Vậy là tôi đã làm thường trú cho một cơ quan báo chí lớn của TP.HCM và các tỉnh phía Nam gần tròn 25 năm, từ khi còn là phóng viên thường trú đến Trưởng Văn phòng đại diện.
Vậy là tôi đã làm thường trú cho một cơ quan báo chí lớn của TP.HCM và các tỉnh phía Nam gần tròn 25 năm, từ khi còn là phóng viên thường trú đến Trưởng Văn phòng đại diện.
Các phóng viên thường trú tác nghiệp khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đi thị sát khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành) |
Ngần ấy thời gian, báo chí đã có những thay đổi chóng mặt đến không ngờ trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số. Dù công nghệ có làm thay đổi phương cách làm báo nhưng vẫn không làm mất đi những đặc trưng vốn có của công việc làm báo.
* Từ máy ảnh chụp phim đến điện thoại thông minh
Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, máy tính để bàn vẫn còn là thứ phương tiện “xa xỉ” của các phóng viên do giá quá đắt, khoảng trên dưới 10 triệu đồng, bằng 3 tháng thu nhập nên không phải phóng viên nào cũng sắm được. Do đó, hầu hết các phóng viên đều viết tin bài trên giấy rồi mang ra bưu điện fax về tòa soạn.
Còn hình ảnh thì chụp bằng máy phim sau đó mang đi rửa ảnh rồi tìm chỗ scan để truyền file về cho tòa soạn. Khổ nhất là những lần đi công tác xa, phải tranh thủ để kịp tìm chỗ rửa ảnh, scan ảnh.
Nhưng rồi đến đầu những năm 2000, máy ảnh kỹ thuật số đã xuất hiện ngày càng phổ biến, cùng với sự phát triển nhanh của internet đã giúp cho việc tác nghiệp của anh em báo chí thường trú trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Với các tờ báo Đảng, còn cần thêm mối quan hệ thân thiết với báo địa phương để hỗ trợ thông tin lẫn nhau, tận dụng đội ngũ hùng hậu của báo đài địa phương để chia sẻ thông tin thời sự chính trị - xã hội quan trọng do lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức mà chỉ có phóng viên báo, đài địa phương được dự họp. |
Không còn phải loay hoay với rửa ảnh, với những trang viết mỏi tay mà đã chuyển sang dùng máy tính để bàn rồi máy tính xách tay và chất lượng hình ảnh của máy ảnh kỹ thuật số cũng càng ngày càng chất lượng, bản thảo in ra cũng rõ ràng - không còn nhầm lẫn con số khi nhập liệu thủ công như trước.
Sự xuất hiện của điện thoại thông minh thế hệ mới làm cách tác nghiệp báo chí ngày nay trở nên đơn giản hơn rất nhiều khi chiếc điện thoại gắn sim 4G, 5G đã làm thay chức năng của cái máy ảnh và có thể làm tin, quay video clip trực tiếp trên điện thoại để chuyển thẳng về tòa soạn nếu là thông tin nóng.
Đặc biệt, sự xuất hiện và chi phối đời sống của mạng xã hội cũng là phương tiện chia sẻ thông tin hữu ích cho các nhà báo giúp cho việc nắm bắt, khai thác thông tin địa bàn không còn nhọc nhằn như trước đây. Hầu như không có thông tin gì, từ chuyện ở xóm làng khu phố đến chuyện chính trị, mà không thể không tìm thấy trên mạng, nhất là các tin tức an ninh trật tự, an toàn giao thông, cháy nổ thông qua kết nối nhóm trên Zalo...
* Cạnh tranh thông tin khốc liệt
Cho dù thời buổi công nghệ số phát triển có làm cho việc tác nghiệp của các phóng viên thường trú, văn phòng đại diện các báo có vơi đi nỗi mệt nhọc so với trước đây nhưng sự cạnh tranh thông tin thì vẫn như cũ và có phần khốc liệt hơn khi bị mạng xã hội chi phối.
Đối với các tin tức chính trị thì thường ít có tính cạnh tranh do kén người đọc nhưng những tin nóng về an ninh trật tự, vụ án, vụ việc tiêu cực lớn, hỏa hoạn làm chết nhiều người thì tính thời sự luôn đặt lên hàng đầu, các báo đều muốn đưa tin sớm trên tờ báo điện tử chí ít để không quá chậm so với mạng xã hội, sau đó là báo in phải có thông tin mới bổ sung để đến tay bạn đọc vào sáng hôm sau.
Phóng viên Ngô Phước Tuấn Báo VnExpress tác nghiệp sau cơn mưa gây ngập tại Biên Hòa |
Cái khó của các phóng viên thường trú, văn phòng đại diện tại địa bàn là làm sao trong “rừng thông tin” đầy rẫy trên mạng xã hội hay báo điện tử ấy vẫn phát hiện được những vấn đề mới, hoặc vấn đề cũ nhưng cách nhìn mới, vụ việc cũ có diễn biến mới mang tính xã hội - dân sinh cao mà các báo bạn chưa thấy để tạo nên những tin bài có tính chất đặc sản của tờ báo.
Trong năm 2022, Báo Sài Gòn giải phóng đã có vệt bài nêu quan điểm về việc có nên làm đường nối Bình Phước với Đồng Nai qua Mã Đà đi thẳng qua vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Báo không những sớm nhận ra tính hấp dẫn của vấn đề để chỉ đạo phóng viên viết sớm bài để đăng sớm hơn kế hoạch đăng ký với tòa soạn mà còn tổ chức 5 bài viết tiếp theo (trên cả báo in và báo điện tử, kèm hình ảnh minh họa), nêu ý kiến của giới chuyên gia, nhà khoa học về việc không nên làm đường qua vùng lõi Khu bảo tồn để bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học và thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với các tổ chức quốc tế.
Sau đó, nhiều báo bạn cũng vào cuộc để đưa đến quyết định của Bộ GT-VT trình Thủ tướng phương án chọn là làm đường đi vòng, không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới.
Phóng viên Hà Anh Chiến (Báo Lao Động) phỏng vấn người dân H.Long Thành. Ảnh: NGÔ PHƯỚC TUẤN |
Một trách nhiệm nặng nề khác đặt ra cho các phóng viên thường trú, văn phòng đại diện là luôn phải có tài liệu dự trữ với các vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng liên quan đến các quan chức lãnh đạo các địa phương để khi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can là “tung ra” để kết hợp với phóng viên của bản báo làm dày thông tin, phục vụ bạn đọc. Có khi phải chuẩn bị thông tin cả năm trời mới đến lúc “tung ra”. Đây là những thông tin thu hút sự quan tâm của bạn đọc và dư luận cả nước.
Một cái khó nữa của người làm báo thường trú thời công nghệ số là phải khẳng định được thương hiệu của tờ báo, của cá nhân nhà báo thông qua các tác phẩm báo chí, thông qua việc xây dựng mối quan hệ công tác. Trong một rừng thông tin của báo điện tử, của mạng xã hội mà vẫn đảm bảo được thông tin nhanh, chuẩn xác, đầy đặn, có tính cạnh tranh, có tính chuyên nghiệp là việc rất quan trọng để khẳng định thương hiệu của tờ báo, nhà báo.
Y Văn