Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều 'chiêu' để trẻ truy cập internet an toàn

09:06, 24/06/2023

Nghỉ hè, không phải bận rộn với việc học, trẻ có nhiều thời gian hơn để xem tivi, điện thoại, máy tính. Cùng với đó, thời gian truy cập internet của trẻ cũng tăng lên. Vậy làm thế nào để trẻ có thể truy cập internet một cách an toàn, hữu ích? Cha mẹ sẽ làm gì để kiểm soát hành vi truy cập mạng của trẻ?

Nghỉ hè, không phải bận rộn với việc học, trẻ có nhiều thời gian hơn để xem tivi, điện thoại, máy tính. Cùng với đó, thời gian truy cập internet của trẻ cũng tăng lên. Vậy làm thế nào để trẻ có thể truy cập internet một cách an toàn, hữu ích? Cha mẹ sẽ làm gì để kiểm soát hành vi truy cập mạng của trẻ?

ThS Nguyễn Minh Sơn. Ảnh: H.Yến
ThS Nguyễn Minh Sơn. Ảnh: H.Yến

Dưới đây là chia sẻ của ThS Nguyễn Minh Sơn, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) Trường đại học Lạc Hồng với Đồng Nai cuối tuần.

* Dễ bị “lạc lối”

* Là giảng viên chuyên ngành CNTT, anh có quan tâm đến thói quen sử dụng internet của trẻ em hiện nay hay không?

- Tôi có theo dõi và thấy đa phần các bạn học sinh (bao gồm cả tiểu học, THCS, THPT) thường xuyên sử dụng các mạng xã hội: Facebook, TikTok, YouTube để phục vụ nhu cầu giải trí. Trong đó, các bạn thường xem các clip ngắn (phần reels trong Facebook, shorts trong YouTube). Đặc điểm các clip ngắn này là có nhịp độ nhanh, nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp với sự tiếp nhận của trẻ.

ThS NGUYỄN MINH SƠN: “Tôi có 2 con nhỏ. Mỗi khi có thời gian, tôi thường đưa con đến với những hoạt động có thể giúp con gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên. Tôi thấy rằng cách này có thể mang lại nhiều năng lượng tích cực cho trẻ”.

Tôi cho rằng chính nhờ những yếu tố đó nên thường thì chỉ trong 3-10 giây đầu là các clip này đã tạo được sức thu hút với người xem. Chính sức hút này đã khiến trẻ bị cuốn vào và theo dõi kênh, thường xuyên xem các clip có nội dung tương tự. Do đó, nếu ngay từ đầu trẻ bị cuốn hút bởi các clip có nội dung tiêu cực, nhảm nhí thì khả năng cao là trẻ sẽ tiếp tục theo dõi, xem các nội dung tương tự trong những lần truy cập sau đó, sẽ không dễ gì dứt ra được.

* Ảnh hưởng của việc trẻ truy cập, theo dõi những thông tin tiêu cực này là gì, thưa anh?

- Việc xem điện thoại, tivi, máy tính nhiều mà không được kiểm soát về mặt nội dung chắc chắn sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến trẻ, nhất là trong nhận thức, hành vi, ảnh hưởng đến việc học hành…

Tôi đã từng tiếp nhận một học sinh THPT bị “nghiện”  TikTok đến mức ngại giao tiếp xã hội. Ban đầu, em này lướt TikTok để xem… người ta ngủ. Sau đó, em bắt chước theo, cũng đóng kín cửa phòng, tắt điện và ở trong phòng suốt ngày. Dần dần, em không muốn bước ra ngoài để giao tiếp với người khác nữa. Tôi đã phải mất một thời gian, dần dần mới kéo em ra khỏi thói quen xấu đó và đến với CNTT một cách hữu ích.

* Làm gì để kiểm soát hành vi truy cập internet của trẻ?

* Vậy cha mẹ có thể làm gì để theo dõi việc truy cập internet của trẻ? Có cách nào để định hướng những kênh, ứng dụng, trang web tích cực cho trẻ hay không, thưa anh?

- Điều này là hoàn toàn có thể. Nhưng bản thân phụ huynh cũng cần phải có một chút kiến thức cơ bản và phải thực sự chủ động trong việc kiểm soát, định hướng trẻ. Hiện có rất nhiều ứng dụng, trang web, kênh thông tin… tích cực, hỗ trợ giáo dục trẻ và giúp trẻ tiếp cận các thông tin hữu ích. Cha mẹ cần chủ động tìm kiếm, trải nghiệm các trang web này sau đó hướng dẫn cho trẻ truy cập, theo dõi.

Nếu trẻ đã truy cập các kênh có nội dung tích cực, phụ huynh cần đóng vai trò như một người thầy để thử kiểm tra xem trẻ có tiếp nhận, hấp thu được những nội dung tích cực đó không. Phụ huynh cũng có thể yêu cầu trẻ xem đi xem lại nhiều lần cùng một nội dung và kiểm tra mức độ hiểu của trẻ ở nhiều cấp độ khác nhau. Khi trẻ càng truy cập vào các kênh có nội dung giáo dục, khoa học… thì hệ thống sẽ càng hiện nhiều những thông tin này cho trẻ theo dõi.

ThS Nguyễn Minh Sơn hướng dẫn sinh viên thực hành tại Phòng Lab của Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Lạc Hồng
ThS Nguyễn Minh Sơn hướng dẫn sinh viên thực hành tại Phòng Lab của Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Lạc Hồng

* Anh có những lưu ý nào để trẻ truy cập internet an toàn?

- Đối với việc tìm kiếm thông tin, phụ huynh cần nhắc nhở trẻ lưu ý truy cập vào những trang có chứng chỉ bảo mật (trang web bắt đầu bằng các chữ https://). Những trang web này có độ an toàn cao hơn. Bên cạnh đó, khi tra Google và cho ra kết quả tìm kiếm, ngoài việc để ý nội dung phần tiêu đề của các kết quả, trẻ cần lưu ý đến đường link trang web kết quả. Nếu thấy đường link lạ, có nội dung không liên quan thì cần phải dừng lại để xem xét, hạn chế truy cập vào những trang web này.

Nếu trẻ chưa được sử dụng máy tính riêng, phụ huynh nên tạo profile (hồ sơ) trên các trình duyệt web dành riêng cho trẻ đồng thời quy định rõ nội dung trẻ được truy cập. Cùng với đó, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra lịch sử truy cập để nhắc nhở trẻ nếu truy cập vào nội dung không lành mạnh. Thậm chí có thể xóa profile cũ để tạo profile mới nếu lịch sử truy cập của trẻ có vấn đề.

Đối với điện thoại thì phụ huynh có thể tải phần mềm kiểm soát thời gian, giới hạn nội dung, kênh truy cập.

Ngoài ra, phụ huynh có thể kiểm soát việc truy cập internet của trẻ dựa trên lịch sử truy cập internet. Điều này có thể kiểm soát trên router bằng cách cài đặt phần mềm (kiểm soát theo phần mềm) hoặc sử dụng router (kiểm soát theo phần cứng). 

Theo đó, những ứng dụng, thiết bị này thường có các chức năng như: lọc nội dung truy cập (phụ huynh có thể hạn chế các trang web, ứng dụng, các từ khóa tìm kiếm…), điều khiển từ xa để tạm dừng kết nối internet một thiết bị nào đó trong gia đình, thống kê thời gian truy cập của từng thiết bị, giới hạn thời gian truy cập, cài đặt thời gian không được vào internet, lưu lại lịch sử truy cập internet của thiết bị… Bằng cách quản lý này, cha mẹ mẹ có thể giám sát con cái truy cập internet một cách chặt chẽ hơn.

Những phụ huynh không thể tự cài đặt router để kiểm soát trẻ thì có thể tìm đến những người rành CNTT để được hỗ trợ.

* Xin cảm ơn anh!

Hải Yến (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích