Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn

09:03, 04/03/2023

Tập sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX của tác giả Trần Minh Nhựt, do NXB Dân trí và Omega Plus ấn hành, là tư liệu lịch sử quý dành cho nhà nghiên cứu, nhà phê bình, sinh viên cũng như bạn đọc tìm hiểu mỹ thuật, lịch sử trang phục Việt Nam.

Tác phẩm Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX ra mắt bạn đọc đầu tháng 3-2023
Tác phẩm Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX ra mắt bạn đọc đầu tháng 3-2023

Tập sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX của tác giả Trần Minh Nhựt, do NXB Dân trí và Omega Plus ấn hành, là tư liệu lịch sử quý dành cho nhà nghiên cứu, nhà phê bình, sinh viên cũng như bạn đọc tìm hiểu mỹ thuật, lịch sử trang phục Việt Nam.

Tác giả Trần Minh Nhựt cất công khảo cứu từ bộ tranh công phu Grande Tenue de la Cour d’Annam (tạm dịch: Đại Lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân để viết nên tác phẩm nghệ thuật lịch sử dày 264 trang ra mắt bạn đọc đầu tháng 3-2023 này.

* Giá trị lịch sử, mỹ thuật

Tác giả Trần Minh Nhựt tốt nghiệp cử nhân ngành thiết kế thời trang, Trường đại học Hoa Sen - Mod’Art International Paris (2014) và là thạc sĩ chuyên ngành lý luận và lịch sử mỹ thuật, Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM (năm 2019). TS NGUYỄN ĐỨC SƠN nhận xét: “Những sơ đồ mô phỏng của tác giả cũng góp phần giúp độc giả hiểu rõ hơn về cấu trúc trang phục cũng như giá trị nghệ thuật của hình minh họa trong Grande Tenue de la Cour d’Annam”.

Trong giai đoạn triều Nguyễn đầu thế kỷ XX, nền văn hóa áo mũ được phát triển rất mạnh mẽ, làm ra nhiều trang phục độc đáo có giá trị mỹ thuật cao. Rất may cho hậu thế là những trang phục áo mũ thời kỳ này được lưu lại bằng nhiều hình thức, mà bộ tranh vẽ điêu luyện, tinh tế Đại Lễ phục triều đình An Nam của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân (sinh vào khoảng những năm 1830-1840, mất khoảng trước năm 1919) là một tài liệu quý giá còn tồn tại đến nay.

Các loại trang phục, nón mũ từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái hậu, cung giai, hoàng thái tử, hoàng tử, hoàng thân, công chúa, quan văn, quan võ cho đến binh lính được các nghệ nhân đương thời thực hiện rất công phu từ những nguyên phụ liệu cao cấp, họa tiết trang trí, kỹ thuật may… Bộ tác phẩm tranh không chỉ thể hiện tài năng vẽ tranh mà còn giúp độc giả hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp và vị thế của họa sĩ tài hoa. Từ đó tôn vinh, khẳng định sự đóng góp của họa sĩ cho nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX. 

Bức tranh Đại Nam Hoàng đế sắc phục tại vị (Hoàng đế nước Đại Nam trong trang phục thiết Đại triều) vẽ hoàng đế với thần thái sống động.
Bức tranh Đại Nam Hoàng đế sắc phục tại vị (Hoàng đế nước Đại Nam trong trang phục thiết Đại triều) vẽ hoàng đế với thần thái sống động.

Trong tác phẩm Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX, tác giả Trần Minh Nhựt thông qua việc nghiên cứu tỉ mỉ bộ tranh, soi chiếu với các tài liệu lịch sử đáng tin cậy và đa dạng khác để phản ánh ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật trong trang phục triều Nguyễn đầu thế kỷ XX. Tác giả đánh giá bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân mang ba giá trị về lịch sử (thể hiện nghệ thuật tạo tác áo mũ, thêu thùa, thư họa, nghi lễ hoàng cung...); về mỹ thuật (thể hiện các yếu tố mỹ thuật từ tâm linh, hoa văn trang trí, màu sắc và bố cục trang phục) và về văn hóa xã hội thời kỳ đầu tiếp cận nghệ thuật phương Tây của triều đình Huế nói riêng và xã hội An Nam nói chung.

* Thẩm mỹ trong phục trang

“Sự nhạy bén của Nguyễn Văn Nhân trong việc tiếp thu nghệ thuật tạo hình phương Tây đã cho ra đời những tác phẩm minh họa giàu cảm xúc và chân thực” - tác giả TRẦN MINH NHỰT viết.

Tác phẩm như một “phòng triển lãm tranh” đưa người xem đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi chiêm ngưỡng từng bức tranh đầy kỹ thuật, chi tiết, công phu các loại lễ phục, triều phục. Đọc chương 2 của sách: Ngôn ngữ đồ họa trong tạo hình minh họa áo mũ - Phân tích mỹ thuật học, công chúng tiếp nhận các luận điểm khoa học rõ ràng, mang tính thực tiễn của tác giả Trần Minh Nhựt - một người vốn có kinh nghiệm chuyên môn ngành lý luận và lịch sử mỹ thuật. Ông đồng thời có những phân tích sâu về mỹ thuật học, những đặc trưng thẩm mỹ trong bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân như nét vẽ uyển chuyển, tạo hình đồ họa, mảng màu, ánh sáng, tỷ lệ nhân thể…

Tiếp theo ở chương 3, bạn đọc không khỏi thú vị khi theo dõi phát hiện mới về sự tác động của dòng nghệ thuật phương Tây trong xu thế giao thoa Đông - Tây lúc bấy giờ. Cách thức, phong cách vẽ minh họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân có những nét tương đồng với hội họa, phong cách tạo hình Tây phương ở một số khía cạnh tạo hình, màu sắc…

Trải qua hơn 120 năm ra đời và lưu lạc xứ người cũng như hiện thuộc chủ sở hữu nước ngoài (thật đáng tiếc!), đến nay lần đầu tiên bộ tranh minh họa trang phục cung đình Huế này cũng được bạn đọc trong nước biết đến. Tác phẩm rất đáng trân trọng đối với những ai quan tâm đến lịch sử, văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Ngày nay, nhiều hiện vật thời Nguyễn cũng đang được lưu giữ và bảo quản tại các bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử TP.HCM hay Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Bộ tranh gần 2 tỷ đồng, sở hữu ẩn danh

Tranh Hoàng thân của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ năm 1902
Tranh Hoàng thân của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ năm 1902

Theo tác giả Trần Minh Nhựt cho biết bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào tháng 12-1902, dưới triều vua Thành Thái. Năm 1902 chính là thời điểm nhà Nguyễn tròn 100 năm khai sinh và bộ tranh được ra đời để kỷ niệm cho sự kiện trọng đại này. Họa sĩ vẽ tổng cộng 54 bức minh họa bằng màu nước trên giấy khổ 23,1x31,8cm.

Năm 2011, tin tức về bộ tranh vẽ minh họa Lễ phục của vua quan, binh lính nhà Nguyễn mặc trong lễ tế Nam Giao xuất hiện tại Santa Monica (California, Mỹ). Một người ẩn danh mua được bộ tranh với giá trên 700 triệu đồng. Tháng 10-2011, sàn đấu giá Sotheby’s công bố bán đấu giá bộ tranh và người mua được với giá gần 2 tỷ đồng. Danh tính người sở hữu được giữ kín.

Từ khoảng năm 2012, bộ tranh là sản phẩm gốc duy nhất xuất hiện và được giới thiệu tại Phòng Trưng bày quốc gia Singapore (NGS - National Gallery Singapore). Năm 2021, từ đề nghị hợp tác nghiên cứu của ông Trần Minh Nhựt, NGS hào phóng chia sẻ toàn bộ bản sao chụp ảnh kỹ thuật số sắc nét nguyên bản album tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân. Tác phẩm Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX xuất bản tại Việt Nam sử dụng hình ảnh tranh gốc với chất lượng cao này từ NGS.

C.Đ

Cẩm Điệp

Tin xem nhiều
giày Air Force 1 999+ Mẫu đồng phục công sở đẹp tại đây Thời trang vest trung niên xu hướng mới Thương hiệu giày công sở thoitranghaianh tuvi shop