Báo Đồng Nai điện tử
En

Chia sẻ áp lực cùng con

07:04, 29/04/2023

Thời điểm này, học sinh các cấp học, nhất là những lớp chuẩn bị chuyển cấp như lớp 9 và lớp 12 đang tất bật thi cuối học kỳ 2. Áp lực học tập, thi cử khá nặng nề, do vậy các em rất cần được quan tâm, chăm lo đặc biệt về tinh thần để có tâm thế tốt nhất cho những kỳ thi đã và đang diễn ra.

Thời điểm này, học sinh các cấp học, nhất là những lớp chuẩn bị chuyển cấp như lớp 9 và lớp 12 đang tất bật thi cuối học kỳ 2. Áp lực học tập, thi cử khá nặng nề, do vậy các em rất cần được quan tâm, chăm lo đặc biệt về tinh thần để có tâm thế tốt nhất cho những kỳ thi đã và đang diễn ra.

Thực tế mỗi mùa thi đều có những vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến tuổi học trò. Có em vì phải chịu quá nhiều áp lực từ học tập, điểm số, không thể chia sẻ, tìm sự đồng cảm từ gia đình đã tự vẫn. Trong những lá thư tuyệt mệnh để lại, nhiều em bày tỏ sự cô đơn, lạc lõng của mình. Có em sợ mình không toại nguyện được mong muốn của người thân nên đành nói xin lỗi. Lựa chọn giải thoát của các em khá tiêu cực nhưng phần nào nói lên tâm trạng của không ít học sinh khi phải chịu quá nhiều áp lực, stress dài ngày nhưng thiếu nơi giãi bày, giải tỏa.

Gần đây, hàng loạt các vụ bạo lực học đường xảy ra cũng khiến không ít học sinh lo lắng khi đến trường. Môi trường thiếu an toàn, thầy cô không gần gũi, gia đình ít quan tâm… khiến những tâm hồn nhạy cảm dễ bị tổn thương. Và khi không tìm được niềm vui khi tới lớp, sự lẻ loi, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, các em rất dễ rơi vào trạng thái mất niềm tin. Khi niềm tin bị khủng hoảng dễ dẫn tới những hành động bột phát, nông nổi.

Để giảm áp lực, chuẩn bị tâm lý vững vàng nhằm giúp các em vượt qua những giai đoạn khó khăn, yếu tố quan trọng nhất vẫn là từ gia đình. Sự quan tâm phù hợp của cha mẹ tới con cái sẽ rất ý nghĩa, có tác dụng  động viên, khích lệ tinh thần rất lớn cho các em. Chẳng hạn như với những học sinh lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc chọn ngành, chọn nghề khá căng thẳng. Giữa cha mẹ và con cái xảy ra bất đồng quan điểm trong lựa chọn ngành nghề vẫn xảy ra với khá nhiều gia đình. Thế nhưng nếu biết dung hòa, lắng nghe và thấu hiểu nhau, con sẽ không cảm thấy mình bị ép buộc hay áp đặt. Phân tích ưu, nhược điểm cho con ở từng ngành nghề cùng những điều kiện về tính cách, chi phí… sẽ giúp con hiểu và chia sẻ với cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng phải biết lắng nghe quyết định của con mình, có như thế con mới cảm thấy ý kiến của mình được tôn trọng.

Sự hỗ trợ về tinh thần đôi khi chỉ là câu hỏi thăm, động viên đúng lúc cũng đủ để những tâm hồn nhạy cảm vui tươi, cảm thấy có động lực phấn đấu…

Nguyễn Phượng

Tin xem nhiều