Với mong muốn bảo tồn, phát huy các làng nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, trong suốt 10 năm qua, nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài TRUNG ĐINH đã dành toàn bộ tuổi trẻ để nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo ra kỹ thuật nhuộm ombré (nhuộm loang và chuyển màu thủ công để tạo nên chất liệu mới) và vẽ thủ công trên lụa.
Với mong muốn bảo tồn, phát huy các làng nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, trong suốt 10 năm qua, nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài TRUNG ĐINH đã dành toàn bộ tuổi trẻ để nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo ra kỹ thuật nhuộm ombré (nhuộm loang và chuyển màu thủ công để tạo nên chất liệu mới) và vẽ thủ công trên lụa.
Nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài Trung Đinh. Ảnh: Hải Hà |
Anh là người tiên phong đưa các kỹ thuật vẽ lụa mới mang đến hiệu quả mỹ thuật và tính ứng dụng cao cho ngành thời trang Việt Nam.
* Nỗ lực hồi sinh nghề vẽ thủ công trên lụa
* Sinh ra trong một gia đình không ai đi theo con đường nghệ thuật nhưng hiện tại cuộc sống của anh lại chỉ xoay quanh dòng chảy thời trang. Điều gì khiến anh theo đuổi con đường này?
- Tôi nghĩ là nghệ thuật đã chọn mình. Mỗi người đến cuộc đời đều có sứ mệnh riêng, đặt đúng người, đúng thời điểm thì sẽ làm được. Tôi tốt nghiệp ngành Thiết kế chính quy loại ưu, sau đó giữ vị trí giám đốc sáng tạo cho một tập đoàn thời trang lớn của Italy có trụ sở tại Việt Nam và đảm nhiệm việc thiết kế các bộ sưu tập phiên bản giới hạn cho tập đoàn. Các sản phẩm thủ công này do chính tôi làm ra, sau đó xuất ngược qua Italy để bán sang các nước khác với giá thành cực kỳ đắt đỏ.
Là một người con Việt với tâm hồn nghệ thuật truyền thống, tôi đau đáu trong mình suy nghĩ, tại sao phải “chảy chất xám”, tạo ra giá trị lớn cho một thương hiệu ngoại mà không đóng góp gì cho nền thời trang nước nhà. Vì thế, tuy đang có vị trí và mức lương đáng mơ ước với nhiều người nhưng tôi sẵn sàng bồi thường chi phí nghỉ việc rất lớn để theo đuổi con đường riêng của mình.
* Nghệ thuật và thời trang vốn là vô tận. Vì sao anh lại muốn chấn hưng nghề lụa vẽ Việt Nam và chọn áo dài là “điểm tựa” trong khát vọng “chấn hưng” nghề?
- Vẽ lụa vốn là nghề thủ công vô cùng đặc sắc và phức tạp của người Việt nhưng ngày càng mai một. Còn áo dài là loại trang phục truyền thống, điển hình của dân tộc nhưng lại chưa nhận được sự đầu tư về thiết kế, xử lý chất liệu. Cho nên tôi nghĩ bản thân mình phải có trách nhiệm, nếu không phải mình thì ai làm, bao giờ làm? Tôi bắt đầu chấn hưng lại nghề vẽ trên lụa Việt Nam, và chọn áo dài làm “điểm tựa” từ đó.
Tôi bắt tay nghiên cứu từ đầu và muốn làm sao để kỹ thuật vẽ tranh lụa vừa hiện đại nhưng vẫn thể hiện được sự tinh tế, mang lại giá trị mỹ thuật cao hơn. Đặc biệt là làm sao để ứng dụng kỹ thuật đó vào thời trang, giúp nâng tầm giá trị cho lụa Việt Nam. Nghe thì dễ, nhưng suốt gần 10 năm qua tôi gần như “ủ kén”, không xuất hiện trên thị trường thời trang. Tôi dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, sáng tạo ra kỹ thuật mới về vẽ thủ công và nhuộm ombré, tạo màu cho chất liệu.
“Trong tương lai, tôi mong muốn tổ chức những buổi workshop về nhuộm và vẽ thủ công trên lụa tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt tại các trường đại học - nơi ươm mầm các tài năng thời trang, thiết kế trẻ để lan tỏa nhiều hơn nữa về ngành nghề lụa thủ công Việt Nam” - nhà thiết kế, nghệ nhân TRUNG ĐINH chia sẻ. |
Tôi tin rằng, lụa Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nước về màu sắc, mẫu mã, đặc biệt là qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người Việt. Từ dải lụa trắng, giờ đây tôi có thể tự nhuộm thủ công theo màu sắc mong muốn, nếu ai cũng tự làm được thì sẽ giúp cho nhiều làng nghề dệt lụa “hồi sinh” trên chính sân nhà. Ngoài ra, việc tạo màu đã giải quyết một vấn đề rất lớn cho ngành thời trang Việt, đó là chủ động tạo ra chất liệu mang tính độc bản chứ không phải đại trà, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
* Chọn con đường văn hóa và thủ công Việt Nam khá gian nan và đơn độc nhưng thành quả anh không giữ cho riêng mình mà đem kỹ thuật ấy phục vụ cho mục đích giáo dục. Điều anh mong muốn truyền tải nhất là gì?
- Những gì tôi đang làm không phải tạo thương hiệu cá nhân hay đặt nặng lợi ích kinh tế. Tôi giữ tâm sơ ban đầu là xây dựng một hệ sinh thái và một cộng đồng chung tâm huyết để vực dậy và nâng tầm mảng vẽ thủ công trên lụa. Chính vì vậy, tôi cho ra đời một trung tâm dạy vẽ, đào tạo nghề thành công cho hơn 4 ngàn học viên trong và ngoài nước, ở rất nhiều độ tuổi. “Một người lan tỏa không bằng 100 người lan tỏa”, những học viên này có người đã trở thành thầy của nhiều người khác. Tôi vui vì đã chung tay kết nối được một cộng đồng có cùng đam mê, đưa kỹ thuật vẽ trên vải của Việt Nam ngày càng có giá trị hơn về mặt thời gian, mỹ thuật, tác phẩm.
Tôi luôn nói với học trò rằng, làm nghề này không cần tham vọng mà phải nuôi dưỡng đam mê. Nói cách khác, muốn có tác phẩm đẹp thì tâm hồn phải đẹp, tâm tốt mới có thể theo đuổi nghề dài lâu. Dành nhiều thời gian để xử lý lụa kỳ công như vậy nên đằng sau mỗi sản phẩm của tôi không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là câu chuyện về văn hóa dân tộc và trách nhiệm xã hội. Tôi mong muốn giữ lại hồn lụa Việt Nam, đồng thời là nơi cho ra đời nhiều thế hệ họa sĩ vẽ lụa.
* Để vẽ trên lụa không trở thành ký ức…
* Trong sự vận động không ngừng của cuộc sống cũng như kỹ thuật in công nghiệp, việc đưa những giá trị truyền thống như vẽ thủ công trên lụa, vẽ lên áo dài theo anh có những thuận lợi, khó khăn nào?
- Khó khăn rất nhiều. Tôi cảm tưởng mình đang “đối đầu” với các nhà chế tạo máy và công nghệ để in những sản phẩm thay thế bàn tay con người. Tuy nhiên tôi tin rằng, dù hiện đại và tinh vi như thế nào cũng phải “vô hiệu hóa” trước vẻ đẹp đỉnh cao, trọn vẹn của kỹ thuật vẽ thủ công trên lụa Việt Nam.
Nhà thiết kế Trung Đinh hướng dẫn học viên kỹ thuật vẽ trên lụa |
Trước khi nghĩ đến những chuyện sâu xa, tôi bắt đầu từ áo dài vì áo dài được chắt lọc từ những tinh hoa thiết kế, nghiên cứu qua nhiều năm tháng để phù hợp nhất đối với vóc dáng người phụ nữ Việt. Áo dài gắn liền với truyền thống Việt nhưng lại chưa thật sự lan tỏa hết đến người Việt. Do đó, tôi nghĩ “trách nhiệm” của mình là cần lan tỏa để thế giới công nhận trang phục áo dài là của Việt Nam mà không nhầm lẫn với bất kỳ quốc gia nào khác. Hai nữa là làm sao để chính người Việt mình nhận ra giá trị thẩm mỹ của áo dài và tôn trọng vẻ đẹp truyền thống của áo dài.
Đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của tôi chính là thiên nhiên, đất nước, con người, những biểu trưng cho mảnh đất và vùng miền mà tôi đi qua trên khắp 63 tỉnh, thành Việt Nam vô cùng hùng vĩ, phong phú.
* Để vẽ thủ công trên lụa được ứng dụng rộng rãi, anh đã và đang nỗ lực như thế nào?
- Trong suốt hành trình của mình, tôi luôn lan tỏa thông điệp “Người Việt Nam dùng lụa Việt Nam”. Để vẽ trên lụa không trở thành “ký ức”, tôi luôn phải khoác áo mới cho chúng mỗi ngày. Tôi luôn ưu tiên mục đích giáo dục, ngoài dạy tại trung tâm của mình, tôi còn nhận tham gia các buổi giảng dạy, workshop tại các trường đại học, trường nghề; quảng bá cho du khách nước ngoài, đại sứ quán các nước…
Đặc biệt tháng 7 này, tôi sẽ giới thiệu dự án dài hơi “Lụa hát trên vai” đã được ấp ủ thực hiện trong 10 năm qua. Dự án này mở màn chương trình Fashion Tour được phát sóng trên VTV, HTV, Fashion TV châu Á… nhằm tôn vinh, quảng bá lụa Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). “Lụa hát trên vai” mang ý nghĩa đặt trách nhiệm ấy trên đôi vai một cách nhẹ nhàng, cũng như thể hiện chính tâm huyết, lý tưởng dấn thân của tôi suốt nhiều năm qua.
Tôi mong qua show diễn này, công chúng sẽ thấy ứng dụng lụa của Việt Nam là vô tận. Ngoài trình diễn thời trang và khám phá văn hóa làng nghề, chương trình còn gây quỹ thiện nguyện để cấp vốn cho những gia đình khó khăn muốn khôi phục làng nghề truyền thống, trao học bổng cho học sinh nghèo ở vùng đất đó…
* Xin cảm ơn anh!
Hải Hà (thực hiện)