Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm về trái tim Khu Dự trữ sinh quyển thế giới

Mai Sơn
12:31, 19/11/2023

Trại sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) chủ đề “Bài ca thống nhất non sông” vừa được tổ chức tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai). Với sự tham dự của văn nghệ sĩ các Hội VHNT Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, đây là một trải nghiệm lớn mang ý nghĩa về với nguồn cội, với lịch sử, thiên nhiên đầy ắp nghĩa tình miền Đông Nam bộ.

Các trại viên đi thăm di tích ngục Tà Lài. Ảnh: TH
Các trại viên đi thăm di tích ngục Tà Lài. Ảnh: TH

* Giá trị tinh thần và sức sống mới

Trại sáng tác “Bài ca thống nhất non sông” do Ủy ban Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức, mang một ý nghĩa lớn, hướng đến 50 năm hòa bình, thống nhất đất nước và cũng có nhiều đổi mới trong hình thức tổ chức trại. NSND, đạo diễn Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai - Phó ban tổ chức trại cho biết: Chọn Đồng Nai tổ chức trại vì đây cũng là dịp kỷ niệm 325 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển; chủ đề, thời điểm của trại gắn kết và rất có ý nghĩa với địa phương. Ngoài các tác giả Đồng Nai, các văn nghệ sĩ tỉnh bạn tham gia trại sáng tác cũng hết sức tâm đắc với chủ đề sáng tác của trại.

Và H.Tân Phú, Vườn quốc gia Cát Tiên đã chào đón đoàn văn nghệ sĩ một cách nhiệt thành, giúp gợi mở bao điều mới mẻ. Mọi người đều cảm nhận có một sức sống mới, mãnh liệt, đầy hứng khởi của Tân Phú từ những giá trị văn hóa cổ xưa, và từ tình yêu của người dân dành cho vùng đất này. Không còn là “vùng sâu, vùng xa”, một huyện nghèo của tỉnh Đồng Nai, Tân Phú đã có nhiều nỗ lực trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong bảo vệ rừng quốc gia và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Nhờ gánh vác những nhiệm vụ lớn mà Tân Phú có một quá trình tự hoàn thiện và nâng mình lên, vừa mang được văn hóa bản địa ra thế giới, vừa mang được những tiến bộ và cả những dự án quốc tế về cho địa phương. Cứ nghe Ka Ngà, cô sinh viên Pháp văn Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tự tin giới thiệu về quê hương mình, hay tiếp xúc với những người kiểm lâm hướng dẫn các đoàn du lịch, các nhà nghiên cứu nước ngoài tại vườn quốc gia… sẽ thấy được dòng chảy của văn hóa và tinh thần hội nhập của một huyện trung du miền núi hôm nay.

Xuyên suốt chuyến thực tế sáng tác, Anh Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện đã cùng các cán bộ của huyện đã đưa đoàn đến nhiều nơi: Di tích Ngục Tà Lài (còn gọi là Căng Tà Lài), nơi đã giam cầm và nuôi lớn ý chí cách mạng của những người đảng viên nổi tiếng của Nam bộ như: Dương Quang Đông, Trần Văn Giàu, Tô Ký…

Theo đó, có biết bao cảm xúc khi nhiều văn nghệ sĩ Đồng Nai trở lại ấp 4 xã Tà Lài, gặp lại đồng bào Châu Mạ và cảnh sắc thân quen. Song có nhiều nghệ sĩ chưa từng đặt chân đến đây, như nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh (Tây Ninh) thì vô cùng ấn tượng với bộ cồng chiêng và sắc màu thổ cẩm của người Mạ, hay nữ họa sĩ Trương Thị Tho (Bình Phước) luôn tranh thủ phác thảo những tác phẩm mới trước những hình ảnh, nhân vật mình vừa gặp… Đoàn còn đi thăm cơ sở trồng cây dó bầu tạo trầm, tham quan đập Vàm Hô, Khu du lịch Suối Mơ thơ mộng… và ngắm nhìn những con đường tuyệt đẹp mang trên đó sự đổi mới, phát triển của Tân Phú.

Ông NGUYỄN VĂN MINH, Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên nói rằng: “Dù khổ thế nào chúng tôi cũng luôn ghi nhớ những câu thơ của kỹ sư Bùi Bá: “Hồn Tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm, rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong…”!

* Làm người bạn của thiên nhiên

Bên cạnh chuyến “về nguồn” với lòng tự hào và tri ân, trại sáng tác còn là một cuộc trở về với thiên nhiên đúng với tinh thần hòa hợp và yêu thương. Theo quy ước chung, mọi người bỏ lại những vật phẩm tái chế như bao
ny-lông, chai nước suối… trước khi qua sông. Những văn nghệ sĩ còn bỏ lại tất cả lo toan đời thường để sẵn sàng hòa nhập với không khí sáng tác mới. Sự đồng hành của lãnh đạo và nhân viên kiểm lâm của Vườn quốc gia Cát Tiên đã đánh thức trái tim và tâm hồn văn nghệ sĩ.

Cuộc sống ở vườn quốc gia mở ra với bao điều kỳ thú, bao hàm sức sống, cái đẹp của tự nhiên cũng như tình yêu và tinh thần trách nhiệm của con người. Các thành viên của trại sáng tác đã có những chuyến “đi rừng” đúng nghĩa: đi thăm thác Bến Cự, thăm cây tung 400 năm tuổi, cây gõ đỏ 700 năm tuổi, đi xem thú đêm, giao lưu với lực lượng kiểm lâm… Và đặc biệt là Bàu Sấu - nơi được xem là “trái tim” của Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là nơi duy nhất trên thế giới tổ chức cho người xem thú ban đêm, với sự xuất hiện của hươu nai, bò tót rất gần với đường đi qua lại. Và cũng vô cùng hiếm hoi so với mọi vườn quốc gia khác, khi anh em kiểm lâm trực tiếp làm hướng dẫn viên với phong thái vững vàng, duyên dáng, đáng yêu như ở đây. Trước cái đẹp nguyên sơ, toàn bích đó, mọi người tự nhiên nói khẽ hơn, đi nhẹ hơn, hơi thở trong trẻo hơn, tinh thần thuần khiết hơn…

Về thăm xã Tà Lài, văn nghệ sĩ các tỉnh Đông Nam bộ đã hòa với nhịp cồng chiêng và điệu múa dân tộc của người S’tiêng, lên thăm Nhà dài và say với hương rượu cần, với sắc hoa bằng lăng, những cánh đồng, những khu vườn mát xanh vô tận.

Song cùng với sự chiêm ngưỡng và hòa mình với thiên nhiên đến độ viên mãn, vẫn còn đó những trăn trở, ưu tư khi chúng tôi tìm hiểu và chia sẻ nhiệm vụ với lực lượng kiểm lâm. Vườn quốc gia trải dài trên 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước với diện tích gần 72 ngàn ha, được bao quanh bởi hơn 80km sông Đồng Nai. Tuy nhiên đội ngũ kiểm lâm chỉ có 140 người với 21 trạm (trong đó có 1 trạm cơ động). Vừa làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, họ vừa là những người cứu hộ đặc biệt, vừa chăm sóc động vật, lại kiêm thêm nhiệm vụ tuyên truyền, kêu gọi người dân trong vùng tham gia bảo vệ rừng… Để thích nghi với môi trường và làm tốt nhiệm vụ, người kiểm lâm bắt buộc phải có nhiều kiến thức và kỹ năng, thêm đó phải có sự hiểu biết về các nguồn gen sinh học quý hiếm cần phải bảo tồn; phải chấp nhận cuộc sống dài ngày trong rừng xa người thân, và có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào…

* Nguồn cảm hứng sáng tạo mới

Tình yêu dành cho rừng Đồng Nai, cho Vườn quốc gia Cát Tiên đã được lan tỏa một cách mạnh mẽ từ những người kiểm lâm đến những tác giả của trại sáng tác. Họ mang trái tim, linh hồn của vườn quốc gia sưởi ấm khắp nơi, nhìn vào bản đồ do phần mềm quản lý của vườn quốc gia, thì bước chân của người kiểm lâm đã đặt đến khắp nơi. Sự hiện diện của họ đồng nghĩa với cuộc sống êm ả của vùng lõi và các vùng lân cận, với màu xanh và sự trong lành, yên tĩnh. Nhiều chùm thơ của các cây bút Đàm Chu Văn, Nguyễn Hoài Nhơn, Dương Đức Khánh, Trần Thị Bảo Thư, Trần Thu Hằng, Mai Tuyết; nhiều ca khúc của các nhạc sĩ Khánh Hòa, Hoàng Lương, Đoàn Quang Trung, Trần Tâm, Nguyễn Bòn, Hữu Trịnh; các tác phẩm ảnh nghệ thuật của Lê Hữu Thiết, Vũ Tiến Chương, Trần Sơn… đã ra đời ngay trong thời gian dự trại, cùng nhiều tác phẩm văn xuôi, kịch, mỹ thuật… Ban giám đốc của Vườn quốc gia Cát Tiên, cũng như cán bộ và nhân dân H.Tân Phú coi đây là món quà thiết thực và đáng quý của trại sáng tác gửi lại cho địa phương.

Cùng với việc tìm hiểu về đời sống, con người của huyện, các tác giả dự trại đã chạm ngõ khu dự trữ sinh quyển, di tích quốc gia đặc biệt Nam Cát Tiên để có thêm nguồn sáng tạo mới và nhiều người bạn mới.  Chúng tôi cũng không thể quên sự kiệm lời của anh Phạm Xuân Thịnh - Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên. Không nói nhiều về bản thân và công việc, anh đọc bài thơ anh mới viết:

“Về Cát Tiên đồng xanh núi biếc

Nhớ chuyện xưa Thánh địa vẫn còn

Ông cha ta về đây dựng nghiệp

Tạo duyên lành tình nghĩa sắc son

…Về Cát Tiên gọi “Mình ơi!” nhé

Đi giữa rừng xanh giữa áng mây

Tình đất, tình cây như tình mẹ

Thương mến trao nhau mãi
đong đầy!”.

                                                                                                                        (Về Cát Tiên, trích)

Những dấu ấn sâu đậm của vùng đất sẽ hứa hẹn thêm nhiều tác phẩm để Cát Tiên, Tân Phú tiếp tục đi xa hơn trên mọi bình diện, và ở lại trong lòng người thật lắng đọng, nồng ấm.      

Mai Sơn

Tin xem nhiều