỏ miền Tây hay truyện ngắn Cấm bắt rùa…
Nhà lưu niệm Sơn Nam tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). |
Con người Nam Bộ
Phần cuối - Chương 3 của tác phẩm, nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy phân tích về “Con người Nam Bộ trong truyện của Sơn Nam”. Tác giả còn đào sâu về nghệ thuật thể hiện con người Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam. “Sơn Nam có lối hành văn thẳng tuột, đi thẳng vào vấn đề bằng câu văn và từ ngữ giản dị […]. Ngôn ngữ kể chuyện của Sơn Nam là ngôn ngữ cuộc sống đời thường”.
Từ cảm khái truyện của Sơn Nam, tác giả Thanh Thủy viết: “Nghĩa đồng bào tồn tại trong mỗi con người, bao kẻ sang hèn; đó là mục đích sống của người Nam Bộ” (trang 233). |
Ở trang 266, tác giả nêu bật rất nhiều nhân vật trong truyện Sơn Nam chân phương sinh động, mộc mạc tự nhiên và sâu sắc đặc trưng như ông Năm Tự, Hai Cháy (truyện Con heo Khịt), Năm Hên (truyện Con sấu cuối cùng), Tư Đức (truyện Sông Gành Hào), Bảy Đăng, Sáu Kiến (truyện Con rắn ri voi), cai tổng Ba (truyện Một kiểu anh hùng)… là những nhân vật “có hình tượng độc đáo, tích cực, khẳng định năng lực và sức sống của con người Nam Bộ”. Đó đồng thời là những nhân vật “bộc lộ cá tính Nam Bộ qua hành động cụ thể, qua từng góc cạnh tâm lý”.
Nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy trình làng với công chúng yêu văn học tập chuyên luận Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam “với ý thức chia sẻ đến với bạn đọc những nghiền ngẫm về khí chất, tính cách và cá tính Nam Bộ của văn hóa và con người miền Nam”. Những phân tích, khảo sát cặn kẽ, “đúc kết” thấu đáo của chị đưa ra góc nhìn thuyết phục về tư tưởng, tinh thần sáng tác của nhà văn Sơn Nam liên quan đến con người, nhân cách, cá tính, lối sống hành nghĩa “văn minh miệt vườn” miền Nam.
“Tri âm của nhà văn Sơn Nam”
Nhà thơ/nhà báo Lê Minh Quốc cho rằng tác giả Đinh Thị Thanh Thủy là “một tri âm của nhà văn hóa Sơn Nam”. Ông viết trong lời giới thiệu sách: “Ở đây là tấm lòng của sự tri âm, tri kỷ giữa nhà nghiên cứu và tác giả. Họ đã đeo đuổi bền lòng chỉ vì lý do duy nhất: đồng cảm với tác phẩm của tác giả mà mình đã đọc. Đã say mê. Đã tâm đắc. Điều này không chỉ khiến tác giả cảm động mà còn là lúc những suy nghĩ, nhận định, cảm nhận của họ được chia sẻ đến với bạn đọc. Như một cách tri ân đến tác giả mà họ đã đồng hành, từ tác phẩm. Cách tri ân này đáng tin cậy, hoàn toàn có lợi cho việc tìm hiểu của bạn đọc về tác giả đó. Quý thay, tấm lòng đồng điệu ấy”.
Trung Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin