Báo Đồng Nai điện tử
En

Gác bằng thạc sĩ để đan móc len thủ công

09:04, 15/04/2023

Sở hữu 2 tấm bằng đại học, 1 tấm bằng thạc sĩ, có công việc khá ổn định nhưng vì trót đam mê với len từ tấm bé mà chị Huỳnh Thị Thu Ngân, ở ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) đã nghỉ việc để thực hiện dự định mà mình ấp ủ.

Sở hữu 2 tấm bằng đại học, 1 tấm bằng thạc sĩ, có công việc khá ổn định nhưng vì trót đam mê với len từ tấm bé mà chị Huỳnh Thị Thu Ngân, ở ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) đã nghỉ việc để thực hiện dự định mà mình ấp ủ.

Chị Huỳnh Thị Thu Ngân (giữa) giới thiệu các sản phẩm đan móc len thủ công đang trưng bày tại cửa hàng 2Len. Ảnh: N.Sơn
Chị Huỳnh Thị Thu Ngân (giữa) giới thiệu các sản phẩm đan móc len thủ công đang trưng bày tại cửa hàng 2Len. Ảnh: N.Sơn

Chị đã và đang từng bước gầy dựng thương hiệu 2Len, cho ra đời nhiều sản phẩm từ len có tính ứng dụng cao và được khách hàng ưa chuộng.

*Từ bỏ công việc vì đam mê

Chị Thu Ngân chia sẻ, chị sinh ra và lớn lên ở xã Long An (H.Long Thành). Năm 12 tuổi, nhìn thấy một người chị họ biết móc len thành những món đồ xinh xắn chị đã rất thích. Chị ngỏ ý muốn được học móc len nhưng vì thuận tay trái, việc chỉ dạy khó khăn nên chị họ nhất định không chịu dạy. Trở về nhà, chị xin mẹ mua đồ móc, len để tập móc len. Sau khi biết móc len cơ bản, chị bắt đầu móc đồ đựng viết đem đi học.

Chị HUỲNH THỊ THU NGÂN chia sẻ, không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm đan móc len độc đáo mà mong muốn của chị là giúp nhiều chị em biết đến nghề đan móc len để có thêm thu nhập góp phần cải thiện đời sống.

Đồ đựng viết được móc từ những sợi len đủ màu sắc bắt mắt nên các bạn gái cùng lớp thích và ngỏ ý muốn mua để dùng. Từ đó, lúc rảnh rỗi chị móc đồ đựng viết, mấy món đồ trang trí bán cho các bạn cùng trường với giá rẻ để kiếm tiền mua len tiếp tục móc cho thỏa đam mê. Mỗi lần nghỉ hè, thời gian rảnh rỗi nhiều, chị tập trung móc các món đồ sử dụng trong gia đình.

Sau khi tốt nghiệp THPT, chị muốn được học chuyên ngành thiết kế mỹ thuật nhưng biến cố xảy ra với gia đình - cha mất, gánh nặng kinh tế gia đình đè lên đôi vai mẹ. Vì không muốn mẹ vất vả, chị từ bỏ ước mơ và theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Trường đại học Công đoàn. Vừa đi học chị vừa nhận móc len gia công để có thêm chi phí trang trải học hành, đỡ đần cho mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị được nhận vào làm việc tại UBND H.Long Thành. Trong thời gian vừa đi làm, chị tiếp tục học thêm chuyên ngành Giáo dục chính trị tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Năm 2015, chị tiếp tục học lên cao học chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền để phục vụ yêu cầu công việc. Chị Ngân chia sẻ, đi làm, đi học khá bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian để móc len, cho ra sản phẩm mới.

Năm 2020, sau cú sốc hôn nhân, được người thân, bạn bè động viên, khích lệ, chị quyết định dừng lại công việc đang làm, về sống chung với mẹ ở H.Nhơn Trạch và thực hiện dự định đang ấp ủ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát mạnh, phải giãn cách xã hội nên dự định mở một cửa hàng nhỏ bán các sản phẩm móc len thủ công của chị vẫn chưa thực hiện được. Thay vào đó, chị tìm hiểu, giao lưu, kết bạn và học hỏi thêm kỹ thuật đan móc len từ các hội nhóm trên Facebook, YouTube và cho ra sản phẩm mới. Đồng thời, tranh thủ tính lan tỏa của mạng xã hội, chị từng bước giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua trang Facebook cá nhân.

Đầu năm 2023, chị sửa lại một góc của căn nhà để làm cửa hàng trưng bày nguyên liệu, sản phẩm mang tên 2Len, tạo điều kiện để khách hàng được tiếp cận sản phẩm trực tiếp.

* Biến len thành những sản phẩm độc đáo

"Cô chủ có đôi tay khéo quá", "Sản phẩm xuất sắc, sáng tạo", "Cưng xỉu", "Tuyệt vời lắm"… là những comment thường xuất hiện mỗi khi chị Thu Ngân đăng sản phẩm mới vừa hoàn thiện lên trang Facebook cá nhân.

Một số học sinh tìm đến 2Len để mua dụng cụ, nguyên liệu và được chị Huỳnh Thị Thu Ngân (bìa phải) hướng dẫn kỹ năng móc len
Một số học sinh tìm đến 2Len để mua dụng cụ, nguyên liệu và được chị Huỳnh Thị Thu Ngân (bìa phải) hướng dẫn kỹ năng móc len

Theo chia sẻ của chị Thu Ngân, để tạo ra sản phẩm ngoài niềm đam mê, cần có sự khéo léo, kiên trì, sáng tạo. Bởi ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các sản phẩm từ len. Vì vậy, để có thể thu hút được khách hàng, sản phẩm len phải có được nét độc đáo, phù hợp với từng đối tượng. Điều này đòi hỏi người làm ra sản phẩm phải có kỹ năng móc len đa dạng; nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu mới lạ mắt. Vì vậy, từ khi quyết định theo đuổi đam mê chị luôn thử sức với các kỹ năng móc len nâng cao, giúp chị có thể đáp ứng được nhu cầu của đông đảo khách hàng.

Ngoài các sản phẩm thú nhồi bông với các kích thước lớn nhỏ khác nhau, các loại mũ nón, túi xách, ví… chị còn tạo ra các sản phẩm giày dép từ len. Chị Thu Ngân cho biết, trước đây mỗi lần đi chơi, cần một đôi giày hoặc dép có chung màu với quần áo hoặc phụ kiện chị sẽ tự móc cho mình một đôi giày hoặc dép phù hợp. Để tạo ra một đôi giày, đôi dép từ len, chị tìm đến các cơ sở gia công giày dép để mua đế và tự mình đục lỗ để móc len thành những đôi giày, đôi dép hoàn thiện có họa tiết trang trí theo sở thích cá nhân, tạo nên những đôi giày, đôi dép độc lạ, có sức hút đối với khách hàng.

Bên cạnh các sản phẩm móc từ các loại sợi len, chị Thu Ngân đang cho ra đời thêm các sản phẩm độc đáo kết hợp giữa móc len với nguyên liệu tái chế - nắp vỏ lon bia, lon nước ngọt nhằm giảm việc sử dụng sợi len. Không giống như những mặt hàng làm bằng máy, đồ móc bằng len được làm hoàn toàn thủ công, mất nhiều thời gian nên hầu hết các sản phẩm chị làm đều theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng chỉ cần gửi mẫu mong muốn, bản thân chị sẽ tự cân đối để tạo ra sản phẩm có kích thước, màu sắc phù hợp với mong muốn của khách hàng.

Không chỉ tạo ra các sản phẩm độc đáo, từ đầu năm 2023 đến nay, chị còn nhập thêm các loại nguyên liệu, dụng cụ để phục vụ thêm nhu cầu của những khách hàng có niềm đam mê với đan móc len thủ công. Chị Thu Ngân chia sẻ, mặc dù 2Len mới mở nhưng đã thu hút được sự quan tâm ủng hộ của các chị em phụ nữ yêu thích các sản phẩm thủ công, các em học sinh có hứng thú với việc tự tay làm ra những món đồ nhỏ xinh làm quà tặng thầy cô, bạn bè. Nhiều phụ huynh còn bày tỏ mong muốn chị tổ chức lớp dạy đan móc len vào dịp hè để con em của họ có cơ hội được rèn luyện kỹ năng, sự khéo léo, tính kiên trì...

Nga Sơn


Bà HỒ THỊ KIM NGÂN, Chủ tịch Hội LHPN H.Nhơn Trạch: Vận động hội viên phụ nữ học nghề

Chị Thu Ngân mong muốn có thêm những cộng sự cùng lan tỏa giá trị các sản phẩm thủ công từ len, cùng tạo ra nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Qua tìm hiểu, tôi thấy đây là mô hình khá phù hợp với hội viên, có thể tranh thủ làm lúc rảnh rỗi. Vì vậy thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ có sự trao đổi, thống nhất và vận động hội viên phụ nữ tham gia học nghề.

Em NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Phước Thiền (H.Nhơn Trạch): Móc len là cách để giải trí

Trước đây khi thấy một số bạn trong lớp tự tay đan móc len, có thể tự mình tạo ra các sản phẩm nhỏ xinh dùng làm quà tặng nhau vào dịp lễ tết, sinh nhật em rất thích nên đã dùng tiền tiết kiệm để mua dụng cụ, len để học làm. Ban đầu chưa hình dung được nên việc móc len khá khó khăn. Nhưng sau khi được chị Thu Ngân tận tình hướng dẫn, em đã làm ra được sản phẩm đầu tiên, cảm giác rất thích thú.

Với em, móc len không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn là cách để giải trí, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học tập căng thẳng.

Cẩm Tú (ghi)


 

Tin xem nhiều