Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện kể về Cách mạng Tháng Tám ở Long Thành

Huỳnh Văn Tới
07:26, 02/09/2023

Bà Phan Thị Chi (còn có tên gọi là Chín Cầu) sinh năm 1926 tại xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch; tham gia cách mạng từ trước năm 1945, được kết nạp Đảng năm 1949, nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng năm 2019. Bà hiện là nhân chứng lịch sử “xưa nay hiếm”, gần 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, rành mạch kể cho con cháu nghe chuyện của 78 năm trước. Chuyện kể của bà được đưa vào lịch sử địa phương khiến cho người thời nay cảm nhận được không khí hào hùng, sôi nổi của Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Long Thành.

Nghe kể chuyện về Cách mạng Tháng Tám ở Long Thành
Nghe kể chuyện về Cách mạng Tháng Tám ở Long Thành

Chuyện kể bắt đầu từ tình cảnh của người dân Long Thành dưới ách thống trị của chính quyền thuộc Pháp. Từ khi thực dân Pháp xâm chiếm rồi toàn quyền cai quản Nam kỳ, đời sống của người dân Long Thành vốn nghèo khó càng thêm cơ cực, tủi nhục trong vòng đời nô lệ. Người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp; chỉ một số ít người có ruộng vườn, phần đông là lao động thời vụ, làm mướn. Cả một mùa lúa cực nhọc thu hoạch ít ỏi nhưng phải nộp tô, tỷ lệ nộp tô có lúc lên đến 50%, cùng nhiều loại thuế ác nhơn. Thanh niên trai tráng phải đóng thuế thân, mỗi năm phải nộp 4-5 đồng/người. Đến sau năm 1930, thuế thân tăng lên 6,3 đồng/năm. Ai không có tiền đóng thì bị bắt trói, đóng trăn, đánh đập cho tới chừng nào nộp đủ mới tha. Vì vậy, tới “mùa” thu thuế thân ai cũng nơm nớp, cứ nghe chó sủa rộ là đàn ông trai tráng chưa đủ tiền đóng thuế thân phải chạy trốn. Nhưng trốn cũng chỉ là cách tạm thời, khó trốn thoát.

Đến lúc Nhật nhảy vào chiếm đóng, người dân lại phải đi phu xây dựng sân bay Nước Trong (An Lợi) và Gò Dầu (Phước Thái). Ai sống trong thời gian này mới biết chế độ hà khắc của thực dân - phát xít tàn bạo như thế nào. Người dân bị khủng bố tinh thần, thiếu thốn đủ thứ. Khi đau bệnh, không thuốc thang; nhà không dầu thắp đèn (phải đốt đèn bằng dầu phọng, mù u, dầu chai), vải không đủ mặc phải may quần áo bằng vải bao bố chịu trận với rận rệp, nhiều cặp vợ chồng chỉ có một quần dài. Thanh niên bị bắt đi làm xâu vài ba tháng mới được về; làm xâu xa tận Bà Rịa, Hố Nai, Bến Gỗ, cực khổ trăm bề; nên có câu châm biếm truyền khẩu: “Làm xâu Bến Gỗ cực khổ gian nan. Vợ con để lại nhờ các anh bảo an (lính Nhật) trông giùm”.

Tức nước ắt vỡ bờ, người dân Long Thành ngầm có sự phảng kháng, mong đợi một điều gì đó làm thay đổi kiếp sống nô lệ. Cách mạng Tháng Tám 1945 như dòng nước lành tắm mát lòng dân đang khô hạn.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Từ chiều 10-3-1945, quân Pháp chính thức đầu hàng. Quan Tây, chủ Tây bị lính Nhật bắt, quản thúc. Bộ máy hội tề ở xã tan rã. Phong trào đấu tranh của quần chúng được củng cố, rộ nở khắp nơi. Nổi bật là phong trào Thanh niên tiền phong. Ở Q.Long Thành, trong tháng 5-1945, lực lượng thanh niên tiền phong được tổ chức do thầy giáo Nguyễn Văn Chỏi làm thủ lĩnh.

Hồi đó, vui lắm. Không khí sinh hoạt của thanh niên tiền phong gian khổ nhưng hào hùng, đêm đêm sân tập rầm rập bước chân, rộn ràng tiếng hát.

Ngày 16-8-1945, mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương và Lời kêu gọi của Việt Minh rạo rực lòng dân. Chi bộ Long Thành được Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa triển khai nhiệm vụ: Tập trung lực lượng tiến hành khởi nghĩa, phân công đảng viên vận động lực lượng quần chúng tham gia cướp chính quyền theo kế hoạch của Ủy ban Khởi nghĩa. Tình hình chuẩn bị khởi nghĩa đã sẵn sàng. Đến 4 giờ chiều ngày 23-8, xảy ra sự cố bất ngờ. Giáo phái Cao Đài tại H.Long Thành do đạo trưởng Chín Lợi cầm đầu kéo 200 người trang bị vũ khí ập vào quận lỵ định thừa gió bẻ măng gây sức ép buộc quận Hội giao chính quyền cho chúng. Ủy ban Khởi nghĩa phân tích tình hình, lên kế hoạch đấu tranh vạch mặt nhóm Chín Lợi.

Từ 6 giờ sáng ngày 24-8-1945, ở các ngã đường trên quốc lộ 15, tỉnh lộ 17 và 19 đều có đội viên canh gác, làm chủ tình hình; khu vực xung quanh quận lỵ bị phong tỏa. Một trung đội lính Nhật đóng ở sở Bà Đầm án binh bất động, tâm trạng hoang mang. Từ 7 giờ 30, đồng bào từ các xã, các đồn điền theo đội hình có tổ chức kéo về quận lỵ Long Thành. Đến 9 giờ, TT.Long Thành như sôi lên trong biển người, rừng cờ phấp phới, tiếng hát vang trời, tiếng hô dậy đất, khí thế như thác lũ. Đúng 10 giờ, lực lượng xung phong nòng cốt gồm 400 người chia thành 2 mũi kéo vào dinh quận, tạo đội hình bảo vệ cho Ủy ban Khởi nghĩa vào gặp quận trưởng. Lúc bấy giờ, lực lượng của địch còn 11 tên lính do đội Giám chỉ huy, có vũ khí, nhưng đứng ngơ ngác không dám chống cự. Ban khởi nghĩa gồm 19 người do đồng chí Trịnh Văn Dục dẫn đầu hiên ngang tiến vào. Tại Văn phòng quận trưởng, quận Hội và đạo trưởng Chín Lợi cùng ngồi, mặt mày tái mét, im lặng chờ số phận. Đồng chí Ba Dục nhân danh chính quyền cách mạng tuyên bố: Chính quyền cũ chấm dứt hoạt động; chính quyền cách mạng đại diện cho quyền lợi của nhân dân trong huyện bắt đầu làm việc. Quận hội ngoan ngoãn bàn giao hết hồ sơ sổ sách, kho tàng, vũ khí theo yêu cầu. Đạo trưởng Chín Lợi lặng lẽ cùng bộ hạ lẻn ra cửa sau chuồn mất.

Ngay sau khi tiếp nhận chính quyền, cuộc mít tinh mừng thắng lợi diễn ra tại quận lỵ, hơn 3 ngàn người tham dự, có phái đoàn cán bộ đại diện Xứ ủy miền Đông gồm các đồng chí Dương Bạch Mai, Đào Duy Kỳ, Hà Huy Giáp cùng dự. Ủy ban Cách mạng lâm thời H.Long Thành được giới thiệu và ra mắt đồng bào, gồm: Chủ tịch Trịnh Văn Dục; Phó chủ tịch Võ Văn Truyện và các ủy viên. Sau đó, đoàn cán bộ Xứ ủy triệu tập hợp đảng viên tuyên bố thành lập Đảng bộ Q.Long Thành, biểu quyết bằng hình thức giơ tay bầu Quận ủy gồm: Bí thư Trịnh Văn Dục; Phó bí thư Vũ Hồng Phô; Ủy viên Thường vụ Trương Minh Kỷ; Ủy viên Nguyễn Văn Phú và Lê Thành Liêm.

Chỉ trong ngày 24-8-1945, chính quyền của toàn bộ 21 xã thuộc Q.Long Thành đã về tay nhân dân; đồng bào mừng như mở hội. Ban hội tề các xã lặng lẽ tự giải tán. Ở một số xã, ban hội tề cử người đem hồ sơ sổ sách tới nhà làng giao. Khí thế cách mạng sôi nổi và mạnh mẽ của nhân dân làm cho số địa chủ, tề xã hoảng sợ, tự nguyện liên lạc với chính quyền cách mạng xin được lập công bằng cách đóng góp lương thực, thực phẩm. UBND lâm thời các xã lần lượt hình thành.

Trong ngày 25-8, thực hiện chủ trương của Ủy ban Cách mạng lâm thời quận, hàng ngàn người được tổ chức kéo về tỉnh lỵ Biên Hòa tham gia giành chính quyền ở tỉnh.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công chấm dứt chuỗi ngày nô lệ tủi nhục của người dân. Cách mạng mở ra một kỷ nguyên mới. Kể từ đây, mọi người thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến, trở thành người dân tự do của một nước độc lập. Cuộc sống mới bắt đầu.

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều