Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm tiêu chí về đạo đức khi tuyển dụng giáo viên mầm non

Phương Liễu
14:20, 04/05/2024

Gần đây trong nước xảy ra một số vụ giáo viên mầm non có hành động bạo lực, ngược đãi trẻ đến tử vong hoặc để lại những tổn thương lâu dài về cả thể chất lẫn tinh thần…

Làm giáo viên mầm non trước hết cần có đức tính yêu nghề, mến trẻ. Ảnh minh họa: Phương Liễu.
Làm giáo viên mầm non trước hết cần có đức tính yêu nghề, mến trẻ. Ảnh minh họa: Phương Liễu.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục - đào tạo cần đưa thêm những tiêu chí về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, yêu nghề, mến trẻ khi tuyển dụng giáo viên mầm non.

* Khi cô giáo để quên lòng nhân ái

Ngày 24-4-2024, cộng đồng mạng bức xúc khi xem clip một cô giáo ở lớp mầm non Tibo (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) có hành vi túm tóc giật ngã ngửa một trẻ khoảng 4 tuổi, sau đó ngồi đè người bé rồi liên tục nhét thức ăn vào miệng cháu bé trước sự chứng kiến của nhiều trẻ khác trong lớp.

Trước đó, tháng 3-2023, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ vụ việc 2 cô bảo mẫu của điểm trông trẻ chưa được cấp phép ở huyện Thường Tín (Thủ đô Hà Nội) có hành vi đánh đập dã man bé trai 17 tháng tuổi đến tử vong do chấn thương sọ não, chảy máu và phù não. Với hành vi mất nhân tính này, 2 bảo mẫu này đã phải trả giá với 1 án chung thân và 1 án tù 20 năm.

Tại Đồng Nai, tháng 5-2023, vụ cô B.H., giáo viên Trường mầm non T.N. (thành phố Biên Hòa) đã tát một trẻ tới 31 cái trong giờ ăn trưa...

Những clip giáo viên mầm non bạo hành trẻ được phát tán trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận và cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thấy cần phải có biện pháp mạnh để ngăn ngừa những sự việc tương tự.

Chị Nguyễn Ngọc Thy (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) bức xúc: “Xem những clip trẻ mầm non bị bạo hành tôi rất đau lòng. Cũng có con đi gửi trẻ nên thấy cảnh này tôi lo lắng cho con mình. Tôi cho rằng, những ai có ý định làm giáo viên mầm non, nếu tính tình nóng nảy, không yêu trẻ con, không đủ kiên nhẫn thì nên chọn nghề khác, kẻo gây họa cho người khác và chính mình”.

Bà Văn Thị Hòa, cựu giáo chức (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) bày tỏ thái độ không khoan nhượng với hành vi bạo hành trẻ: “Xem những clip giáo viên mầm non có hành động thô bạo, ngược đãi trẻ một cách tàn nhẫn mà bức xúc. Tôi nghĩ các trường mầm non cần phải đánh giá kỹ về đạo đức của giáo viên trước khi tuyển dụng”.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành

Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng NGUYỄN CÔNG BÌNH, Chánh văn phòng Hội Khoa học tâm lý - giáo dục tỉnh Đồng Nai cho biết, trẻ bị bạo hành sẽ để lại nhiều hệ lụy, bởi không chỉ làm tổn thương thể chất các em mà còn tác động sâu sắc và nặng về đến tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành, phụ huynh cần quan sát cơ thể khi tắm cho trẻ để phát hiện các tổn thương thân thể. Khi đưa đến lớp, thấy trẻ khóc to, bám chặt lấy cha hoặc mẹ không chịu sang tay cô giáo, đêm ngủ không yên giấc, trẻ hay giật mình và khóc… Đó là trẻ đang bị bạo hành, cần tìm hiểu sự việc để kịp thời phát hiện sự việc.

Một số ý kiến cho rằng, hiện một số trường mầm non tư thục hay nhóm lớp giữ trẻ gia đình tuyển bảo mẫu vào dạy trẻ mầm non. Do không phải là giáo viên, không qua đào tạo kỹ năng sư phạm mầm non nên khi gặp các tình huống trẻ quậy phá, quấy khóc, không chịu ăn, ngủ theo giờ giấc quy định…, họ không biết cách ứng xử mà chỉ hành động theo bản năng. Do đó, cần siết lại quy định, chỉ tuyển dụng giáo viên mầm non là người đã qua đào tạo nghiệp vụ, để hạn chế tình trạng trẻ bị bạo hành.

* Cần tiêu chí đặc thù

Bà Nguyễn Thị Hệ (ngụ phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa) từng có 37 năm dạy trẻ ở Trường mầm non Hướng Dương (thành phố Biên Hòa) cho biết, trẻ mầm non ở độ tuổi nhỏ rất hay “trở chứng” không chịu ăn, không chịu ngủ, quấy khóc hay nghịch ngợm gây ảnh hưởng đến những trẻ khác. Từ kinh nghiệm bản thân bà Hệ cho biết, theo ngành mầm non ít nhiều phải có những phẩm chất đặc thù phù hợp với nghề dạy trẻ như: tính tình ôn hòa, yêu nghề, mến trẻ, vui tính và kiên nhẫn. Nếu không có những đức tính này, người dạy trẻ sẽ dễ “nổi đóa”, bực mình, áp lực cộng thêm với tính nóng nảy sẽ dễ gây ra những hậu quả khó lường.

Đã từng xử lý những trường hợp bạo lực đường, trong đó có những vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ nhỏ, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết: “Sư phạm là ngành đòi hỏi cao về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Riêng đối với mầm non, người dạy cần phải có những phẩm chất cơ bản và đặc thù như yêu và tôn trọng trẻ, yêu nghề. Không chỉ thế, giáo viên mầm non còn phải kiên nhẫn với trẻ, biết lắng nghe và có thái độ giao tiếp dịu dàng với trẻ, có kỹ năng nhận biết các dấu hiệu về tâm trạng, sức khỏe của trẻ để có giao tiếp phù hợp; nhất là biết tự kiềm chế cảm xúc cá nhân, tránh những hành động quá tay với trẻ”.

Theo ông Võ Văn Minh, những kỹ năng này, trong quá trình đào tạo, giáo viên mầm non đều được học, được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử cần thiết liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ tại trường mầm non có thể xảy ra những tình huống không theo ý muốn của giáo viên; nếu giáo viên là người yêu trẻ, có tính tình điềm đạm, dịu dàng thì sẽ có cách để hóa giải mà không dùng hành vi bạo lực với trẻ. Đó là điều cơ bản cần có của một giáo viên ngành học mầm non.

Về việc có nên có thêm những tiêu chí “đặc thù” khi tuyển dụng giáo viên mầm non, ông Minh cho rằng, việc đó tùy thuộc vào quan niệm của mỗi trường mầm non khi tuyển dụng giáo viên. Song trên hết, bản thân người theo ngành mầm non phải tự đánh giá được mình có phù hợp với nghề dạy trẻ hay không. Hoặc ban giám hiệu các trường mầm non cần mạnh dạn không cho những giáo viên có tính khí nóng nảy, cộc cằn, từng có hành vi bạo hành trẻ được tiếp tục đứng lớp. Mỗi giáo viên cần ý thức được việc đánh học sinh không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, đáng lên án mà còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều
Tổng hợp tin đăng viec làm mới nhấtTin tức golden gate tuyển dụng Company registration in Vietnam