“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”
Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã thuộc lòng, theo chân chúng tôi suốt hành trình về các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Điện Biên, nơi diễn ra trận đánh quyết định giữa các đại đoàn quân chủ lực của bộ đội ta với quân viễn chinh Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ 70 năm trước.
Du khách tham quan bảo tàng, nghe thuyết minh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Y.Văn |
Những cái tên địa danh đã đi vào lịch sử như: đèo Pha Đin, đồi A1, hầm tướng De Castries, cánh đồng Mường Thanh… đang giúp du khách như được sống lại ký ức hào hùng của dân tộc.
Mọi ngả đường đều đổ về Điện Biên
Quốc lộ 6 là con đường huyết mạch qua các tỉnh Tây Bắc nối Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu với Điện Biên những ngày này đông đúc xe xuôi ngược, mà nhiều nhất vẫn là dòng xe chở khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước hướng về Sơn La, Điện Biên. Đoàn chúng tôi gồm 4 người thì 2 người từ trong Nam ra, 2 người ở Phú Thọ và hàng chục năm nay họ đi qua đi lại làm ăn ở các tỉnh Tây Bắc nhưng chưa một lần ghé thăm nhà tù Sơn La hay đồi A1.
Tại di tích nhà tù Sơn La, khách đông nườm nượp. Các cô hướng dẫn di tích xinh xắn trong trang phục dân tộc Thái phải toát mồ hôi hột để hướng dẫn từng đoàn khách. Hết đoàn này đến đoàn khác. Không gian nhà tù Sơn La chật hẹp nay bỗng chật hẹp hơn bởi dòng khách tham quan. Do học lịch sử có nhắc đến cây đào Tô Hiệu nên hầu hết du khách đều tìm đến chụp ảnh dưới cây đào Tô Hiệu làm kỷ niệm cho chuyến đi.
Nhiều cựu chiến binh tìm đến Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của tướng Pháp De Castries và chụp ảnh phất cờ chiến thắng trên nóc hầm. |
Địa hình Tây Bắc chủ yếu là núi rừng cao chênh vênh, đường đèo hiểm trở, quanh co nên càng về hướng Điện Biên thì nhà cửa càng thưa dần và dốc càng cao. Dân cư sống tập trung chủ yếu hai bên đường, dưới chân núi và nhiều xóm nhà của đồng bào Thái vẫn giữ được kiến trúc nhà sàn gỗ quen thuộc.
Dọc các con đường đèo dốc, dễ dàng bắt gặp những cây hoa ban cao vút vẫn còn hoa trắng muốt như tô điểm cho những cung đường núi cao. Anh Yên, sinh ra ở Yên Bái, sinh sống ở Phú Thọ, đi cùng đoàn nói: “Hoa ban nở rộ từ tháng 1 đến tháng 3 nên giờ không còn nhiều hoa” nhưng với du khách phương Nam như chúng tôi thì thế cũng là tạm đủ để có hình dung về hoa ban Tây Bắc.
Hết quốc lộ 6, xe vào quốc lộ 279 để đi Điện Biên và càng gặp nhiều xe loại 24-45 chỗ ngồi chở khách về nguồn ở Điện Biên. Hầu hết các xe đều có băng rôn đỏ dán trước xe nên rất dễ nhận ra. Đỉnh đèo Pha Đin nằm giữa Sơn La và Điện Biên là nơi có khung cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ, hiểm trở, dài 32km, được nhiều du khách chọn làm điểm dừng chân để nghỉ ngơi, chụp ảnh. Một tấm bia di tích màu đỏ tươi được dựng ven đường là nơi nhiều du khách dừng lại chụp ảnh trước khi đặt chân lên thành phố Điện Biên hoặc sau khi rời thành phố này…
Hào hùng Điện Biên Phủ
Khách sạn chúng tôi ở là An Lộc trên đường Nguyễn Chí Thanh, nằm ngay trung tâm thành phố Điện Biên. Con đường mới được đầu tư mở rộng từ 7m lên 15m nên cũng có tên gọi là đường 15m, đang thi công lát đá vỉa hè hai bên với ngổn ngang gạch, đá. Con đường tập trung nhiều quán ăn, cửa hàng dịch vụ và có thể coi là điển hình của một thành phố Điện Biên hôm nay.
Du khách tham quan di tích Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ. |
Từ khách sạn đi bộ khoảng 400m là đến tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ và chỉ khoảng 500-600m là đến Bảo tàng chiến dịch Điện Biên Phủ, Đồi A1, hầm tướng De Castries hay Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Trong đó, bảo tàng và đồi A1 thu hút đông khách tham quan nhất.
Trên không gian rộng lớn của đồi A1, bất chấp thời tiết nắng nóng, khách đông như trẩy hội và đa số là các cựu chiến binh từ các tỉnh, thành tổ chức về nguồn. Nhiều cô chú tuổi đã cao nhưng tinh thần hăng hái. Có đoàn còn thực hiện nghi thức chào các chiến sĩ Điện Biên. Ở di tích đồi A1 còn giữ được nhiều cây rừng cao vút, xanh um, bên cạnh là những giao thông hào được phục chế tạo cảm xúc chân thực hơn cho khách viếng thăm. Với vị trí án ngữ chỉ huy sở của tập đoàn cứ điểm cách đó vài trăm mét nên chính nơi đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt, giành giật từng tấc đất giữa bộ đội ta và quân Pháp 70 năm trước.
Bảo tàng chiến dịch Điện Biên Phủ là công trình có kiến trúc nửa chìm nửa nổi, tọa lạc giữa trung tâm thành phố Điện Biên và đối diện nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh, tài liệu sống động về diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ giúp du khách hiểu thêm về tầm vóc của chiến thắng, về sự lãnh đạo tài tình của trung ương Đảng, Bác Hồ, sự quả cảm xả thân của bộ đội ta và sức người của thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Trong số đó có tư liệu, hình ảnh về lực lương dân công hỏa tuyến chuyển gạo, tải đạn pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ.
Du khách chụp ảnh bên bia di tích đèo Pha Đin. |
Ký ức hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn trong trí nhớ của ông Trịnh Ngọc Minh, năm nay 91 tuổi, ở Khu 7, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Ông quê ở tỉnh Thanh Hóa; đầu năm 1954, tham gia Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương do ông Vũ Kỳ làm Trưởng đoàn, thuộc Đại đội 411, Đội 46. Ông Trịnh Ngọc Minh kể: “Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ canh gác ở ngã ba Cò Nòi - một trọng điểm đánh phá ác liệt của quân Pháp nhằm chặn đứng đường hành quân của bộ đội ta và đường tiếp tế của dân công hỏa tuyến. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo giao thông, phá bom nổ chậm, bom bươm bướm... Có lúc anh em đang đào lên thì bom phát nổ, thương vong; nhiều hoặc bom bươm bướm vướng trên cây chạm vào là nổ gây thương vong nhưng sau đó, đơn vị rút kinh nghiệm giảm được thương vong. Đơn vị tôi cứ ngày rút vào rừng, 5 giờ chiều ra làm xuyên đêm, dùng búa chặt cây rừng lấp tạm hố bom cho xe qua ngay sau đó… Chỉ tính riêng tại khu vực ngã 3 Cò Nòi này, đã có 400 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh”.
Y Văn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin