Báo Đồng Nai điện tử
En

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Chuyển đổi xanh là tiêu chí tất yếu của phát triển

Ngọc Liên
09:44, 26/08/2023

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chuyển đổi xanh (CĐX) là tiêu chí tất yếu của sự phát triển. Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ và Chính phủ đang hoàn thiện khung pháp lý, chính sách để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

TS Võ Trí Thành

Việt Nam đang tiến tới giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu bằng 0 vào năm 2050. Đây là cam kết, đóng góp tích cực trong bảo vệ khí hậu trái đất, ứng phó với biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Doanh nghiệp xuất khẩu 5% đạt tiêu chuẩn xanh

* Ông đánh giá thế nào về việc CĐX tại các địa phương và doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam?

- Cho đến nay, DN xuất khẩu Việt Nam nói chung mới chỉ đạt 5% tiêu chuẩn xanh theo đúng nghĩa. Điều này đã ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của chính các DN. Điển hình là trong bối cảnh khó khăn vừa qua, nếu DN CĐX tốt thì đơn đặt hàng đã không giảm mạnh như vậy, nhất là đối với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như: dệt may, gỗ, da giày… Cho nên, CĐX là đòi hỏi mới của tiêu dùng và những thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đây cũng là những cam kết của Việt Nam và Chính phủ đang hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho quá trình CĐX.

Một trong những địa phương đang đẩy mạnh triển khai CĐX hiện nay là TP.HCM với nhiều dự án, đòi hỏi việc phát huy vai trò của Nhà nước hiện nay là rất lớn. Cụ thể như câu chuyện CĐX ở H.Cần Giờ và nhiều lĩnh vực khác, kể cả phát triển hạ tầng giao thông gắn với liền với nhiều tiêu chí xanh. Việc CĐX ở TP.HCM sẽ tạo sự lan tỏa với những chuyển động mạnh mẽ sẽ góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu của TP.HCM.

* Theo ông, DN muốn tạo sự bứt phá trong CĐX thì cần làm những gì?

- Đây là câu chuyện về thị trường và DN đã nhận diện được. Nói một cách khác, đây là trò chơi kinh doanh, xuất phát từ yêu cầu trị trường, đòi hỏi DN phải có mô hình kinh doanh mới, xanh, an toàn và nhân văn… Cùng với những thay đổi trong mô hình kinh doanh để thích ứng thị trường, DN rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để giảm bớt chi phí trong CĐX.

Hiện nay, từ trung ương đến địa phương cùng các DN đang có sự chuyển động mạnh mẽ. Do đó, CĐX phải thực hiện nhanh, mạnh hơn, bởi liên quan đến sự cạnh tranh, vấn đề sống còn của DN. Khi DN có phát triển thì địa phương mới phát triển, DN năng động và xanh thì địa phương mới năng động và xanh.

* Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, trọng điểm của cả nước, như vậy, CĐX có tầm quan trọng và tác động như thế nào, đặc biệt là khi cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đi vào hoạt động, thưa ông?

- Trong liên kết vùng bao gồm nhiều lĩnh vực quan trọng, như hạ tầng, mà trong hạ tầng có câu chuyện về năng lượng. Đông Nam bộ là vùng có hệ thống các chuỗi cung ứng khác nhau. Mỗi chuỗi cung ứng sẽ có những tiêu chí khác nhau.

Khi đã nằm trong một chuỗi cung ứng, các DN phải cam kết đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu của thị trường, của những cam kết khi tham gia chuỗi, cũng như những yêu cầu của các nước nhập khẩu thì tiêu chí xanh phải được thực hiện đầy đủ. Một khi đã gắn với nhau trong một chuỗi cung ứng, dù là DN lớn hay nhỏ đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung.

Thời gian tới, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò rất lớn, bởi khi đó sân bay Long Thành không chỉ đơn thuần là một sân bay mà còn gắn với cả khu vực để trở thành một trung tâm logistic quốc tế lớn. Đây sẽ là động lực phát triển rất lớn cho khu vực.

Cần tín dụng xanh lớn

* Một DN muốn CĐX đòi hỏi phải có năng lực tài chính. Theo ông, dòng vốn xanh của Việt Nam đang ở đâu và quy mô cho dòng vốn này đến nay như thế nào?

- Có thể nói, vai trò của tài chính xanh cực kỳ quan trọng. Trong những năm qua, trên thế giới, tốc độ tăng trưởng của tài chính xanh rất lớn, quy mô của thị trường tài chính xanh cũng rất lớn.

Việt Nam trong những năm gần đây bắt đầu có sự chuyển đổi. Nếu nhìn từ thị trường chứng khoán thì đã có những đòi hỏi các công ty niêm yết đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị tốt, mà trong quản trị tốt thì phải đạt các tiêu chí ESG (Bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng). Đối với trái phiếu, nhiều DN, kể cả một số định chế tài chính đã phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, trái phiếu xanh mới chủ yếu tập trung vào năng lượng, như: gió, mặt trời… mà chưa có tính lan tỏa rộng rãi.

Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh tín dụng xanh và bắt đầu xây dựng tiêu chí cho tín dụng xanh. Tuy nhiên, tổng dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam cho đến thời điểm này mới chỉ trên 4% trên tổng dư nợ tín dụng. Đây là con số quá khiêm tốn.

Theo TS VÕ TRÍ THÀNH, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về CĐX. Những chiến lược, chương trình hành động và nhiều chính sách cụ thể đang xây dựng kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình CĐX trong cả nước.

Nói như vậy để thấy, Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm. Bên cạnh nhận thức về chuyển đổi xanh thì vẫn còn một số yếu tố quan trọng khác là: tiêu chí, chuẩn mực, thông lệ tốt nhất về tài chính xanh và sự cạnh tranh, sống còn của DN. Các yếu tố trên có mối quan hệ cộng sinh giữa những định chế tài chính, mà cụ thể là giữa ngân hàng với DN để thúc đẩy tăng trưởng cho tín dụng xanh. Nếu mối quan hệ cộng sinh mang lại kết quả tốt sẽ thúc đẩy quá trình CĐX mạnh mẽ hơn.

Để thúc đẩy và phát huy những giá trị trên, không thể thiếu được vai trò Nhà nước trong việc đào tạo, phát triển hạ tầng và đặc biệt là các hệ thống pháp lý. Như tôi được biết, cuối năm nay, có thể Việt Nam sẽ có chính sách thí điểm cho kinh tế tuần hoàn. Đây là cơ sở rất tốt để thúc đẩy, hỗ trợ DN tiếp cận tài chính xanh, tín dụng xanh.

TS Võ Trí Thành trao đổi với doanh nghiệp về sản xuất xanh tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023. Ảnh: K.Minh
TS Võ Trí Thành trao đổi với doanh nghiệp về sản xuất xanh tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023. Ảnh: K.Minh

* Thưa ông, tính pháp lý và những chính sách của Chính phủ sẽ tác động như thế nào đến tín dụng xanh của Việt Nam?

- Để khai thác dòng vốn xanh tốt, cả phía cung và cầu phải hiểu rõ thế nào là tài chính xanh. Như tôi đã nói, nhiều nước trên thế giới đã có rất nhiều dòng vốn xanh, do đó dòng vốn xanh của chúng ta cũng nên theo thông lệ quốc tế.

Ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện các dòng vốn xanh và nhiều DN hiện nay cũng đang làm. Đây là câu chuyện cạnh tranh của các DN nên nếu họ không đáp ứng được các tiêu chí xanh thì sẽ mất nhiều cơ hội bán được hàng và xuất khẩu hàng hóa. Chính phủ cần hỗ trợ khung pháp lý minh bạch. Tuy nhiên, đây còn là một câu chuyện mới nên sẽ còn phải hoàn thiện dần trong quá trình áp dụng thực tế.

* Theo ông, đâu là thách thức, rào cản đối với DN Việt khi tiếp cận tín dụng xanh?

- Đây là vấn đề còn nhiều thách thức, cụ thể là chi phí cho chuyển đổi xanh rất cao, nhiều lĩnh vực mới tiềm ẩn rủi ro. Do đó, khi CĐX cần cân bằng giữa tiềm năng lợi ích, rủi ro phát sinh với chi phí chuyển đổi, bởi chi phí chuyển đổi là không nhỏ, đòi hỏi phải được đào tạo để có kỹ năng, công nghệ, quản trị mới. Tuy nhiên, CĐX đã có nhiều thông lệ, nhiều nghiên cứu tình huống nên DN có thể học hỏi thêm.

Một vấn đề nữa là trong cuộc cách mạng chuyển đổi số hiện nay luôn đi liền với công cuộc chuyển đổi xanh. Ví dụ như xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn thời gian qua đã có nhiều DN Việt Nam làm quen và đẩy mạnh, kết quả là có nhiều nơi khá thành công, nhưng cũng có cả thất bại. Do đó, DN phải có sự chuẩn bị thật kỹ trước khi bước vào cuộc chơi.

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

Tin xem nhiều