Đó là nhà văn, nhà thơ Phạm Thanh Quang, nguyên trung tá Pháo binh, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đồng Nai, Hội viên hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là người tham gia viết lịch sử của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, góp cho những trang sử hào hùng của mảnh đất Xuân Lộc, Đồng Nai.
Đó là nhà văn, nhà thơ Phạm Thanh Quang, nguyên trung tá Pháo binh, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đồng Nai, Hội viên hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là người tham gia viết lịch sử của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, góp cho những trang sử hào hùng của mảnh đất Xuân Lộc, Đồng Nai.
Trường ca Bản hùng ca thời đại của nhà văn, nhà thơ Phạm Thanh Quang |
* Nặng tình với đời binh nghiệp
Tác giả đề tặng trường ca Bản hùng ca thời đại cho Đảng bộ - Nhân dân H.Xuân Lộc (Đồng Nai) và TP.HCM; cùng các cựu chiến binh đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Đây là tác phẩm thứ 16 trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Trước đó, ông đã có 3 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, 5 tập thơ, 3 kịch bản phim truyện. Phạm Thanh Quang cũng dành khá nhiều trang viết cho thiếu nhi; và có nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài tỉnh. Có thể kể đến giải nhì cuộc thi truyện ngắn tỉnh Đồng Nai năm 1985, với truyện ngắn Hương xoài; giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn TP.HCM năm 1986 với truyện ngắn Cùng nghĩ về đồng đội; giải khuyến khích cuộc thi kịch bản phim truyện của Hãng Phim truyện Việt Nam năm 1997 với kịch bản Ráng mỡ gà; giải B Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ nhất năm 2000 với tập thơ Khoảng lặng không gian; giải tư cuộc thi Thơ, truyện dành cho bé - của Bộ GD-ĐT năm 2004 với bài thơ Cùng đi…
Tuy nhiên, trong số 16 tác phẩm đã xuất bản, người đọc có thể nhận ra vốn sống của cả một đời binh nghiệp được thể hiện qua từng trang viết. Nhà văn, nhà thơ Phạm Thanh Quang sử dụng các thể loại sáng tác chủ yếu như các phương tiện khác nhau, để viết về cuộc đời người lính, bao gồm bản thân ông và những người đồng đội, đồng chí. Bối cảnh của tác phẩm có thể là hầm sâu, là núi thẳm, cũng có thể là chợ trời thời hậu chiến, là trường học, bảo tàng... song tất cả đều dành để nói về kinh nghiệm chiến trường và những trải nghiệm của người lính ở đời thường. Đó cũng là những bài học cuộc sống ông rút ra được từ chính mình và đồng đội, để làm sao giúp người lính cụ Hồ hòa vào được với cơ chế thị trường, thích nghi với những thay đổi mà vẫn giữ được cốt cách, bản lĩnh đã được rèn luyện trong lửa đạn.
Thật vậy, trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Phạm Thanh Quang, những mảnh đời, những thân phận con người hiện ra rất chân thật, trong nhiều diễn biến oái oăm, cười ra nước mắt. Dòng xoáy cuộc đời là tiểu thuyết nói lên sự bi - hài trong cuộc sống của người lính tìm mọi cách xoay xở, vun vén hạnh phúc đời thường của mình. Tình yêu thuở ấy hay Tìm lại mỹ nhân là hai tập truyện ngắn thấm đẫm chất hiện thực, nhưng cũng đầy ắp những trăn trở về người cựu chiến binh. Những tập thơ Chiều sông quê hay Tình chiều lại mang một bình diện rất khác lạ, vừa trữ tình, vừa đau đáu nói về tình yêu, về mẹ và quê hương...
Tuy mỗi tập sách có mức độ thành công và sự lan tỏa khác nhau, song có thể nói sáng tác của Phạm Thanh Quang là những trường đoạn viết về cuộc đời người lính, vừa chan chứa tình yêu, vừa thương cảm, day dứt khôn nguôi.
* Xuân Lộc, Đồng Nai - chiến trường lưu dấu
Một điều đặc biệt trong tác phẩm của Phạm Thanh Quang là hầu hết sáng tác của ông đều lấy bối cảnh chiến trường Đông Nam bộ và Đồng Nai. Phòng tuyến Xuân Lộc, cuộc chiến đấu đập tan “cánh cửa thép”, và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt của ông, được thể hiện trong nhiều tác phẩm ông đã viết. Trong đó có tác phẩm mới nhất Bản hùng ca thời đại - là tập trường ca gồm 4 phần ông viết trong nhiều năm qua, vừa được NXB Thanh niên ấn hành.
Có thể khẳng định đề tài chiến tranh cách mạng là một thế mạnh, một sự ưu tiên trong đời viết của nhà thơ Phạm Thanh Quang. |
Phần I: Ông kể cháu nghe chỉ gồm 2 trang, là lời của ông nói với cháu về lý do ông viết nên tác phẩm này. Như lời dặn dò, cũng giống như lời tâm huyết được người ông chuẩn bị biết bao năm mới nói ra cùng cháu - thế hệ ông hết lòng yêu thương, hy vọng, nhưng cũng đầy lo lắng:
Hành trang cháu bước lên đường
Tuổi xuân trai tráng xem thường gian nguy
Vịn vào lịch sử mà đi
Đèo cao dốc thẳm sợ gì gian nan!
Khó khăn cũng đừng thở than
Phát huy truyền thống của ngàn năm xa!
Làm trai nước Việt Nam ta
Hãy dùng dũng khí vượt qua thác ghềnh!...
Về phần mình, người ông luôn nhìn về quá khứ, để tự răn mình về nhân cách sống, về nghĩa tình quân dân, đồng đội. Sau cái giật mình thảng thốt, nhận ra đồng đội mình người đã mất, người vẫn còn nhưng sức khỏe đang yếu dần, thì niềm tin và sự quyết tâm được nhân lên:
Chiến tranh đã tắt từ xa
Lại càng thôi thúc chúng ta - nghĩa tình!
Những ai chưa nhận ra mình
Hãy nhìn, hãy nghĩ - cho mình - cho nhau...
Phần I của trường ca được viết bằng thể loại thơ lục bát, được kết bằng câu lục: “Một thời cháu hãy khắc ghi...”, rồi sau đó chuyển sang Phần II: Thế trận. Giọng thơ cũng chuyển sang hình thức tự do, với những câu dài ngắn khác nhau thể hiện những diễn biến chân thực, như cách ghi phóng sự chiến trường. Mở đầu chiến dịch là “Ngày 10 tháng 3 năm 1975 - Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra - Buôn Mê Thuột thất thủ…”:
Quân Ngụy Sài Gòn như con mãnh thú
Bị một quả đấm trúng tim
Toàn thân choáng váng
Mỗi đoạn thơ là một thời khắc chuyển biến rất nhanh của chiến dịch. Qua ngòi bút của tác giả, những bước chân thần tốc của quân đội ta đã nhanh chóng chiếm lĩnh các trận địa.
Phần III của trường ca: Xuân Lộc, máu và hoa chính là phần nội dung được tác giả chăm chút nhất, mang rất nhiều tâm huyết để tái hiện sức mạnh của đoàn quân, tinh thần của chiến dịch, và vẻ đẹp một thời thanh xuân của bản thân và đồng đội trên chiến trường Xuân Lộc. Vẫn là những đoàn quân như Thánh Gióng tụ về nơi chiến trường ác liệt nhất, để làm nên những chiến công. Mỗi đơn vị, quân đoàn, sư đoàn... đảm nhiệm một nhiệm vụ, song ngòi bút của tác giả đã lướt nhanh qua, để dành phần lớn những trang thơ viết về con người và miền đất Xuân Lộc anh hùng. Có thể nói, với tư cách người viết sử, tác giả đã lướt nhanh qua những trận đánh, và cả những chiến công. Vì chính ông biết rằng mình cần phải gìn giữ những kỷ niệm, những cảm xúc nơi chiến trường với tư cách một chứng nhân. Dù để viết thành thơ hay để trao truyền lại cho con cháu mình những điều tâm huyết nhất, thì người viết cũng phải hết sức trung thực, cảm khái và rõ ràng:
Đêm náo nhiệt ngàn năm có một
Lịch sử đấu tranh cách mạng Xuân Lộc
Đã sang trang!
Khắp các ngả đường
Bộ đội chủ lực
Bộ đội địa phương
Dân quân du kích…
Rầm rập những bước chân
Rầm rập pháo, xe …
Chụm vào Xuân Lộc!
Đỉnh cao của chiến tranh nhân dân
Đã nở hoa, kết trái!
Bằng cách viết xốc thẳng vào các sự kiện, Phạm Thanh Quang đã kể lại câu chuyện hào hùng của mảnh đất Xuân Lộc bằng cảm xúc mạnh mẽ, không thể nào quên. Trường ca dành nhiều trang để nói về những người lính thuộc về nhiều miền quê trên khắp đất nước, mà tại chiến dịch đập tan “cánh cửa thép”, họ đã có dịp bộc lộ tất cả tình yêu, niềm tin tưởng và khát khao chiến thắng, mong mỏi hòa bình. Bên cạnh đó là những người mẹ, họ đã tiếp nhận tất cả vinh quang và đau khổ trong những thời khắc lịch sử không chỉ của riêng Xuân Lộc, mà của dân tộc Việt Nam dồn lại sau 30 năm trường kỳ kháng chiến:
Những bà má lưng còng
Vuốt mắt từng người con chưa quen biết
Oại oằn khóc lóc, xót xa!
Dẫu mất mát đau thương
Má ơi! Xin đừng khóc
Chúng con ra đi
Chúng con lại trở về!
Ngày mai thống nhất non sông
Đỏ rợp sắc cờ
Má nhìn lên thấy chúng con
trên đó!
Máu đổ hôm nay
Rồi sẽ hóa thân vào những khối óc bàn tay...
Tuy nhiên, đó chưa phải là những vần thơ bi hùng nhất, thể hiện đỉnh cao của cảm xúc, của lương tâm người lính đặt trong tác phẩm này. Phần 4: Bản hùng ca thời đại có những lời thống thiết:
Việt Nam ơi!
Lịch sử bốn nghìn năm
Có khi nào có được
Những đoàn quân
Chỉ với Năm mươi ngày đêm thần tốc...
Có thể nói, bên cạnh tiểu thuyết Xuân Lộc của nhà văn Hoàng Đình Quang, Bản hùng ca thời đại của nhà thơ Phạm Thanh Quang cũng là một tác phẩm dài hơi, đậm nét về Xuân Lộc và Chiến dịch mùa xuân 1975. Mong rằng tập trường ca sẽ được nhiều người quan tâm và đón đọc.
Mai Sơn