Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, những người nhiễm HIV vẫn có thể sống khỏe với nguồn thuốc dự phòng; tình trạng kỳ thị với người nhiễm HIV cũng không còn như trước… đã tạo động lực để những người nhiễm HIV tiếp tục sống, làm việc và đóng góp cho xã hội.
Người nhiễm HIV chờ nhận thuốc điều trị ARV tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh |
* Đi qua dông bão…
Trong khi chờ đến lượt khám, tư vấn và nhận thuốc kháng virus ARV ở Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), chị V.A. (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã đồng ý trò chuyện với chúng tôi về “đời” nhiễm HIV của mình cũng như hành trình tìm lại niềm tin vào cuộc sống.
Chị đẹp và khá trẻ so với độ tuổi qua 40, công việc ổn định, chồng làm kỹ sư xây dựng và 2 người con đang học đại học. Gia đình nhỏ của chị V.A. đã sống những ngày tháng bình yên cho tới một ngày “cơn lốc” HIV quét qua…
Đôi mắt chị ngấn nước khi nhớ lại những ngày giông bão của 5 năm trước. Một dạo chị thấy người mệt mỏi, sút cân, tiêu chảy… nên đi khám bệnh và được chỉ định xét nghiệm máu. Nhận kết quả dương tính với HIV, chị đã ngất ngay trong phòng tư vấn. Chị sốc vì không biết mình nhiễm HIV từ đâu. Qua đề nghị của bác sĩ, chồng chị đã xét nghiệm và kết quả cũng là dương tính.
Rời Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, hai vợ chồng đến một quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu để nói chuyện. Thoạt đầu cả hai đổ lỗi cho nhau, nhưng cuối cùng lời thú tội của anh khiến chị chết lịm. Thì ra trong những ngày tháng rong ruổi theo công trình xây dựng, chồng chị đã quan hệ với gái mại dâm, anh không biết mình bị nhiễm HIV nên đã lây cho vợ. “Mọi thứ như sụp đổ trước mắt, giông bão kéo đến, tôi muốn cấu xé anh ấy ra hàng trăm mảnh vì tại sao lại mang “tử thần” đến cho tôi, nhưng tôi lại cứ ngồi lặng câm như thế đến tận tối. Từ sau hôm đó, tôi giận và không giao tiếp với chồng suốt một năm trời” - chị V.A. kể lại.
Thống kê từ Sở Y tế, Đồng Nai hiện có khoảng 6,6 ngàn người nhiễm HIV/AIDS, trong đó hơn 6,3 ngàn người được quản lý. Trong 10 tháng năm 2023, qua xét nghiệm, các cơ sở y tế đã phát hiện 514 trường hợp nhiễm HIV mới, trong đó có 228 trường hợp là người trong tỉnh. Trong số này, 50% số người nhiễm HIV từ hoạt động quan hệ tình dục đồng giới. |
Sau biến cố ấy, chồng của chị V.A. chuyển từ Đồng Nai lên TP.Thủ Đức làm việc và gia đình cũng chuyển lên đó sống. Qua thời gian, cơn giận lắng dịu, niềm tin vào cuộc sống dần được khôi phục, chị và chồng đã làm hòa, cùng nhau tiếp tục làm việc, chăm sóc con và động viên nhau sống tốt. Nhờ tuân thủ điều trị, uống thuốc đều đặn, chăm chỉ tập luyện, tinh thần lạc quan… sức khỏe và hạnh phúc đã trở lại trong gia đình bé nhỏ của chị.
Cũng đến nhận thuốc điều trị tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS trong một ngày cuối tháng 11-2023, không ngụy trang kín người như những bệnh nhân HIV khác, ông T.K. (52 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) không sợ hãi hay giấu giếm mình là người có HIV. Khi thấy tôi đến gần, ông nở vụ cười thân thiện và không ngại nhận lời trò chuyện, chỉ nhắc tôi là không đưa ảnh và nên viết tắt tên ông.
Nếu không nói ra, chẳng ai nghĩ ông K. là người nhiễm HIV, bởi bề ngoài của ông rất phong độ, tác phong nhanh nhẹn và tinh thần có vẻ lạc quan. Trò chuyện với chúng tôi, ông K. cho biết ông đã nhiễm HIV gần 20 năm trước. Ông K. chia sẻ: “Năm 2004, tôi phát hiện mình nhiễm HIV từ bạn tình. Khi nhận kết quả dương tính, trong tôi đủ mọi cảm giác: uất hận, u ám, căm phẫn và có tâm lý buông xuôi số phận. Hồi ấy tôi trẻ, đẹp trai, có một công việc tốt mà lại nhiễm HIV, tôi thấy đời mình bế tắc. Gặp ai, tôi cũng cảm giác họ như đang xăm soi, né tránh, sợ tôi lây bệnh cho họ. Cuộc đời tôi mất phương hướng và chỉ nghĩ đến những điều tiêu cực” - ông K. nói.
Nhưng một lần thăm người bạn cùng lớp bị ung thư gan giai đoạn cuối, nhìn bạn trong thân thể chỉ còn da bọc xương và rất đau đớn, ông K. mới ngộ ra rằng, để mình bị nhiễm HIV là không hay rồi, nhưng người bệnh ung thư còn tuyệt vọng hơn khi phải điều trị quá tốn kém và đau đớn, trong khi HIV vẫn đang có thuốc điều trị, chỉ cần mình chăm sóc tốt bản thân, tinh thần lạc quan là có thể sống bình thường.
“Từ nhà người bạn về, sau một đêm suy nghĩ, hôm sau tôi đã thành một người khác, lại háo hức làm việc, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè và làm từ thiện. Tôi đã vượt qua được chính mình, vượt qua giông bão trong lòng để lấy lại miền tin vào cuộc sống” - ông K. tâm sự.
* Chung tay đẩy lùi bệnh HIV/AIDS
Đồng Nai là tỉnh đông dân, địa bàn phức tạp nên hoạt động phòng chống HIV/AIDS cũng gặp không ít khó khăn. Song, theo BS CKI Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn nhận được quan tâm của các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống y tế công lập và tư nhân; những hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự tham gia của các nhóm đồng đẳng tình nguyện... nhờ đó mà công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Để có thể đạt mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 thì tất cả các trường hợp nhiễm HIV mới đều được tham gia điều trị bằng thuốc ARV ngay khi phát hiện. Hiện Đồng Nai có hơn 5,2 ngàn người nhiễm HIV được điều trị thường xuyên bằng thuốc ARV. Qua đó đã giúp nhiều bệnh nhân ổn định sức khỏe, tâm lý để hòa nhập với cuộc sống đời thường. Nhiều người nhiễm HIV đã không còn lây cho vợ, chồng hoặc bạn tình, nhiều trẻ em được sinh ra từ cha mẹ nhiễm HIV nhưng không bị nhiễm.
Một người nghi nhiễm được tư vấn, xét nghiệm và kết nối điều trị HIV |
Mới đây, Đồng Nai đã triển khai 12 phòng khám cung cấp thuốc PrEP trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, trong đó có sự tham gia của 8 phòng khám y tế công lập và 4 phòng khám y tế tư nhân và đã có khoảng 3 ngàn người có hành vi nguy cơ cao sử dụng dịch vụ dự phòng HIV bằng thuốc PrEP tại các cơ sở y tế công - tư này.
Cũng theo BS Nguyễn Xuân Quang, trong số nhiễm mới, đối tượng đồng tính là chủ yếu, nên nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tập trung truyền thông hướng đến cộng đồng LGBT và quan hệ đồng tính nam (MSM). Thông qua các chương trình truyền thông, chính các thành viên của các nhóm đồng đẳng trong cộng đồng LGBT và MSM đã chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm và nhu cầu tiếp cận các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới. Trong đó, có các biện pháp để dự phòng và điều trị HIV/AIDS; các bệnh lây truyền qua đường tình dục và sinh hoạt tình dục an toàn…
Trong phương thức tiếp cận với cộng đồng LGBT và các MSM, thì dùng các doanh nghiệp xã hội hoặc nhóm đồng đẳng để thâm nhập sâu vào cộng đồng này là phương thức tiếp cận hết sức hiệu quả. Một trong những nhóm đồng đẳng truyền thông phòng chống HIV/AIDS thành lập sớm, hoạt động hiệu quả ở Đồng Nai đó là nhóm Xuân Hợp, nay hoạt động như một doanh nghiệp xã hội.
Anh Mai Như Sơn, Trưởng nhóm Xuân Hợp cho biết, qua 15 năm hoạt động đồng đẳng, dần dần nhóm quy tụ được nhiều thành viên hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn, nhiều cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao như: gái mại dâm, người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)… thực hiện các biện pháp phòng tránh HIV cho bản thân, cộng đồng; đồng thời giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị ARV khi nhiễm.
Trong các loại bệnh tật, HIV/AIDS vẫn được xem là bệnh nguy hiểm, cần khống chế nguồn lây trong cộng đồng. Do đó, chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến 10-12) năm 2023 là Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 với mong muốn cả cộng đồng vào cuộc, chung tay đẩy lùi HIV/AIDS. Với những nỗ lực trên, Đồng Nai hy vọng sẽ đạt được mục tiêu này.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin