Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn vùng đất ngập nước là cấp bách để bảo vệ loài sếu

08:10, 29/10/2022

ThS Nguyễn Hoài Bảo có hơn 15 năm làm tình nguyện viên cho các tổ chức quốc tế và Đông Nam Á về bảo tồn động vật hoang dã. Anh hiện là giảng viên bộ môn Sinh thái - sinh học tiến hóa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất ngập nước, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).

ThS Nguyễn Hoài Bảo. Ảnh: NVCC
ThS Nguyễn Hoài Bảo. Ảnh: NVCC

ThS Nguyễn Hoài Bảo có hơn 15 năm làm tình nguyện viên cho các tổ chức quốc tế và Đông Nam Á về bảo tồn động vật hoang dã. Anh hiện là giảng viên bộ môn Sinh thái - sinh học tiến hóa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất ngập nước, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Dành tình yêu rất nhiều đối với sếu đầu đỏ, loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng, theo anh Bảo, vài năm nay, việc đàn sếu đầu đỏ không về lại vùng đất Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) đã đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Công cuộc bảo tồn những vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài động vật, chim quý hiếm, trong đó có sếu đầu đỏ đang là bài toán nan giải.

* Tình yêu với sếu đầu đỏ

* Trước hết, anh có chia sẻ gì đặc biệt về loài chim sếu? Vì sao anh lại dành thời gian nhiều đến vậy với loài chim này?

- Tôi bắt đầu nghiên cứu chim từ năm 1999 khi còn là sinh viên đại học năm thứ 3. Qua vài năm tìm hiểu, tôi biết vẻ đẹp và sự đa dạng các loài chim ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều người yêu thiên nhiên trên thế giới. Trong số đó, tôi đặc biệt chú ý đến sếu và hành trình theo chân sếu của tôi bắt đầu.

Thực ra, tôi có mơ ước là đi đến những thành phố gắn liền với con sông Mê Kông và đi đến các cửa sông của đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi tốt nghiệp tôi làm công việc bảo tồn. Tôi thích du lịch, rồi làm du lịch. Trong mười mấy năm đi lại, tôi nhận thấy vùng đất đẹp đẽ này thay đổi quá nhiều. Làm sao để xây dựng đời sống con người quanh dòng Mê Kông phát triển tốt hơn, bền vững hơn là câu hỏi đặt ra rất tự nhiên và thường trực đối với tôi.

“Doanh nghiệp của chúng tôi bên cạnh các chương trình du lịch sinh thái thì còn có các dự án về đánh giá tác động môi trường, tham gia bảo tồn môi trường tại các địa phương cũng như tham vấn chính sách để giúp cho việc bảo vệ môi trường được tốt hơn” - ThS NGUYỄN HOÀI BẢO chia sẻ.

Sếu đầu đỏ là loài chim bay có kích thước cao nhất thế giới, là loài chim rất đẹp. Các loài sếu trên thế giới nói chung đều rất đẹp, nhóm này gồm 15 loài, trừ Nam Mỹ, các châu lục khác đều có sếu.

Riêng về loài sếu đầu đỏ (Sarus Crane), bắt đầu từ cái tên của nó, từ Sarus trong tiếng Ấn Độ, nghĩa là đầm lầy. Môi trường sống của sếu là các vùng đất ngập nước (wetland), vì vậy sếu là con chim biểu tượng cho vùng đầm lầy. Cho nên, bảo vệ con sếu cũng là giữ được những vùng đầm lầy, những vùng đất ngập nước tự nhiên.

Để loài sếu có thể sinh sôi và phát triển chính là chỉ dấu cho thấy chúng ta đã bảo tồn được những vùng đất ngập nước như: đầm lầy, đồng cỏ tự nhiên.

* Sếu đầu đỏ đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Thực trạng cụ thể tại Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay ra sao, thưa anh?

- Quần thể sếu đầu đỏ ở vùng Mê Kông (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 cá thể sếu đầu đỏ, song đến năm 2020 ước tính còn dưới 200 cá thể và có chiều hướng suy giảm quần thể rất nhanh. Với đà suy giảm như vậy, dự đoán trong khoảng 5 năm nữa, quần thể này sẽ biến mất nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ.

* Có một số năm gần đây, loài sếu đã không về các vùng đất ngập nước. Điều đó báo hiệu nguy cơ gì đối với đa dạng sinh học của chúng ta?

- Sự sụt giảm của đàn sếu ở Việt Nam và cả Campuchia cho thấy môi trường sinh thái tự nhiên đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước tự nhiên và khu vực sản xuất nông nghiệp.

Do phát triển kinh tế, sinh cảnh sống của sếu bị tàn phá quá nhanh trong 10 năm gần đây, xảy ra ở cả 2 nước. Phía Bắc Campuchia và Tây nguyên Việt Nam từng là những khu rừng khộp rộng lớn - nơi sếu sinh sản - giờ trở thành rẫy cao su, mía, điều… Đồng cỏ ngập nước quanh Biển Hồ khi trước là vùng đất hoang hoặc trồng lúa một vụ, nay hầu hết đang trồng lúa 2-3 vụ. Đồng bằng sông Cửu Long thì chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa và lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã làm phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại. Tại các khu bảo tồn, việc trồng rừng không phù hợp cũng dẫn đến sự biến mất của loài sếu ở Việt Nam.

Đó là một điều rất đáng ngại. Kết cục rất buồn này đã được chúng tôi liên tục cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng chưa được cấp thẩm quyền quan tâm và càng ngày, vấn đề càng nghiêm trọng.

* Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường

* Nhìn rộng ra, việc bảo vệ động vật hoang dã của chúng ta đã thực sự tốt chưa? Theo anh, cần có các giải pháp cấp bách nào, cả phía Nhà nước lẫn phía cộng đồng?

- Khi môi trường tự nhiên đã thay đổi, rất khó để khôi phục lại hoặc rất tốn kém. Bảo vệ đa dạng sinh học cần có sự tham gia của cả xã hội mà nhà nước là các cấp quản lý liên quan phải đi đầu cũng như tạo cơ chế tham gia từ nhiều thành phần. Các doanh nghiệp cần có những hoạt động bảo tồn để “đền trả” những ảnh hưởng đã gây ra. Theo cơ chế hiện nay, chỉ có việc thành lập các khu bảo tồn càng nhiều càng tốt thì mới hy vọng bảo vệ được hệ sinh thái và các loài động vật hoang dã.

Hy vọng với sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là quần thể dân cư quanh những vùng đất ngập nước ấy, thập kỷ tới, môi trường sẽ “gửi lại” cho chúng ta những dấu hiệu tích cực.

Gia đình sếu trong một đợt di cư về Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)
Gia đình sếu trong một đợt di cư về Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)

* Ngoài việc là người “đếm sếu”, bôn ba khắp nơi với công tác bảo tồn thì anh còn có cho mình Công ty TNHH Nghiên cứu và du lịch Hoang Dã. Hoạt động của công ty có gì bổ trợ cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn hay không, thưa anh?

- Ngày nay, thế giới đang khai thác thiên nhiên theo cách lâu dài và bền vững, trong khi thiên nhiên chúng ta thì bị bỏ ngỏ cho nạn săn bắt và tận diệt thiên nhiên nói chung và các loài chim nói riêng. Chúng ta vẫn thường hô hào người dân bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học nhưng không thể hiện cho cộng đồng biết được bảo tồn như thế thì có lợi gì. Các hoạt động du lịch sinh thái góp phần giúp người dân, du khách hiểu điều đó.

Hơn thế, tình yêu thiên nhiên và thói quen từ du khách có thể làm lay chuyển người dân địa phương. Từ đó, họ sẽ quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường sống của chim và muôn loài khác. Với mục tiêu như vậy, doanh nghiệp chúng tôi được thành lập ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận chính đáng còn mong ước góp sức vào việc ngiên cứu và bảo vệ thiên nhiên.

* Rừng, hay nói cách khác là nơi sinh sống của các loại động thực vật, đang bị ảnh hưởng mạnh bởi các hoạt động kinh tế của con người. Giữa phát triển kinh tế và bảo vệ sự đa dạng của sinh học, theo anh cần có ứng xử như thế nào?

- Phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học là hai mệnh đề được nhắc đến thường xuyên. Ở đâu cũng xảy ra những quan điểm bảo tồn hay không bảo tồn. Hoặc bảo tồn hay phát triển kinh tế? Song song với những nhận thức tiến bộ và sự hiểu biết về tính nhất quán của việc bảo vệ môi trường thì vẫn còn có sự lựa chọn ưu tiên phát triển kinh tế, bảo vệ túi tiền, dù biết ảnh hưởng xấu đến môi trường. Quan trọng là chúng ta chọn như thế nào. Điều này cần cái cái nhìn đa diện để có thể lựa chọn phương án tốt nhất. Đối với cá nhân tôi thì ưu tiên phát triển bền vững bởi mỗi một sự mất mát bây giờ sẽ rất lâu, thậm chí không bao giờ phục hồi được.

* Xin cảm ơn anh!

9 khu đất ngập nước (Ramsar) của Việt Nam được thế giới công nhận:

• Vườn quốc gia Xuân Thủy - tỉnh Nam Định

• Vùng đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên - tỉnh Đồng Nai

• Hồ Ba Bể - tỉnh Bắc Kạn

• Vườn quốc gia Tràm Chim, H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp

• Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

• Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

• Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An

• Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

• Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - tỉnh Ninh Bình

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích