Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023:
Nâng chất lượng nguồn nhân lực

Lan Mai
20:46, 08/09/2023

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong những năm qua, song song với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai đã thực hiện nhiều chương trình, đề án để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Công nhân Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI) H.Long Thành trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai

Hiện trên địa bàn Đồng Nai có 1,2 triệu lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp. Thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/tháng/người. Lực lượng lao động đã từng bước làm chủ được khoa học, công nghệ hiện đại, đảm nhận được nhiều vị trí công việc chủ chốt tại doanh nghiệp (DN).

* Nhiều cơ hội nghề nghiệp

Có lợi thế lớn về lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, những năm qua, Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều DN về đầu tư, phát triển công nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hàng chục ngàn DN đầu tư kinh doanh sản xuất. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn. Hàng năm, tỉnh cần bổ sung thêm khoảng 80 ngàn lao động, trong đó trên 17 ngàn lao động kỹ thuật trình độ trung cấp trở lên. Riêng năm 2022, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 81 lượt lao động, đạt trên 101% kế hoạch năm.

Đặc biệt, những năm gần đây, khi DN ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề tăng lên. Việc tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài nhằm tạo sự đột phá trong công tác giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng thị trường lao động linh hoạt hiện nay.

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nông Văn Dũng, những năm qua, Sở LĐ-TBXH luôn chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo theo nhu cầu của DN; đồng thời, chú trọng liên kết với các DN trong vấn đề thực tập, đào tạo và tiếp nhận học sinh sau học nghề. Bên cạnh đó, xác định các ngành nghề ưu tiên đào tạo phù hợp với định hướng phát triển tại địa phương, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục gắn kết với DN trong đào tạo nhằm đạt hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực.

Theo Sở LĐ-TBXH, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 57 cơ sở giáo dục. Hàng năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển khoảng 72 ngàn người, trong đó bậc cao đẳng, trung cấp là gần 19 ngàn người.

Hiện một số trường nghề trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh liên kết các với trường đại học tại các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, nhất là TP.HCM nhằm thực hiện các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế và nhu cầu học của học viên. Điều này giúp cho người học nghề dễ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp và các DN không phải đào tạo lại cho lao động mới được tuyển dụng. Những lao động sau đào tạo được giới thiệu việc làm ổn định tại các DN trên địa bàn tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng các DN, Đồng Nai phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ tư vấn việc làm cho lao động ngoài tỉnh được biết, đăng ký tham gia và kết nối việc làm. Qua đó, kết nối việc làm cho hàng ngàn lao động có việc làm tại DN. Những lao động ngoài tỉnh sau khi được tuyển dụng vào làm việc tại Đồng Nai được DN đầu tư nguồn lực đào tạo trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu nhanh với công việc và có vị trí việc làm, thu nhập ổn định.

Ông Đỗ Đình Hiệp, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam (H.Trảng Bom) cho hay, là DN chuyên sản xuất cơ khí và tiên phong trong việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, những năm qua, DN ưu tiên đội ngũ lao động chất lượng vào làm việc với mức lương tương xứng. “Hiện lao động có tay nghề cao, sáng tạo, năng động luôn được các DN trọng dụng và cất nhắc lên làm các vị trí quan trọng. Nhiều người đã khẳng định tay nghề, năng lực và trở thành nhân viên chủ chốt của DN trong quá trình phát triển” - ông Hiệp chia sẻ.

* Chuẩn bị nguồn lực cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, dự báo nhu cầu nhân sự và lao động làm trong khu vực cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là gần 14 ngàn người. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dự án Sân bay Long Thành là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Tuy nhiên, nhân sự phục vụ cho ngành Hàng không là một nghề đặc thù có điều kiện về đảm bảo an ninh và an toàn, đơn vị đào tạo ngành nghề lĩnh vực này cần được cấp phép của cơ quan chuyên môn trước khi đào tạo và thi đạt chứng chỉ hành nghề tùy theo vị trí việc làm.

Năm 2020, Sở LĐ-TBXH đã chủ động tham mưu UBND tỉnh gửi văn bản đến Cục Hàng không Việt Nam về nhu cầu nhân lực phục vụ cho dự án Sân bay Long Thành. Trong đó, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ gần 6 ngàn người, trình độ cao đẳng, trung cấp là trên 2,2 ngàn người và trình độ sơ cấp và lao động phổ thông trên 5,7 ngàn người. Các ngành nghề tập trung gồm: khai thác thiết bị kỹ thuật nhà ga, kỹ thuật bay; sửa chữa bảo trì thiết bị; điều hành sân bay, quản lý an ninh, thợ kỹ thuật, điện, vận tải hàng không...

Để đào tạo cho nguồn lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng sân bay, năm 2021, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã hợp tác với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) đào tạo một số ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không như: kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay (hàn), logistics trong lĩnh vực hàng không. Chỉ tiêu tuyển sinh 28 học viên/nghề, thời gian đào tạo những nghề là 3 năm.

Trong đó, học viên sẽ học 2 năm tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trên các thiết bị hiện đại của trường và có 1 năm thực hành trên các loại máy bay tại VAECO.

Theo Sở LĐ-TBXH, để chuẩn bị cho nguồn nhân lực ở lĩnh vực này, Sở LĐ-TBXH đã có văn bản đề nghị Viện Khoa học - công nghệ hàng không Việt Nam hỗ trợ dự án Đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao phục vụ sân bay Long Thành. Ngoài ra, tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ GT-VT, Cục Hàng không Việt Nam và các công ty sử dụng lao động để kết nối các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh với các hãng hàng không, các đơn vị có chức năng đào tạo chuyên ngành hàng không, nhằm liên kết hoặc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh phục vụ cho sân bay Long Thành.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Sở LĐ-TBXH sẽ hỗ trợ các trường nghề trong việc kết nối với các đơn vị đủ điều kiện đào tạo các ngành nghề phục vụ sân bay; đồng thời tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân biết về nhu cầu tuyển dụng, ngành nghề đào tạo, nơi đào tạo, tiêu chuẩn cần đạt trước khi tuyển dụng, nhất là về trình độ ngoại ngữ giao tiếp. Qua đó, tạo điều kiện để học viên, người lao động trong và ngoài tỉnh có định hướng theo học các ngành nghề về hàng không phục vụ cho sân bay.


Bà TRẦN THỊ THÙY TRÂM, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai: Tiếp tục kết nối việc làm giữa DN và người lao động

Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tổ chức 22 sàn giao dịch việc làm với trên 500 DN trong tỉnh và các tỉnh lân cận đăng ký tuyển dụng. Theo đó, có hơn 5 ngàn lượt lao động tham gia tìm việc và phỏng vấn. Kết quả, có hơn 4 ngàn người được tuyển dụng. Trong năm 2023, trung tâm tăng cường tổ chức các sàn và thông tin nhu cầu tuyển dụng của các DN để người lao động trong tỉnh và các tỉnh Đông Nam bộ biết, phỏng vấn, xin việc làm ổn định.

Bà TRẦN THỊ DUYÊN, Tổng giám đốc hành chính Công ty TNHH Đông Phương Việt Nam (H.Trảng Bom): DN tạo việc làm cho trên 12 ngàn lao động

Toàn công ty đang tạo việc làm bền vững cho trên 12 ngàn lao động trong và tỉnh. Với mục tiêu phát triển bền vững, công ty tổ chức cho lao động học nghề nâng cao tay nghề; đồng thời chăm lo các chế độ phúc lợi để công nhân gắn bó với DN và địa phương. Trong đó, duy trì tiền lương, hỗ trợ công nhân gửi trẻ, nhà ở nâng cao chất lượng cuộc sống lao động ngoài tỉnh.


Lan Mai

Tin xem nhiều