Báo Đồng Nai điện tử
En

Để học sinh không dùng điện thoại ''giết'' thời gian

08:10, 22/10/2022

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc học không thể thiếu các thiết bị thông minh. Do đó, theo tôi ngoài việc cân nhắc nên hay không cho học sinh sử dụng điện thoại, thì các trường, các giáo viên cần có giải pháp làm thế nào để học sinh ngồi học trong lớp không phải dùng điện thoại để "giết" thời gian, mà tìm được sự hứng thú trong mỗi giờ học, yêu thích tiết học, yêu thích sự truyền thụ kiến thức của mỗi giáo viên.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc học không thể thiếu các thiết bị thông minh. Do đó, theo tôi ngoài việc cân nhắc nên hay không cho học sinh sử dụng điện thoại, thì các trường, các giáo viên cần có giải pháp làm thế nào để học sinh ngồi học trong lớp không phải dùng điện thoại để “giết” thời gian, mà tìm được sự hứng thú trong mỗi giờ học, yêu thích tiết học, yêu thích sự truyền thụ kiến thức của mỗi giáo viên. Điều này, cần sự chủ động làm mới kiến thức, đổi mới phương pháp dạy của giáo viên để lôi cuốn, hấp dẫn các em, dẫn dụ các em vào tiết học một cách sôi nổi…

Một thực tế hiện nay, việc dạy và học trong trường công chủ yếu là học “chay”, nhất là giờ thực hành trong các môn Lý, Hóa, Sinh… Những bài thực hành nhưng được giáo viên giảng bằng lời, thiếu hình ảnh minh họa, thiếu cả thao tác thực hành trực tiếp khiến bài giảng trở nên khô cứng, khó hiểu, khó nhớ. Trong điều kiện như thế, giáo viên có thể thu hút học sinh của mình vào tiết học, cùng nhau “thực hành” bằng cách xem bài thực hành qua một số đoạn video trên các website giáo dục là một cách giảng và dạy tích cực, chủ động. Đây cũng là một cách giúp học sinh không “ghiền” điện thoại trong lớp.

Cách đây hơn 40 năm, khi tôi còn học THCS, thời ấy đất nước còn nghèo, trường lớp thiếu, trang thiết bị, dụng cụ học tập cũng rất thiếu, nhưng thầy giáo dạy môn sinh vật của chúng tôi thường xuyên cho cả lớp thực hành tại chỗ. Khi học về sự phát triển của cây lúa, thầy đã đạp xe ra cánh đồng xin mấy cây mạ, cây lúa chưa trổ đòng, cây lúa đã trổ đòng, rồi thầy ra chợ xin một nắm hạt thóc và mang từ nhà đi một nắm gạo… Từ những “nguyên liệu” thực hành có được, thầy cho chúng tôi xem cách phát triển từ một hạt thóc, thành một hạt gạo trải qua những giai đoạn nào… và giúp chúng tôi hình dung rất dễ dàng, nhớ rất lâu.

Cho nên, suy cho cùng tất cả đều phụ thuộc vào cái tâm và sự sáng tạo của người thầy trong giảng dạy. Nếu giáo viên có phương pháp giảng dạy chủ động, sáng tạo thì chúng ta không cần phải bàn bạc, cân nhắc việc nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học.

An Nhiên (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều