Báo Đồng Nai điện tử
En

Tục thờ cúng ông bà của người Việt ở Đồng Nai - Nam bộ

07:06, 24/06/2023

"Thờ cúng ông bà" là cách gọi quen thuộc ở Đồng Nai - Nam bộ về tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, được hiểu là việc thờ cúng ông bà, cha mẹ và những người đồng tộc đã chết gắn với lễ nghi thờ phụng cúng bái của gia đình.

"Thờ cúng ông bà" là cách gọi quen thuộc ở Đồng Nai - Nam bộ về tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, được hiểu là việc thờ cúng ông bà, cha mẹ và những người đồng tộc đã chết gắn với lễ nghi thờ phụng cúng bái của gia đình.

Dâng hương tưởng nhớ tổ tiên là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Ảnh: HÀ LAM
Dâng hương tưởng nhớ tổ tiên là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Ảnh: HÀ LAM

Nếu tục thờ tổ tiên của cư dân Việt cổ ở Bắc bộ ra đời gắn với sự hình thành cộng đồng thị tộc phụ quyền thì tục thờ cúng tổ tiên của cư dân Việt ở Đồng Nai - Nam bộ bắt đầu từ "vốn liếng" có sẵn trong gia tài mang theo suốt quá trình chuyển cư.

Qua ghi chép và tài liệu điền dã của nhiều tác giả đã công bố có thể hình dung tục thờ cúng ông bà trong gia đình người Việt ở Đồng Nai - Nam bộ có nét riêng trong dòng mạch tín ngưỡng chung của cả nước.

Việc thờ cúng phân rõ 2 nội dung: Phụng thờcúng bái.

Việc thờ trang trọng, thiêng liêng

Căn nhà dù nhỏ vẫn dành nơi trang trọng nhất (gian chính) thờ ông bà. Ông bà được thờ gồm các thế hệ: Cha mẹ, Ông (bà) nội, ngoại, Ông (bà) cố, Ông (bà) trên ông bà cố.

Sau hơn 300 năm phát triển đầy biến động, tục thờ cúng ông bà ở Đồng Nai - Nam bộ tiếp biến với nhiều nhân tố mới có biến đổi về diện mạo nhưng vẫn không xa cội nguồn; được xem là di sản cổ truyền của người Việt ở Đồng Nai - Nam bộ.

Theo Lương Văn Lựu, trước đây, người địa phương thờ 3-4 đời; đến đời thứ 5 trở lên nếu có thần chủ phải đem chôn như thông tục "Ngũ đại mai thần chủ” (năm đời thì chôn thần chủ). Ông bà từ đời thứ tư trở lên được thờ chung, phối hưởng ở bàn thờ chính trong nhà hoặc bàn thờ họ ở nhà từ đường. Nhiều gia đình thờ ông bà các bậc trên ông cố gọi chung là Cửu huyền thất tổ.

Do điều kiện làm ăn xa, những người con trai - con lớn thường trưởng thành tự lập sớm nên vai trò người con út - con gái được xem trọng trong việc thờ cúng ông bà. Những hộ không phải là nhà từ đường cũng thường có bàn thờ ông bà (thờ vọng hoặc thờ tượng trưng) ở bàn thờ giữa gian chính. Bàn thờ cha mẹ bên trái, thờ ông bà nội (ngoại) bên phải. Những người khuất mặt khác như: anh, chị, em, con được thờ một góc trong nhà. Người mới chết (dù là cha mẹ, ông bà) được thờ riêng cho đến khi xả tang mới được thỉnh lư hương, di ảnh, vào bàn thờ chung.

Cách bày trí bàn thờ không khác mấy so với phong tục phổ biến, ngày càng có phần đơn giản hơn nhưng không kém vẻ trang nghiêm. Bàn thờ họ thường có hai lớp: Lớp trong là 1 bàn đơn trải chiếu cổ gọi là bàn giỗ để bày đồ cúng, lớp ngoài là tủ thờ hoặc một chiếc bàn cao hơn lớp trong để bày đồ thờ.

Bàn thờ khác (thờ cha mẹ, ông bà nội và người khuất mặt khác) đơn giản, vật thờ nhỏ hơn bàn thờ họ, thường gồm: bộ chân đèn, lư, bát nhang, bình bông, đĩa quả tử... Ở đô thị thờ đơn giản hơn ở nông thôn, nhiều khi chỉ là giá gỗ treo tường với một bát nhang, cây đèn chai, bình bông...

Việc cúng giỗ thành tâm, chu đáo

Cúng giỗ gắn với thờ phụng, việc thờ càng trang nghiêm, việc cúng càng trang trọng. Hai hình thức cúng chủ yếu: cúng hàng ngàycúng giỗ.

Hàng ngày, con cháu thay nước cúng, đốt nhang, lên đèn, khấn xá trước bàn thờ ông bà. Mỗi khi đi xa về hoặc chuẩn bị làm việc hệ trọng, người Đồng Nai - Nam bộ có thói quen đốt nhang khấn cáo ông bà. Việc cúng giỗ không khác so với miền Bắc, miền Trung. Lòng thành với cha mẹ, ông bà như nhau, lễ thức cũng giống nhau, cúng giỗ cha mẹ được chuẩn bị kỹ hơn cúng giỗ ông bà.

Giỗ ở nhà từ đường long trọng hơn ở tại gia. Cũng như phong tục phổ biến, sau ngày chết: 49 ngày cúng thất, 100 ngày cúng tiểu tường, 12 tháng cúng giáp năm, 24 tháng cúng đại tường; 27 tháng cúng xả tang, năm thứ ba trở đi gọi là giỗ thường niên, cúng trước ngày giỗ chính gọi là cúng tiên thường (thường là cúng chay), ngày giỗ chính cúng mặn.

Việc thờ, thờ đến 3-4 đời nhưng cúng giỗ có thể cúng đến đời thứ 5, thứ 7 nếu con cháu còn nhớ ngày chính xác.

Tục thờ cúng ông bà đã kết dính các lớp cư dân Việt ở Đồng Nai - Nam bộ với nhau, với cội nguồn: Lớp trước lớp sau, vùng này vùng khác, làng này làng nọ, tôn giáo này tôn giáo kia; các phật tử và giáo dân (Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo) đều coi việc thờ cúng ông bà là phận sự hiển nhiên; trong nhà giáo dân các xứ đạo có bàn thờ cha mẹ và tục giỗ ông bà cha mẹ là phổ biến. Do cùng chung tục thờ cúng ông bà mà cư dân Việt ở Đồng Nai - Nam bộ không phân biệt tôn giáo, xứ sở, sang hèn đã chung sống với nhau, đoàn kết, hòa hợp, không xa cội quên nguồn.

Có gia đình họ Nguyễn ở Hòa Hưng còn cúng giỗ 16 vị thuộc 7 đời. Ngày giỗ được tính theo âm lịch. Những người đã khuất không còn nhớ ngày thường được gộp chung hoặc phối hưởng trong các ngày giỗ tượng trưng như: Giỗ cố nội, giỗ cố ngoại, giỗ cao... hoặc được gộp lại trong một ngày thuận lợi nào đấy.

Trong ngày giỗ, nhất là giỗ ông bà nội, ngoại; cha mẹ, anh em, con cháu họp mặt, góp công sức chung lo bữa giỗ. Đây là dịp họp gia đình, nhắc nhớ người chết và trao đổi việc nhà việc họ giữa các thành viên trong họ. Người trong họ không đến dự được có thể gửi đồ cúng đến cúng gọi là gửi giỗ. Cũng có thể cúng tại gia cùng lúc với giỗ chính ở từ đường gọi là cúng vọng. Người Đồng Nai - Nam bộ xa xứ thường cúng vọng tổ tiên đúng hoặc khác ngày so với giỗ chính.

Món cúng tùy theo phong tục của gia đình, thường đủ các món: kho, xào, nướng, canh, rau, bánh, trái cây, giải khát. Người Đồng Nai - Nam bộ ít khi thiếu các món: dưa giá - thịt kho, khổ qua dồn thịt, cá kho, trứng chiên, rau luộc - mắm nêm, bánh ít, bánh da lợn và trái cây đương vụ.

Thường chuẩn bị ít nhất là 3 mâm cúng: Một mâm cúng bày ở bàn thờ người được cúng, một mâm bày ở bàn giữa nhà cho các vị phối hưởng, một mâm đất đai âm trạch (có nơi gọi đất đai nhơn trạch) bày ở chiếu ngoài sân hoặc ở bộ ván ngựa trong nhà.

Mâm đất đai không thể thiếu gạo - muối, rau luộc -mắm nêm và số chén đũa được bày thường là 6 (với ý nghĩa 3 cặp đất - trời - người, hoặc ông bà - cha mẹ - con cái; giống quan niệm cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số).

Ngày xưa, văn khấn có bài bản; nay, lời cúng thì thầm, ngắn gọn, không còn vần điệu cốt để mời gọi người được cúng giỗ cùng ông bà và các vị phối hưởng về dự để chứng tri lòng thành của gia đình.

Trong nhiều thức cúng, một số gia đình còn giữ tục "luôn phải cúng một món gì đó” gắn với sở thích của ông bà hoặc đặc điểm của dòng họ, gia đình, gọi là cúng lề. Có gia đình cúng khoai mì, rau chạy, cháo cá ám, ốc luộc... vì các món này vốn được ông bà ưa thích hoặc nhờ nó mà vượt khó khăn. Nhiều khi qua món cúng lề mà họ hàng nhận ra nhau.

Thờ cúng ông bà trong gia đình là truyền thống đẹp của cư dân Việt được thể hiện thống nhất trong cả nước. Cư dân Việt ở Đồng Nai - Nam bộ lưu truyền, gìn giữ tục thờ cúng ông bà như gia bảo, có khuynh hướng đơn sơ, giản tiện hơn nhưng vẫn giữ được ý nghĩa thiêng liêng. Ấy là: Lòng tôn kính, biết ơn, kế thừa công đức tổ tiên; và sự cảm hóa giáo dục con cháu "uống nước nhớ nguồn", "ăn trái nhớ kẻ trồng cây".

 Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích