Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại diện Sở Công thương Đồng Nai trình bày tham luận tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ do Bộ Công thương tổ chức vào cuối tháng 7-2024. Ảnh: H.Quân |
Vùng Đông Nam Bộ trở thành một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng Đông Nam Bộ được bổ trợ bởi hệ thống các cảng biển, sân bay, hệ thống đường giao thông… trên địa bàn.
Cần sớm tháo gỡ những “điểm nghẽn”
Vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Về xuất nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…
Bên cạnh đó, ngành logistics tại vùng Đông Nam Bộ được đánh giá có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển mang tầm quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Đông Nam Bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của đất nước. Trong đó, vùng có cụm cảng biển lớn nhất cả nước (cảng Tân Cảng Cát Lái, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải). Ngoài ra, vùng còn có 6 luồng hàng hải công cộng đang hoạt động khai thác…
Vùng Đông Nam Bộ có đa dạng các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không kết nối với cả nước cùng hệ thống kho bãi đa dạng. Đồng thời các khu công nghiệp phát triển cùng với hàng hóa của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động xuất nhập khẩu thông qua cụm cảng của vùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ có sự phát triển rõ nét, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng như: sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc; việc thúc đẩy các dự án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải)…
Tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ do Bộ Công thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7-2024, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho rằng, để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, vùng Đông Nam Bộ cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển logistics, vùng Đông Nam Bộ cũng cần phải giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề đang “kìm hãm” lĩnh vực này phát triển.
Cũng tại hội nghị nói trên, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi bày tỏ, hiện nay cơ sở hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bảo quản tại khu vực Đông Nam Bộ vẫn còn tồn tại những hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ, vận chuyển sản phẩm, đặc biệt là với ngành lương thực, thực phẩm. Tình trạng này làm giảm giá trị sản phẩm, làm phức tạp quá trình vận chuyển, lưu trữ. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, đầu tư cho lĩnh vực này.
Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Văn Danh chia sẻ, việc phát triển mạng lưới logistics đồng bộ rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Trong đó có cơ chế, chính sách vượt trội để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics, hình thành các doanh nghiệp logistics lớn, hoạt động chuyên nghiệp.
Đồng thời, đại diện Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, đặc biệt là hướng dẫn chi tiết về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện.
Để tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai Thái Thanh Phong đề xuất một số nội dung về phát triển khu công nghiệp theo mô hình cụm liên kết ngành công nghiệp xuất khẩu. Đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thực hiện liên kết mạng lưới doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, ưu tiên ở các quy mô cấp vùng, liên tỉnh, địa phương.
Tăng cường kết nối, đào tạo nhân lực
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế có nhiều lợi thế phát triển sản xuất và thương mại. Để phát huy hết tiềm năng và thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, vùng Đông Nam Bộ đang tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, xúc tiến thương mại, logistics…Trong đó, vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngày càng được quan tâm, chú trọng.
Ông Lê Văn Danh nêu ý kiến, để giúp các doanh nghiệp logistics ở trong nước và khu vực Đông Nam Bộ có thể nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế thì vấn đề cần quan tâm, nghiên cứu đó là đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Đồng Nai. Ảnh tư liệu: Phạm Tùng |
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa cho biết, VLA đang liên kết chặt chẽ với các hiệp hội ở các địa phương triển khai nhiều dự án, chương trình hỗ trợ. Việc này nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cho Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng.
Ngoài ra, VLA còn kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ VLA thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu và triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho ngành logistics, quản lý chuỗi cung ứng, hỗ trợ thúc đẩy các dự án logistics hàng không phục vụ cho nông sản…
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng, để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, xuất nhập khẩu, kết nối hạ tầng dịch vụ về logistics… cho vùng Đông Nam Bộ cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp, phát huy tối đa các nguồn lực...
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin