Nhắc đến địa danh cù lao Phố, người Đồng Nai không thể không nhớ đến danh tướng Trần Thượng Xuyên, người đã có công khai khẩn vùng đất Biên Hòa, xây dựng cù lao Phố trở thành thương cảng bậc nhất, cũng như góp phần mở mang, giữ yên bờ cõi Tây Nam nước ta.
Tượng danh tướng Trần Thượng Xuyên |
Trần Thượng Xuyên quê ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), vốn là tổng binh ba châu Cao - Lôi - Liêm (cũng thuộc Quảng Đông) dưới triều Minh. Khi công cuộc kháng Thanh phục Minh đi vào thoái trào, Trần tổng binh đã có một quyết định khó ai ngờ đến là mang hết gia đình, bộ thuộc chạy sang nước ta, xin thần phục chúa Nguyễn.
Một tấc lòng trung biết gửi ai
Trước khi tị nạn, Trần Thượng Xuyên là tướng dưới quyền chỉ huy của Diên Bình quận vương Trịnh Thành Công - một danh tướng kiệt xuất thời kỳ cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh. Khi nhà Thanh vượt Sơn Hải quan tiến vào đại lục, lật đổ triều Minh, Trịnh Thành Công là một trong những vị tướng luôn nỗ lực chống lại nhà Thanh. Tháng 2-1662, Trịnh Thành Công đã thành công đánh bại quân Hà Lan vốn chiếm đóng trái phép đảo Đài Loan từ năm 1624, thu hồi cố thổ và xây dựng đại bản doanh tại đây làm căn cứ lâu dài để tiếp tục kháng Thanh. Vậy, vì sao Trần Thượng Xuyên lại có một quyết định táo bạo là sang Việt Nam mà không theo họ Trịnh sang Đài Loan?
Để lý giải điều này, cần xem lại thế cục “bàn cờ” ở Trung Quốc lúc đó. Trần Thượng Xuyên luôn cho mình là tướng nhà Minh, nhưng trên thực tế lúc đó nhà Minh đã mất nước, triều đình nhà Thanh đã đặt bộ máy cai trị ở hầu hết toàn lãnh thổ. Nhà Minh (còn gọi là Nam Minh, bởi chỉ còn hoạt động ở một số khu vực phía Nam) lúc này lại tồn tại đến 2 vị vua do các nhóm “phản Thanh phục Minh” đưa lên, đó là Vĩnh Lịch đế và Thiệu Vũ đế, công cuộc kháng Thanh chưa đâu vào đâu thì 2 phe này đã quay ra đánh nhau túi bụi, rồi cả 2 vua đều lần lượt bị nhà Thanh tiêu diệt.
Về phía Trịnh Thành Công tuy chiếm được Đài Loan làm căn cứ lâu dài, nhưng ngay sau đó nội bộ gia tộc họ Trịnh lại lục đục. Con trai trưởng của Trịnh Thành Công là Trịnh Kinh tư thông với người vú nuôi của em trai, người thời đó cho rằng hành vi này là một sỉ nhục, Trịnh Thành Công nổi giận, tước quyền chỉ huy 2 đảo Kim Môn, Hạ Môn của Trịnh Kinh. Vị trưởng tử này cũng không vừa, chống lại lệnh cha. Tương truyền, Trịnh Thành Công vì tức giận mà đổ bệnh, qua đời vào tháng 6-1662, lúc mới 39 tuổi.
Sách Đại Nam Thực lục (Tiền biên) chép: “Kỷ Mùi (1679), mùa Xuân tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến; Cao Lôi Liêm tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3 ngàn quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng, tự trần là bồ thần (bề tôi mất nước, trốn ra nước ngoài) nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ”. Chúa Nguyễn Phúc Tần đồng ý thu nhận, cho phép nhóm Trần Thượng Xuyên đến ở vùng Kâmpéâp Srêkatrey (nay là Biên Hòa).
Sau khi Trịnh Thành Công mất, nội bộ họ Trịnh còn loạn hơn. Bộ tướng tôn người em trai thứ 5 của ông lên nối nghiệp, trong khi Trịnh Kinh tuyên bố mình mới là người kế vị hợp pháp, bên cạnh còn có những người con trai khác của Trịnh Thành Công cũng hầm hè tranh giành. Chú cháu, anh em, bộ tướng nội đấu lẫn nhau suốt nửa năm trời, kết cục là Trịnh Kinh thắng lợi, nhưng lực lượng gia tộc họ Trịnh bị suy yếu rõ rệt. Để củng cố lực lượng, Trịnh Kinh có xu hướng thỏa hiệp với nhà Thanh, nhưng do điều kiện 2 bên đưa ra không thỏa mãn lẫn nhau nên đàm phán thất bại. Có thể nói, đây là đòn nghiêm trọng đánh vào tinh thần của các tướng sĩ dưới trướng họ Trịnh luôn nuôi chí hướng khôi phục nhà Minh.
Năm 1674, dưới triều vua Khang Hy nhà Thanh xảy ra “loạn Tam Phiên”: 3 vị phiên vương là Bình Tây vương Ngô Tam Quế ở Vân Nam, Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ ở Quảng Đông và Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến cùng nhau liên hợp chống lại nhà Thanh. Vì Tam Phiên giương lên lá cờ “phản Thanh phục Minh” nên được nhiều tướng lĩnh cũ của nhà Minh hưởng ứng, trong đó có Trần Thượng Xuyên, ông đã tham gia tiến đánh Khâm Châu (thuộc tỉnh Quảng Tây).
Nhưng về thực chất, Tam Phiên “phản Thanh” là do lợi ích của 3 vị phiên vương này bị triều đình nhà Thanh cắt bỏ qua việc tước phiên, chớ không vì mong muốn “phục Minh”. Chính vì vậy, trong nội bộ của lực lượng này cũng lục đục suốt. Cảnh Tinh Trung đề nghị Trịnh Kinh hỗ trợ, nhưng quá trình hợp tác nảy ra xung đột, thế là Cảnh Tinh Trung và Trịnh Kinh xoay qua đánh lẫn nhau, đánh chán thì giảng hòa, xong lại đến lượt Trịnh Kinh đánh nhau với Thượng Chí Tín (con của Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ), tất cả chỉ vì muốn nhân cơ hội “đục nước béo cò”, giành địa bàn. Vì thế, năm 1678 loạn Tam Phiên bị nhà Thanh đánh tan tác, Ngô Tam Quế bị chết, Thượng Chí Tín và Cảnh Tinh Trung đầu hàng, Trịnh Kinh rút về Đài Loan, mất hoàn toàn ảnh hưởng ở vùng Phúc Kiến.
Thời thế như vậy, lòng người như vậy, “anh hùng hào kiệt cũng vô phương”, chắc hẳn trong tâm khảm vị tướng trung thành như Trần Thượng Xuyên cũng hiểu rằng con đường khôi phục nhà Minh ngày càng xa vời hơn bao giờ hết. Sau loạn Tam Phiên, các tỉnh phía Nam - thành trì cuối cùng trên đại lục của công cuộc phục Minh cũng rơi vào tay nhà Thanh, lúc này chỉ còn Đài Loan hoạt động độc lập, mà Trịnh Kinh dẫu nối nghiệp Trịnh Thành Công nhưng hàng loạt diễn biến cho thấy không thể tin tưởng đây là vị chân chúa. Trong tâm trạng đó, Trần Thượng Xuyên chỉ còn con đường tha hương tự lập.
Quê hương thứ 2
Trước đó, khi nhà Minh thất bại, nhiều vị tướng lĩnh nhà Minh chọn con đường chạy sang Miến Điện, trong đó có cả Vĩnh Lịch đế, vị vua cuối cùng của triều Nam Minh. Nhưng con đường này không an toàn, bằng chứng là quân Thanh đã truy đuổi sang tận Miến Điện và sát hại Vĩnh Lịch đế.
Bản đồ hải trình giao thương Phúc Kiến - Quảng Nam tại Bảo tàng Trịnh Thành Công, TP.Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến |
Tháng 6-2023, trong chuyến đi Phúc Kiến, tham quan Bảo tàng Trịnh Thành Công trên đảo Cổ Lãng, TP.Hạ Môn và Bảo tàng Hàng hải ở TP.Tuyền Châu, chúng tôi đã hiểu thêm lý do vì sao Trần Thượng Xuyên chọn Việt Nam là điểm đến trong hành trình tha hương của mình.
Xem xét về mặt giao thương biển, giữa nước ta và Phúc Kiến từ rất lâu đã hình thành mối liên hệ mật thiết, có thể bắt đầu từ thời Tần và thịnh vượng hơn từ thời Nguyên, cảng biển lớn tiếp nhận tàu thuyền buôn bán của Việt Nam chủ yếu là bến Vân Đồn (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Đến thời Lê, do triều đình thi hành nhiều chính sách khắt khe với ngoại thương nên hoạt động giao thương tại Vân Đồn có phần giảm sút. Đến khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, nhà Mạc chủ trương phát triển quê hương Dương Kinh (nay thuộc TP.Hải Phòng) thành trung tâm chính trị - kinh tế thứ 2 sau Thăng Long, nên cho xây dựng ở nơi đây một số thương cảng lớn làm nơi thông thương hàng hóa trong và ngoài nước, Vân Đồn ngày càng mất dần lợi thế.
Và lịch sử chứng minh Trần Thượng Xuyên đã chọn lựa đúng. Ông được 3 đời chúa Nguyễn tin dùng, không chỉ giao trọng trách mở mang bờ cõi phía Nam mà còn nhiều lần lãnh ấn tiên phong trong công cuộc bảo vệ biên giới Tây Nam, được phong tước Định Viễn hầu. Khi ông mất năm 1720, chúa Nguyễn Phúc Chu ban danh hiệu cao quý “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”. Nhân dân Đồng Nai tôn kính, thờ ông tại đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa), tôn làm Thành hoàng, được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc phong “Thượng đẳng thần”.
Thời điểm năm 1679 khi Trần Thượng Xuyên quyết định sang Việt Nam, nước ta đang ở vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Trong khi các chúa Trịnh theo xu hướng cũ kỹ muốn bế quan tỏa cảng, hạn chế giao thương thì ngược lại chúa Nguyễn mở rộng cửa, tăng cường giao thương với các nước, đặc biệt chú trọng đường biển. Trên bản đồ thể hiện các hải trình giao thương giữa vùng biển Phúc Kiến với các quốc gia láng giềng tại Bảo tàng Trịnh Thành Công và Bảo tàng Hàng hải, tuyến Phúc Kiến - Quảng Nam được đánh giá là quan trọng. Bên cạnh đó, các chúa Nguyễn luôn tỏ thái độ cầu hiền, đón nhận nhân tài tứ xứ. Có lẽ đây cũng là yếu tố khiến Trần Thượng Xuyên chọn quy phục chúa Nguyễn.
Hà Lam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin