Mùa khô 2023-2024, thời tiết ở Đồng Nai cũng như khu vực phía Nam nắng nóng, khô hạn hơn mọi năm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu gây ra. Nền nhiệt độ cao, hạn hán đã gây ra hàng loạt những hệ lụy như: thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; cây trồng giảm năng suất, chất lượng; xâm nhập mặn, tiêu hao năng lượng cũng nhiều hơn…
Thực tế, từ hàng chục năm trước, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều thiên tai. Vì thế, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu là trồng, bảo vệ rừng; giảm phát thải khí nhà kính; sản xuất, tiêu dùng xanh; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường… Đồng Nai đi trước cả nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng khi có gần 30 năm đóng cửa rừng tự nhiên. Nhờ đó, Đồng Nai còn giữ được nhiều rừng nhất khu vực Đông Nam Bộ với hơn 181 ngàn hécta, trong đó đa số là rừng tự nhiên. Rừng ở Đồng Nai được ví như “lá phổi xanh” điều hòa không khí cho vùng Đông Nam Bộ. Vì thế, giá trị của rừng ở Đồng Nai đóng góp cho môi trường là rất lớn. Điều này đã được một số tổ chức trong nước và quốc tế công nhận.
Giữ và phát triển được diện tích rừng lớn như trên trong nhiều thập niên là do có sự đồng lòng giữa chính quyền tỉnh, địa phương và các đơn vị, cá nhân chủ rừng. Bên cạnh việc chăm sóc, bảo vệ rừng thì các chủ rừng còn có phương án trồng thêm rừng trên những khu vực rừng nghèo, đất lâm nghiệp chưa có rừng để tăng tỷ lệ che phủ của rừng.
Lâu nay, chi phí cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đa số là từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, đã đến lúc nên khai thác các tiềm năng, lợi thế từ rừng để tái đầu tư cho rừng và trả công cho các chủ rừng đã trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để giữ rừng và khai thác kinh tế từ rừng hiệu quả thì cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng, đồng nhất giữa các luật, nghị định, thông tư. Trong đó, tạo điều kiện, khuyến khích cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác những tiềm năng, lợi thế của rừng.
Tại Đồng Nai, nếu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách được tháo gỡ, tỉnh sẽ thu hút được cả tỷ USD đầu tư vào thuê, khai thác phát triển du lịch sinh thái rừng. Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển các mô hình trồng cây dược liệu, công nghiệp, nuôi thủy sản (với rừng ngập mặn) dưới tán rừng. Tới đây, khi Việt Nam thành lập được thị trường tín chỉ carbon thì Đồng Nai có thể bán tín chỉ carbon. Theo đó, tổng doanh thu từ rừng của Đồng Nai trong những năm tới có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng nếu khai thác tốt.
Hương Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin