Nhà văn - nhà báo Thu Trân |
Là người Biên Hòa, nhà văn - nhà báo Thu Trân đã “bôn ba” khá nhiều với 35 đầu sách trong sự nghiệp văn chương của chị. Từng là phóng viên Báo Đồng Nai thời gian dài, sáng tác của chị luôn ưu ái cho vùng đất mình được sinh ra, lớn lên và gắn bó.
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Báo Đồng Nai cuối tuần có cuộc trò chuyện xoay quanh sự nghiệp sáng tác và tình cảm của chị dành cho từng trang viết cũng như người và đất Đồng Nai.
* Đại dịch Covid-19 đã qua gần 2 năm, nhưng đến nay trên thực tế, chưa có cuốn tiểu thuyết nào “thời sự” như Thế giới phẳng mùa Covid của chị (NXB Đà Nẵng, quý IV-2021, gần 400 trang). Ý muốn nói là chị viết khá nhanh một chuyện thời sự như Covid-19. Gần 1 năm ở Đức cùng gia đình con gái và đi qua một số nước châu Âu, chị có dự định hoặc đang viết một tác phẩm dài hơi không?
- Trong cuộc đời tôi, tôi làm cái gì cũng chậm hơn mọi người, nhưng được cái ông trời cho viết nhanh. Tôi viết rất nhanh mọi thứ, kể cả văn và báo, nhất là những vấn đề mang tính thời sự. Nhớ hồi đó, thời còn làm phóng viên Báo Đồng Nai, cái gì nóng nóng gay gay và mang tính thời sự là anh Mai Sông Bé (Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai lúc bấy giờ) giao tôi làm. Có những vấn đề cả hai anh em cùng làm rất vui. Nói vậy để thấy rằng, đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới và rất dữ dằn ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… thì tôi làm gì “thoát”. Những tháng ngày giãn cách triền miên ấy (cao điểm từ tháng 6 đến tháng 10-2021), tôi đã đi thực tế, lắng nghe và ghi nhận tình hình dịch. Rung lên với nỗi đau xót về Covid-19, là nhà báo - nhà văn, tôi không thể im lặng, thế là tiểu thuyết Thế giới phẳng mùa Covid ra đời cuối năm 2021. Rất mừng là tiểu thuyết được đông đảo bạn đọc đón nhận như đón nhận một tư liệu sống động về đại dịch Covid-19.
Do yêu cầu đời sống và công việc, tôi phải ở Đức một thời gian dài, tuy nhiên tôi vẫn sắp xếp thời gian để viết. Tôi đang viết tiểu thuyết Chuông nguyện hồn kit test. Tiểu thuyết này viết về hai đại án xuất hiện trong đại dịch Covid-19. Đó là nạn tham nhũng, ăn hối lộ, đưa hối lộ của nhiều cán bộ cấp cao biến chất. Dù mọi thứ xoay quanh hai đại án đã khá rõ ràng, nhưng tôi vẫn viết lại với hình thức tiểu thuyết để cho người dân có thể góp tiếng nói một cách trung thực về hai đại án này. Đó là nguyện vọng của họ. Là nhà văn - nhà báo, nếu tôi không ghi lại những nguyện vọng này trong những thời khắc nóng bỏng của đại dịch Covid-19, quả là một thiếu sót nghề nghiệp. Và tham vọng của tôi khi viết Chuông nguyện hồn kit test cũng như viết Thế giới phẳng mùa Covid, tôi muốn tiểu thuyết là tư liệu của đại dịch để lại cho các thế hệ sau; để từ đó mọi người có một cảm nhận rạch ròi về biến cố để sống tốt hơn, đàng hoàng hơn, nhân cách hơn.
* Một gia đình có con gái ở Đức và con rể là người Đức, chắc chắn chị có điều kiện tiếp xúc tốt hơn với người Đức và cộng đồng người Việt bên Đức, chị có vui buồn gì khi tiếp xúc với họ? Từ những vui buồn này, chị nuôi cảm xúc gì để viết?
- Chẳng có gì để phân biệt vui buồn cả. Đời sống mọi người bên Đức luôn chỉn chu và rõ ràng như tính cách của người Đức. Có điều dễ nhận thấy trong đời sống riêng tư của mọi người ở Đức cũng như ở châu Âu là sự cô đơn cá nhân. Nhiều cụ ông, cụ bà lang thang ăn kem một mình với chú chó hoặc chú mèo trong tay. Nhiều cụ ông, cụ bà tình nguyện làm người giới thiệu “không công” nơi các công trình văn hóa hoặc các bảo tàng. Đời sống họ cao và văn minh với các phúc lợi xã hội không chê vào đâu được. Điều tôi có thể “nuôi nấng” cảm xúc để viết về cái nơi mà tôi đang được sống, có lẽ là sự cô đơn cùng cực của tuổi già. Người phương Tây không có thói quen sống nhiều thế hệ trong cùng một gia đình, thế hệ nào, cứ đến 18 tuổi là “ra ràng” dù muốn dù không, vì đã trở thành tập quán. Cho nên tuổi già cô đơn là điều không tránh khỏi. Hòa vào cuộc sống hiện đại chung của thế giới, tôi thấy đời sống người Việt Nam mình cũng đang dần như vậy.
Nhà văn Thu Trân (giữa) cũng các đồng nghiệp trong buổi ra mắt sách Miền Nam xưa ngái |
* Không phải “đi chơi” mà kết hợp chuyện gia đình, chị có tính trở lại Đức sau thời gian ở đây?
- Thế giới bây giờ phẳng, bạn muốn đi đâu cũng được, miễn có tiền. Chuyến đi Tây dài ngày của tôi lần này mở ra nhiều điều rất hay. Ít ra là những tư liệu và cảm nhận về cuộc sống toàn cầu sâu sát hơn, mà giới viết lách gọi là vốn sống. Thêm nữa, có lẽ tôi sẽ trở lại Đức nhiều lần vì gia đình con gái tôi ở đây.
* Nhân 20-10, Ngày Phụ nữ Việt Nam, “ăn theo” một chút, cảm nhận của chị về cuộc sống người phụ nữ Đức bình thường ra sao?
- Họ cũng đảm đang, giỏi giang và chịu khó như phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, bà nào cô nào cũng biết nấu ăn và nấu ăn rất ngon. Giá trị gia đình luôn là nền tảng sâu sắc trong đời sống người phụ nữ Đức. Họ sống chung thủy với chồng và luôn biết tôn vinh giá trị của ông bà, cha mẹ và các con. Phụ nữ Đức luôn rạng ngời trong cuộc sống gia đình như thế vì họ có những ông chồng luôn biết sẻ chia việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Ông chồng Đức đi làm về không “tranh thủ” đi nhậu, đi đánh golf hay ngồi đọc báo chờ cơm vợ nấu như nhiều ông chồng Việt Nam. Mà họ “lăn” vào bếp cùng vợ hoặc đưa các con đi chơi. Không tin bạn thử quan sát phim ảnh về gia đình người Đức ở các nơi công cộng, ông chồng luôn là người “mang vác” con cái và một trăm thứ bà dằn trên người, còn bà vợ đi thong dong một mình với quần áo đẹp và thần sắc tươi tắn. Bởi người ta đã thống kê rằng, đàn ông Đức là người “cưng” vợ nhất thế giới. Vì thế ngược lại, các bà các cô phải chung thủy với chồng là phải rồi!
* Là người Biên Hòa và từng làm phóng viên Báo Đồng Nai trong một thời gian dài, hẳn tình cảm xứ sở trong chị luôn sâu đậm. Trong kế hoạch sáng tác sắp tới, chị có viết riêng tác phẩm nào cho Đồng Nai?
- Tôi nghĩ viết về vùng đất nào ở Việt Nam cũng là viết cho xứ Đồng Nai yêu dấu của tôi. Hẳn muốn biết tôi “sâu đậm” với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai khoai củ như thế nào thì mời bạn đọc tập truyện ký Miền Nam xưa ngái (có bán ở các nhà sách thuộc hệ thống phát hành sách Phương Nam). Hơn 50% nội dung Miền Nam xưa ngái là tôi viết về Đồng Nai khoai củ. Nhà văn được sinh ra và lớn lên ở xứ nào thì viết ra xứ đó. Bạn nhắm mắt lại, đừng nhìn tên đất tên làng, chỉ nghe các tập tục và tình cảm của tác giả trong “Miền Nam xưa ngái” thôi, bạn sẽ nghĩ chắc chắn tôi là người Biên Hòa - Đồng Nai.
* Cảm ơn nhà văn - nhà báo Thu Trân về cuộc chuyện trò thú vị!
Tây Sơn Hạ (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin