Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi hạnh phúc là sự cho đi

08:11, 26/11/2022

Tốt nghiệp Đại học Harvard (Hoa Kỳ), trở về nước làm quản lý tại một tập đoàn nước ngoài với mức lương hậu hĩnh nhưng sau đó ông Huỳnh Hạnh Phúc lại quyết định thực hiện các dự án xã hội.

Ông Huỳnh Hạnh Phúc
Ông Huỳnh Hạnh Phúc

Tốt nghiệp Đại học Harvard (Hoa Kỳ), trở về nước làm quản lý tại một tập đoàn nước ngoài với mức lương hậu hĩnh nhưng sau đó ông Huỳnh Hạnh Phúc lại quyết định thực hiện các dự án xã hội. Là người sáng lập kiêm Chủ tịch Teach for Vietnam (chương trình phát triển năng lực lãnh đạo trẻ hướng đến giáo dục bình đẳng), CEO của Công ty CP Green Connect, ông Phúc cho hay các dự án của mình đều hướng đến doanh nghiệp (DN) xã hội. Ngoài mục đích kinh doanh, điều quan trọng với một DN xã hội là giúp cộng đồng cùng phát triển.

Trong tương lai, Green Connect sẽ tiếp tục có những chương trình, dự án hướng đến cộng đồng vì “hạnh phúc là khi được thấy mọi người cùng hạnh phúc”.

Xây dựng hệ sinh thái DN xã hội

 Vì sao đang làm việc tại một công ty lớn và có nhiều triển vọng, ông lại rẽ ngang thực hiện các dự án hướng tới đóng góp cho cộng đồng?

- Năm 2015, tôi về nước sau thời gian làm việc, học tập ở Hoa Kỳ. Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống hiếu học ở miền Trung, may mắn có được cơ hội học tập ở cả 2 nền giáo dục. Với hành trang là sự khai sáng, cảm hứng và thấu hiểu, tôi quay về nước với hy vọng đóng góp chút sức lực của mình cho Việt Nam thông qua giáo dục.

Tôi biết đến Teach for All và tìm hiểu về làn sóng giáo dục này tại 40 nước trên thế giới. Và dần hình thành trong tôi một ý tưởng mang lại cơ hội giáo dục hoàn thiện đến cho mọi trẻ em thông qua nhấn mạnh kỹ năng lãnh đạo, chủ động trong giảng dạy và giúp mang đến cho Việt Nam một nền giáo dục bình đẳng, thực tiễn và hoàn thiện trong kỷ nguyên mới. Vì vậy tôi đã liên hệ với Teach for All và bắt đầu cùng nhau trao đổi ý kiến. Từ đó tôi cũng bắt đầu dấn thân vào hành trình giáo dục này. Tôi ký kết bản ghi nhớ với Teach for All. Điều này đồng nghĩa Teach for All nhìn thấy các tiềm năng ở tôi và đội ngũ, nên muốn hỗ trợ chúng tôi trong việc thành lập Teach for Vietnam.

 Từ giáo dục, ông đã mở rộng ra lĩnh vực khác cũng hướng tới những giá trị đóng góp cho xã hội, cụ thể là gì?

- Chúng tôi đang có Công ty CP Green Connect nhằm mục tiêu xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ xanh.

Hiện ông HUỲNH HẠNH PHÚC đã gọi vốn được khoảng 12 tỷ đồng cho 4 dự án hướng tới xã hội của Công ty CP Green Connect. Trong đó, bao gồm vốn góp từ các cổ đông, tài trợ từ quỹ phi lợi nhuận, nguồn vay từ bạn bè, người thân với lãi tính bằng nông sản tạo ra từ các dự án. Nhiều đơn vị, đối tác cũng từng bước quan tâm hơn đến các dự án và tạo cơ hội để phát triển về lâu dài. Bên cạnh đó, hàng năm, chương trình Teach for Vietnam cũng đang được vận hành với kinh phí từ 10 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, Noda là sàn thương mại điện tử hiện cung cấp hơn 500 sản vật địa phương, sản phẩm tiêu dùng không hóa chất độc hại và chế phẩm sinh học tự nhiên an toàn. Noda hỗ trợ đầu ra cho hàng chục nhà cung cấp là nhóm khởi nghiệp nông nghiệp sạch, cộng đồng yếu thế trong xã hội và nhóm sản xuất giảm tác động môi trường. Mục tiêu của dự án là mang nông sản sạch từ người tử tế đến mỗi bàn ăn gia đình Việt. Green Points Vietnam là một ứng dụng khuyến khích lập các chiến dịch sống xanh bằng cách tặng điểm thưởng cho các hành động xanh và chạy các chiến dịch trạm xanh để nhận rác, đổi quà... Mô hình trạm xanh đầu tiên ở Đà Nẵng, rồi TP.HCM và Hà Nội. Tiếp đến là việc phát triển các podcast về môi trường, về sống xanh cùng với các đối tác và cộng đồng. Dự án thứ 3 là Kompovi, dự án chế tạo máy ủ phân hữu cơ này đã chuẩn bị đủ các điều kiện để tiến tới sản xuất hàng loạt, cung ứng ra thị trường.

Mới đây nhất, chúng tôi thực hiện dự án Larva Yum nhằm nâng vòng đời rác hữu cơ thành protein cho chăn nuôi. Dự án này đang được đẩy mạnh để cho ra sản phẩm trứng gà sạch chất lượng cao, hợp tác với các đối tác nhằm tạo sinh kế bền vững cho nông dân.

 Về dự án Larva Yum, dự án này đang được triển khai thực hiện tại Đồng Nai, xin ông cho biết cụ thể thêm?

- Các thành phố của chúng ta hiện có quá nhiều rác mà đến 70% là rác hữu cơ. Rác từ nhà hàng, quán ăn, nhà máy chế biến, các chợ nông sản đang được các công ty vệ sinh môi trường thu gom về bãi rác để chôn lấp hoặc đốt, vừa ô nhiễm vừa lãng phí. Larva Yum ra đời giúp chúng tôi ứng dụng vi sinh và ấu trùng ruồi lính đen, một loại côn trùng có lợi cho môi trường để xử lý rác hữu cơ thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà nông.

Nhãn hàng Kinh Đô khảo sát, mở rộng dự án Larva Yum tại H.Vĩnh Cửu
Nhãn hàng Kinh Đô khảo sát, mở rộng dự án Larva Yum tại H.Vĩnh Cửu

Đối tác hiện tại tham gia chương trình xử lý rác của chúng tôi là các cửa hàng Pizza, gà rán, nhà hàng... cùng cam kết giảm dấu chân carbon trong các hoạt động bán lẻ. Chúng tôi cũng đã ký kết hợp tác với Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam để sử dụng nguồn phế liệu của họ. Tại Đồng Nai, một trang trại chăn nuôi gà được thực hiện ở H.Vĩnh Cửu nhằm tạo ra dòng gà và trứng gà sạch, chăn nuôi thân thiện môi trường được nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen và dược liệu, cám, bắp, bột, ủ cùng men vi sinh. Sản phẩm của dự án này sẽ có chất lượng cao, cung ứng cho khách hàng yêu thích thực phẩm sạch, thân thiện môi trường và cũng được Kinh Đô sử dụng nên tương lai rất tiềm năng.

Hạnh phúc là được cho đi

 Làm DN xã hội có khó không, thưa ông?

- Lúc mới về Việt Nam, tôi ấp ủ rất nhiều dự án liên quan đến xã hội, cộng đồng và môi trường nên bắt tay vào triển khai. Nhưng từ ý tưởng ấp ủ đến triển khai thực hiện và thành công hay không còn là một câu chuyện dài.

“Với dự án Larva Yum, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực để người nuôi gà, tương lai là các vật nuôi khác, gia tăng phúc lợi cũng như truyền cảm hứng cho các phong trào khởi nghiệp từ rác thải” - ông HUỲNH HẠNH PHÚC nói.

Dù dành nhiều tâm huyết, công sức bỏ ra không ít nhưng các dự án của tôi đã không gọi được vốn. Lý do một phần vì mô hình còn quá mới, một phần chưa đủ thuyết phục nhà đầu tư về khả năng sinh lời. Trong đó có dự án đã vào đến vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp Green Points nhưng cũng gọi vốn thất bại. Dù thế, thất bại không có nghĩa là mình nản chí, có làm thì mới biết được mình vướng mắc ở đâu để tháo gỡ. Tới hiện tại, dù chưa thể nói là mĩ mãn nhưng các dự án của chúng tôi đã xây dựng được những nền tảng tốt cho sự phát triển về sau. Vấn đề hiện nay, hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của nhà đầu tư, tham gia của cộng đồng để sức lan tỏa ngày một lớn hơn.

Khó khăn chắc chắn sẽ còn nhiều, chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội, xây dựng và phát triển hệ sinh thái, phát triển kinh tế toàn diện cho các đối tượng yếu thế nhằm giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

 Làm DN rất vất vả, đặc biệt là DN xã hội. Sau cùng cái đáng quý mà ông nhận được về mình là gì?

- Thực tế, là DN xã hội nên chúng tôi cam kết trích một phần lớn lợi nhuận vào tái đầu tư và một phần trong đó với những mục tiêu xã hội, cộng đồng. Khó khăn, công sức bỏ ra rất lớn nhưng tôi luôn cảm thấy mình nhận được nhiều hơn cái mình trao đi. Ngay từ đầu, những khoản tiết kiệm dành dụm được trong quá trình làm ở công ty cũ, từ tiền học bổng, những năng lượng, vật chất mà tôi bỏ vào, tôi luôn nhận được nhiều hơn thế. Khi đã có chút ít thành tựu, tôi cũng không nghĩ đó là thành công của riêng mình. Hay định nghĩa thành công là gì mà luôn mong muốn từng ngày sẽ được phấn đấu nhiều hơn, cùng cộng động làm những việc có ích, cống hiến và cùng nhau vì một phong trào tốt đẹp.

 Xin cảm ơn ông!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều