Trong lịch sử mở đất phương Nam, dân tộc mãi ghi ân Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công định danh 2 vùng đất Trấn Biên, Phiên Trấn cũng như giữ vững cõi bờ đất nước ở phía Nam.
Trong lịch sử mở đất phương Nam, dân tộc mãi ghi ân Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công định danh 2 vùng đất Trấn Biên, Phiên Trấn cũng như giữ vững cõi bờ đất nước ở phía Nam.
Tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Vĩnh Huy |
Điều đặc biệt, hành trình mở cõi của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh rất nhân văn. Theo lưu truyền trong dòng họ Nguyễn Hữu, Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh là con trai thứ 3 của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật. Trong khi 2 người anh lớn là Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Dũng giống cha có dáng người cao lớn, trắng trẻo thì Nguyễn Hữu Cảnh vóc người thấp đậm, nước da bánh mật, nhân ông sinh năm Dần (1650) nên có biệt hiệu là Hắc Hổ. Tính ông rất hào sảng, thường quan tâm đến mọi người xung quanh, thích kết giao bạn bè khắp nơi không phân biệt sang hèn, địa vị, trong số đó có một nhà sư rất giỏi võ nghệ.
* Nước non binh lửa
Năm Kỷ Mùi 1679, một số tướng lĩnh cũ của nhà Minh do không thần phục nhà Thanh nên tìm đến nương nhờ chúa Nguyễn. Nhóm này đến cửa biển Tư Dung (Đà Nẵng) với 50 chiến thuyền cùng hơn 3 ngàn binh lính và gia đình. Điều này đặt chúa Nguyễn Phúc Tần vào thế khó xử bởi lúc ấy, nước ta đã có bang giao chính thức với nhà Thanh…
Sau nhiều phen bàn bạc, chúa Nguyễn đã có kế sách vẹn toàn. Lúc ấy địa giới hành chính chính thức của nước ta chỉ đến bờ trái sông Phan Rang, nên chúa đề nghị Ang Nan (vị phó vương nước Chân Lạp đang được chúa Nguyễn bảo vệ) chia cấp đất cho nhóm tướng lĩnh này vào làm ăn sinh sống quanh vùng đất Prei Nokor (tức Sài Gòn ngày nay) và Ang Nan đồng ý.
Từ đó, nhóm Trần Thượng Xuyên đến vùng Kâmpéâp Srêkatrey (Biên Hòa) còn nhóm Dương Ngạn Địch xuống vùng Peam Mesar (Mỹ Tho). Hai nhóm người Hoa định cư, sinh sống ổn định và sau đó phát triển vùng đất mới thịnh vượng rực rỡ, trong đó cù lao Phố trở thành thương cảng bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ.
Đang yên ổn làm ăn, năm 1688, phó tướng Hoàng Tiến nổi loạn, giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch, chiếm cứ vùng đất Mỹ Tho, tự xưng là Phấn dũng Hổ oai tướng quân. Chính vương Chân Lạp là Ang Saur nương cơ hội, hủy bỏ việc triều cống, đồng thời đắp 3 lũy Bích Đôi, Cầu Nam, Nam Vang, rồi giăng xích sắt ngăn cửa sông để cố thủ, đối kháng với chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Trăn nổi giận, cử Thống binh Mai Vạn Long vào đánh dẹp.
Lúc này, lại xuất hiện một nhân vật đẩy cục diện chính trường phía Nam trở nên ly kỳ như truyện Tam Quốc, đó là nàng Chiêm Dao Luật. Tương truyền, nàng Dao Luật vừa xinh đẹp, có giọng nói quyến rũ lại vừa có tài hùng biện, không biết nàng giữ vị trí gì ở cung đình Chân Lạp nhưng trước sau 3 lần nàng được Chính vương Ang Saur cử làm sứ giả tiếp xúc với các tướng nhà Nguyễn. Lần đầu tiên, nàng xin gặp Hoàng Tiến, dùng kế khích tướng và có lẽ có cả mỹ nhân kế khích bác Hoàng Tiến đối đầu với Mai Vạn Long, ý đồ sâu xa bên trong là nếu các tướng nhà Nguyễn như trai cò đánh nhau thì Chân Lạp sẽ làm ngư ông hưởng lợi.
Tuy nhiên, Mai Vạn Long quả là tướng tài, dùng lối đánh bất ngờ và nhanh chóng giết được Hoàng Tiến, sau đó cùng với tướng tiên phong là Trần Thượng Xuyên tiến đánh Chân Lạp, hạ 3 lũy Bích Đôi, Cầu Nam, Nam Vang…
“Bổn cũ soạn lại”, Ang Saur tiếp tục cử người đẹp Dao Luật đến gặp Mai Vạn Long. Nàng đổ thừa cống lễ trước đó bị Hoàng Tiến cướp bóc, vì thế xin chậm cống nộp, thực tế là “kéo dây thun” trì hoãn để Ang Saur củng cố lại binh lực. Sa vào mỹ nhân kế, Mai Vạn Long dừng tiến quân, làm lỡ việc được chúa giao phó. Năm 1690, Mai Vạn Long bị chúa Nguyễn cách chức, Thống suất Nguyễn Hữu Hào vào thay thế.
Nguyễn Hữu Hào nhận nhiệm vụ, đóng quân ở lũy Bích Đôi, bày binh bố trận, thủy bộ dựa nhau, quân lệnh nhịp nhàng nghiêm chỉnh, binh tướng đều phục tùng. Tháng 5-1690, Nguyễn Hữu Hào vâng lệnh chúa, yêu cầu Chân Lạp cống 50 con voi đực, 500 lượng vàng, 2 ngàn lượng bạc, 50 tòa tê giác. Lần thứ 3, Ang Saur cử nàng Chiêm Dao Luật đến “năn nỉ”. Biết Nguyễn Hữu Hào là vị “nho tướng”, nàng ca tụng ông là người nhân nghĩa, ắt sẽ không bức người trước nguy nan, rồi lại xin chậm nạp cống. Mềm lòng trước lời ngon tiếng ngọt, Nguyễn Hữu Hào bảo: “Họ đã về với ta mà ta lại đánh, đó là bắt chẹt người trong lúc nguy, không phải là võ”, vì thế không tiến đánh mà lui quân về Bà Rịa. Chúa Nguyễn nổi trận lôi đình, tháng 8-1690, Nguyễn Hữu Hào bị triệu về Thuận Hóa luận tội và cách hết chức tước.
Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. |
Liên tiếp mất 2 vị tướng giỏi ở phía Nam, trong khi đó Chính vương Chân Lạp Ang Saur nhiều lần đưa quân đánh phá, cướp bóc, tháng 10-1699, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh bình định Chân Lạp. Lúc này, Nguyễn Hữu Cảnh vừa hoàn thành nhiệm vụ kinh lược xứ Đồng Nai (năm 1698), xác lập chủ quyền qua việc lập 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, thiết lập bộ máy hành chính, chiêu mộ lưu dân, phân ruộng đất, định ngạch tô thuế. Kế sách đưa dân lưu tán từ Ngũ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Đức, tức Thừa Thiên - Huế ngày nay) vào lập nghiệp ở 2 dinh mới rất thành công, giải quyết được bài toán nguồn nhân lực nơi vùng đất mới, nhờ đó đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân cư thành lập mới hơn 4 vạn hộ.
* Cuộc chinh phục nhân văn
Khác với tướng Mai Vạn Long “tốc chiến tốc thắng”, cũng khác với anh cả Nguyễn Hữu Hào chủ trương “yên vỗ người xa”, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh trước hết đóng quân ở vùng Tân Châu (An Giang ngày nay), cho nạo vét kênh mương khơi rộng nhánh sông Tiền rẽ qua sông Hậu vừa thông luồng cho thủy quân di chuyển vừa lấy nước cho dân khai khẩn ruộng đất. Dọc theo đường tiến quân, ông chú trọng công tác khuyến nông, sử dụng kế sách “Dĩ binh ư nông, dĩ nông ư binh” (Dùng binh làm nông và dùng nông làm binh) rất được lòng dân. Nhờ vậy, ông được dân ủng hộ, uy thế của quân Nguyễn tăng cao.
Tháng 2-1700, Nguyễn Hữu Cảnh tiến quân vào Chân Lạp. Mỗi khi tấn công, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh mặc nhung phục, đích thân đứng trên đầu thuyền, vung gươm vẫy cờ đốc quân tiến đánh khiến quân của Ang Saur khiếp vía kinh hồn.
Tháng 3-1700, Ang Saur bỏ thành trốn chạy, một người cháu mở cửa thành đầu hàng, Chân Lạp xin thần phục và nộp cống như trước. Nguyễn Hữu Cảnh ban lệnh vỗ an dân chúng, ông cũng thường ghé vào các thôn xóm người Việt, người Hoa và phum sóc người Khmer thăm hỏi dân, viếng chùa chiềng trò chuyện với các sư sãi, khuyến khích mọi người làm ăn, mở rộng canh tác và giao thương, giữ tình thân thiện, tối lửa tắt đèn có nhau, vì vậy được dân chúng bất kể dân tộc nào cũng đều yêu mến.
Tháng 4-1700, Nguyễn Hữu Cảnh cho lui quân về cồn Cây Sao (An Giang ngày nay), lúc này ông đã nhuốm bệnh. Ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5-5, ông gượng dậy khao thưởng quân sĩ, trở về thì bệnh tình nặng hơn. Ông hạ lệnh cho quân trở về dinh Trấn Biên, nhưng ngày 9-5 khi thuyền mới về đến Tiền Giang thì ông mất. Theo ý nguyện của ông, các tướng sĩ tiếp tục đưa thi hài của ông về Trấn Biên, ngày 16-5 thì đến nơi, sau đó ông được táng ở gò Y Lăng (nay thuộc P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) trong sự tiếc thương vô hạn của các tướng sĩ và người dân Trấn Biên. Mãi đến năm 1802, một hậu duệ dòng họ Nguyễn Hữu là Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh mới vào Đồng Nai đưa thi hài Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh về cải táng ở Thác Ro, Quảng Bình.
Hà Lam