Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nữ cán bộ trại giam tận tâm

09:10, 21/10/2022

Dù làm công tác trong môi trường đặc biệt, đối tượng tiếp xúc đều là bị can và phạm nhân nhưng các nữ cán bộ, quản giáo trong các trại giam vẫn vượt lên khó khăn, tận tâm giúp những người sa chân vào con đường phạm tội, sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Dù làm công tác trong môi trường đặc biệt, đối tượng tiếp xúc đều là bị can và phạm nhân nhưng các nữ cán bộ, quản giáo trong các trại giam vẫn vượt lên khó khăn, tận tâm giúp những người sa chân vào con đường phạm tội, sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Thượng úy Bùi Thị Huyền Mi và đại úy Nguyễn Thị Ngọc (Trại giam Xuân Lộc) trao đổi một số nội quy trước khi phạm nhân bắt tay vào làm việc. Ảnh: T.Tâm
Thượng úy Bùi Thị Huyền Mi và đại úy Nguyễn Thị Ngọc (Trại giam Xuân Lộc) trao đổi một số nội quy trước khi phạm nhân bắt tay vào làm việc. Ảnh: T.Tâm

* Gieo mầm lương thiện

Từ sáng sớm, khi các buồng giam tại Phân trại số 5, Trại giam Xuân Lộc (nơi giam giữ các  nữ phạm nhân) mở ra cũng là lúc hơn 580 phạm nhân nữ đã quần áo chỉnh tề chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Đây cũng là thời điểm các nữ cán bộ, quản giáo trong trại giam kiểm tra quân số ở các buồng giam.

Thượng úy Bùi Thị Huyền Mi ân cần hỏi thăm các tổ trưởng phạm nhân về tình hình sức khỏe cũng như tâm tư, nguyện vọng của những phạm nhân sau một đêm nghỉ ngơi. Khi nghe báo cáo mọi vấn đề diễn ra trong buồng giam đêm qua ổn định, thượng úy Huyền Mi mới thở phào nhẹ nhõm và bắt đầu những công việc hằng ngày của một nữ cán bộ trại giam.

Thượng úy Huyền Mi kể, sau khi ra trường, chị được phân công làm trinh sát tại Phân trại số 5 đến nay đã hơn 9 năm. Nhiệm vụ chính là kiểm tra buồng giam, tìm hiểu sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của các phạm nhân và tham gia tuyên truyền pháp luật, dạy nghề cho những phạm nhân nữ nơi đây.

Trung tá TRẦN KHẮC ĐIỆP, Phó giám thị Trại giam Xuân Lộc cho biết, cán bộ nữ tại trại giam rất vất vả khi phải hoàn thành công việc tại trại giam và chu toàn gia đình. Ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ, họ còn phải quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ phạm nhân nhận biết lỗi lầm và cải tạo tốt.

“Tôi không chỉ kiểm tra mọi vấn đề sinh hoạt của phạm nhân mà còn phải hiểu sâu hơn về tâm tư của họ, nhất là những người mới nhập trại hoặc những người chịu án chung thân. Bởi lẽ khi bị giam, mỗi phạm nhân đều có sự thay đổi tâm tư, tính tình hằng ngày. Nếu nắm bắt và giải quyết kịp thời thì sẽ giúp trấn an tâm lý họ tốt hơn và công tác quản lý tại trại cũng dễ dàng” - thượng úy Huyền Mi cho hay.

So với các nữ phạm nhân, thượng úy Huyền Mi còn non trẻ về tuổi đời nhưng mọi hành động, cử chỉ điềm đạm, chín chắn và sự khéo léo đã khiến thượng úy Huyền Mi được hầu hết các phạm nhân tin tưởng, quý mến. Đa số nữ phạm nhân tại đây không gọi thượng úy Huyền Mi là cán bộ quản giáo mà gọi thân mật là “cô Mi”. 

Không chỉ hướng dẫn các nữ phạm nhân làm việc mà đôi khi các nữ cán bộ quản giáo còn dành thời gian chăm sóc và tâm sự với các nữ phạm. Phạm nhân N.T.B. (34 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) chia sẻ, bản thân có con nhỏ nên khi mới nhập trại tâm lý luôn hoang mang, lo lắng và thường thức đêm khóc vì nhớ con. Nhờ sự ân cần hỏi han, chăm sóc, động viên của các nữ cán bộ trại giam mà dần dần phạm nhân B. thích nghi với mọi thứ và chấp nhận việc cải tạo để được sớm về với gia đình.

N.T.B. bày tỏ, trong số các nữ cán bộ quản giáo Trại giam Xuân Lộc, B. nể phục nhất là đại úy Nguyễn Thị Ngọc vì luôn giúp đỡ và sâu sát mọi vấn đề trong đời sống của phạm nhân. Từ đồ dùng cá nhân đến thuốc men cho phạm nhân, đại úy Ngọc đều lo rất chu toàn và đầy đủ.

Trung tá Đinh Thị Ngọc (Trại tạm giam B5, Công an tỉnh) gặp gỡ, hỏi thăm một nữ phạm nhân
Trung tá Đinh Thị Ngọc (Trại tạm giam B5, Công an tỉnh) gặp gỡ, hỏi thăm một nữ phạm nhân

Đại úy Ngọc kể, từ ngày mới trở thành nữ cán bộ trại giam chị rất bỡ ngỡ và lo lắng bởi môi trường đặc biệt tại đây. Thế nhưng sau 13 năm công tác, mọi việc dần quen. Chị luôn xem những phạm nhân như người thân để giúp họ hiểu hơn về pháp luật, nhìn nhận được hành vi sai phạm của bản thân và tự nỗ lực cải tạo tốt để có cơ hội được ra tù trước thời hạn theo chính sách khoan hồng của Nhà nước.

 “Khi các nữ phạm nhân sống chung không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích. Do đó, tôi phải thường xuyên nắm bắt tình hình, gặp gỡ trao đổi và tìm hiểu về hoàn cảnh của từng nữ phạm nhân thì việc quản lý cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cũng có lúc phải nghiêm khắc, cứng rắn để mọi hoạt động tại đây đi vào nền nếp, quy củ” - đại úy Ngọc cho hay.

Các nữ cán bộ tại Trại giam Xuân Lộc không chỉ tỉ mỉ giúp đỡ từng phạm nhân biết cách làm việc và học nghề giỏi mà họ còn luôn cố gắng tạo ra môi trường lành mạnh trong trại giam, giúp phạm nhân nhận ra được giá trị của bản thân, cố gắng cải tạo tốt, thành người lương thiện, sớm được tái hòa nhập cộng đồng.

* Xóa bỏ ranh giới

Cũng là nơi giam giữ phạm nhân nhưng tại Trại tạm giam B5, Công an tỉnh công tác giam giữ trở nên khó hơn khi đa phần các can phạm mới nhập trại và tinh thần của họ hầu như chưa được ổn định.

Là người có thâm niên 28 năm làm ngành Công an, trong đó 16 năm là cán bộ trại giam, trung tá Đinh Thị Ngọc, Phó trưởng Phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam B5 cho biết, có người khi mới nhập trại thường thể hiện sự bất cần và chống đối cũng có người hoang mang, lo lắng. Do đó, mỗi trường hợp sẽ có cách tiếp cận và hỗ trợ khác nhau.

Với trung tá Ngọc, có lúc cán bộ trại giam cần nghiêm khắc để giáo dục, nhắc nhở, tuyên truyền pháp luật nhưng có lúc lại trở thành chuyên gia tâm lý nhằm gỡ rối, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cho can, phạm nhân.

Đại úy Nguyễn Thị Ngọc (Trại giam Xuân Lộc) hướng dẫn các phạm nhân làm việc
Đại úy Nguyễn Thị Ngọc (Trại giam Xuân Lộc) hướng dẫn các phạm nhân làm việc

Trung tá Ngọc kể lại, trước đây có can phạm tên H. với biệt danh “H. cá sấu” phạm tội mua bán trái phép chất ma túy nên bị bắt. Khi mới nhập trại, chỉ chưa đầy 1 tháng nhưng H. liên tục phạm lỗi và bị kỷ luật. H. trở nên lì lợm, bất cần và sẵn sàng đánh nhau với can, phạm nhân khác. Sau nhiều lần làm việc và khuyên nhủ bất thành, trung tá Ngọc tìm hiểu về gia cảnh của H., phát hiện H. có mẹ già gặp nhiều khó khăn và H. cũng rất thương mẹ. Nắm bắt được câu chuyện của H., trung tá Ngọc đã tạo điều kiện cho mẹ H. vào trại thăm gặp và khuyên răn con. Lâu dần, tinh thần, thái độ của H. được cải thiện theo chiều hướng tích cực và trở nên hòa nhã, sống tốt với mọi người.

Theo trung tá Ngọc, điều khó khăn nhất đối với giáo dục một can, phạm nhân là giúp họ hiểu pháp luật, biết điều chỉnh hành vi của bản thân để sống và cải tạo tốt hơn. Giúp họ hiểu rằng con đường ngắn nhất được trở về nhà chính là cải tạo tốt.

“Mỗi người khi rơi vào vòng lao lý đều có tâm lý hoang mang, lo sợ. Do đó người quản giáo phải luôn nhẹ nhàng, tâm lý để giúp họ vượt qua được lo lắng của giai đoạn đầu. Có người cố tình phá phách để giải tỏa căng thẳng nhưng cũng có người khóc lóc hoặc trầm tư với tâm thế buông xuôi cuộc sống. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố khơi dậy bản năng lương thiện trong mỗi phạm nhân để họ hiểu và chấp hành các quy định nơi giam giữ tốt hơn” - trung tá Ngọc bộc bạch.

Tố Tâm

Tin xem nhiều