Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàng Ân cổ tự - Tích xưa lưu dấu

07:03, 10/03/2023

Về chùa Hoàng Ân/Hoàng Ân cổ tự ở KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) ngày nay, còn nghe được tích xưa lý giải tên của ngôi chùa mấy trăm năm tuổi. Càng thu hút và thú vị hơn khi đã qua lớp bụi thời gian hàng mấy thế kỷ, nhưng đến nay, ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được những chứng tích gắn với các chi tiết trong sự tích.

Về chùa Hoàng Ân/Hoàng Ân cổ tự ở KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) ngày nay, còn nghe được tích xưa lý giải tên của ngôi chùa mấy trăm năm tuổi. Càng thu hút và thú vị hơn khi đã qua lớp bụi thời gian hàng mấy thế kỷ, nhưng đến nay, ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được những chứng tích gắn với các chi tiết trong sự tích. 

Mặt tiền của Hoàng Ân cổ tự
Mặt tiền của Hoàng Ân cổ tự

Năm 1726 được cho là năm xây dựng Hoàng Ân cổ tự. Như vậy, trong hành trình 325 năm hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, ngôi chùa này đã tồn tại 297 năm. Theo thông tin từ một số tài liệu, chùa do một thiền sư phái Lâm Tế tạo dựng. Hiện nay, chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

* Lưu truyền tích xưa mang đậm triết lý Phật giáo

Sự tích chùa Hoàng Ân vốn là dạng văn học truyền miệng trong dân gian nên có nhiều dị bản, nhưng chung quy lại có những chi tiết chính lý giải tên chùa.

Trong Địa chí Đồng Nai, Sự tích chùa Hoàng Ân được ghi nhận và kể rằng khi xưa có hai vợ chồng cùng mắc bệnh phong cùi đến xin tá túc ở chùa lá nhỏ trong làng Nhị Hòa. Sư trụ trì với lòng từ bi đã lập một cái lều nhỏ trong khuôn viên chùa để hai vợ chồng có nơi tá túc, dưỡng bệnh suốt mấy năm liền. Ngày ngày, đích thân sư trụ trì đem cơm cho họ ăn. Một hôm do bận đi hành hương xa, sư trụ trì căn dặn các đệ tử ở chùa chăm sóc cho đôi vợ chồng bị bệnh chu đáo. Thế nhưng, chú tiểu bưng cơm khi thấy hai vợ chồng bị bệnh ghẻ lở nên ghê tởm, khinh thường ra mặt. Do mặc cảm lẫn tủi thân, hai vợ chồng người khách liền nhảy xuống giếng trong chùa để tự vẫn.

Sự tích chùa Hoàng Ân mang màu sắc kỳ bí khi được hun đúc từ quan điểm tái sinh, luân hồi, với thông điệp nhân sinh là lấy triết lý nhân quả của nhà Phật làm chủ đạo. Theo đó, hoàng tử và công chúa có thể là hậu thân của đôi vợ chồng bị bệnh phong hủi trước kia đã nương nhờ ẩn dật nơi nhà chùa. Sự tích chùa qua năm tháng vẫn cứ được truyền tụng trong dân gian cùng bài học về lòng từ bi hỉ xả của Phật và hướng tâm mỗi người đến lối ứng xử nhân văn, khuyến thiện…

Khi vị sư trụ trì trở về chùa thì mọi việc đã an bài, thấy trong lều chỉ còn lại một ngón chân và một ngón tay. Sư trụ trì nhặt lấy gói lại bỏ vào hũ đặt dưới bàn Tổ. Trước khi viên tịch, sư dặn các đệ tử của mình khoảng 20 năm sau, nếu có ai đến chùa hỏi lại chuyện cũ thì trao cho họ cái hũ này.

Quả nhiên 20 năm sau, có hai người khách nam thanh nữ tú đến chùa hỏi dò về chuyện cũ. Các môn đệ theo lời dặn của sư tổ, xin xem rõ tay chân thì quả nhiên một người thiếu mất một ngón tay và một người thiếu mất một ngón chân, nên trả lại cái hũ cho họ. Hai vị khách đến trước Phật điện và bàn thờ Tổ thành tâm khấn nguyện rồi gắn ngón tay, ngón chân vào thì tự nhiên lại lành lặn nguyên vẹn.

Sau đó, nhà chùa nhận được sắc chỉ của nhà vua. Khi đọc xong sắc chỉ thì nhà chùa mới biết khách đến chùa là hoàng tử, cùng công chúa. Nhà vua gửi sắc chỉ là để tạ ơn nhà chùa. Từ đó, căn chùa lá ngày ấy mới cải đổi tên là chùa Hoàng Ân.

* Dấu ấn văn hóa của cổ tự

Vào năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phương Nam. Các di dân trong những năm tháng đầu tiên đã tốn nhiều công sức, trí tuệ, dùng bàn tay, khối óc, cùng tương trợ lẫn nhau để có thể tồn tại, khai phá và chinh phục vùng đất mới nhiều cam go, thử thách. Khi cuộc sống dần đi vào ổn định, làng xã quy củ hơn, ông cha ta quan tâm nhiều hơn đến việc lập đình, lập chùa, cùng các cơ sở thờ tự, làm phong phú hơn đời sống tinh thần cũng như các sinh hoạt cộng đồng. Chùa Hoàng Ân ở cù lao Phố sôi động, phồn hoa một thời là một trong những ngôi chùa lâu đời, gắn bó với vùng đất Biên Hòa từ những giai đoạn đầu. Thực tế, ban đầu, ngôi chùa này chỉ là một ngôi chùa làng nhỏ, qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo chùa có được sự khang trang, chỉn chu như ngày nay.

Sư trụ trì Hoàng Ân cổ tự Thích nữ Huệ Tâm cùng các sư trong chùa cho biết, ngoài ngôi chùa được xây dựng từ năm 1726 đến nay, khuôn viên chùa còn có giếng nước gắn với sự tích cùng cây dầu cổ thụ. Theo đó, suốt gần 300 năm qua, cây dầu vẫn tỏa bóng mát, còn giếng nước vẫn là mạch nước ngọt trong lành được nhà chùa sử dụng trong sinh hoạt thường ngày.

Anh Nghĩa, người làm công quả ở chùa Hoàng Ân suốt 10 năm nay cho hay, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng quen thuộc của người dân địa phương mà cả những phật tử phương xa, ngay cả kiều bào ở nước ngoài khi về thăm quê hương cũng ghé thăm viếng chùa và chiêm bái. Nhiều bạn trẻ, có cả các youtuber, khi hay sự tích về ngôi chùa mấy trăm năm tuổi này cũng đến tìm hiểu và quảng bá trên mạng xã hội để nhiều người biết về ngôi cổ tự này hơn nữa.

Sự tích chùa Hoàng Ân không chỉ lý giải về tên gọi của di tích mà còn thổi hồn cho di tích. Chính việc lấy các di tích, cơ sở tín ngưỡng, thờ tự - vốn là vật chất hữu tình ở địa phương, làng xã - khi được tích hợp với sự tích, câu chuyện dân gian, càng làm cho di tích, cơ sở ấy có sức sống lâu bền, cội rễ trong đời sống tinh thần của người dân, từ đó trở thành thực tế sinh động mang đậm tính văn hóa.    

Lâm Viên

Tin xem nhiều