Xác định học lực của bản thân khó có thể vào đại học, Vũ Trọng Sơn quyết định đi học nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom). Sau khi học xong bậc trung cấp, Sơn tiếp tục học liên thông lên cao đẳng. Ở bậc học nào, nam sinh này cũng đều được giảng viên đánh giá cao về kỹ năng.
Xác định học lực của bản thân khó có thể vào đại học, Vũ Trọng Sơn quyết định đi học nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom). Sau khi học xong bậc trung cấp, Sơn tiếp tục học liên thông lên cao đẳng. Ở bậc học nào, nam sinh này cũng đều được giảng viên đánh giá cao về kỹ năng.
Vũ Trọng Sơn đang luyện tập để chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề thế giới. Ảnh: H.YẾN |
Trải qua nhiều đợt thi có tính cạnh tranh cao, Sơn được chọn là đại diện của Việt Nam tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới (WorldSkills) ở nghề lắp đặt điện.
Theo đuổi nghề nhờ công việc làm thêm trong hè
Quê ở tỉnh Thanh Hóa nhưng suốt những năm học phổ thông, cứ đến hè là Sơn lại vào Đồng Nai để đi làm thêm. Chú của Sơn ở xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) làm nghề thợ điện. Sơn theo chú đi làm các công trình điện gia đình và thấy rằng mình có thể theo đuổi công việc này.
Kỳ thi tay nghề thế giới dự kiến được tổ chức vào tháng 10 tại Thượng Hải nhưng đã bị hủy bỏ do chính sách zero-Covid của Trung Quốc. Hiện nay, kỳ thi dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tại Áo. |
Sơn tâm sự: “Ở quê, mẹ em làm ruộng còn cha làm thợ xây. Bản thân em muốn tìm một công việc khác để có thu nhập ổn định hơn. Em cũng thấy học lực của mình chỉ ở mức trung bình không phù hợp để học đại học. Em quyết định học nghề điện công nghiệp vì thấy nghề này khả năng có việc làm cao”.
Tốt nghiệp THPT, Sơn nộp hồ sơ vào học trung cấp tại Trường Cơ điện Đông Nam bộ (nay là cơ sở 2 của Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi). Trong quá trình học, Sơn bộc lộ khả năng làm việc tốt nên được nhà trường chọn tham gia kỳ thi tay nghề (do Bộ NN-PTNT tổ chức cho khối các trường nghề thuộc Bộ) và đoạt giải nhất.
Tốt nghiệp trung cấp, Sơn được doanh nghiệp mời đi làm nhưng đã từ chối cơ hội này và tiếp tục học liên thông lên cao đẳng.
Năm 2020, nam sinh này tham gia Kỳ thi tay nghề cấp quốc gia và đoạt giải ba. Cuối năm 2021, Sơn vượt qua 5 thí sinh xuất sắc nhất cả nước để giành được suất tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới. Hiện nay, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi và các chuyên gia Đức (thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức - GIZ) đang hỗ trợ Sơn tập luyện để sẵn sàng tranh tài vào tháng 11 tới đây.
Chuẩn bị kỹ cho kỳ thi quốc tế
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Kỳ thi tay nghề thế giới phải dời lại nhiều lần. Vì vậy, Sơn có tổng cộng 9 tháng để luyện thi. Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi dành hẳn 1 phòng thực hành với đầy đủ trang thiết bị để Sơn luyện tập hằng ngày.
Thầy Dương Cảnh Toàn là người trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ cho Vũ Trọng Sơn trong hành trình chinh phục Kỳ thi tay nghề thế giới |
Theo đó, mỗi ngày, Sơn có 8 tiếng để luyện tập. Giảng viên hướng dẫn và các chuyên gia người Đức thường xuyên thảo luận, xây dựng đề thi để Sơn giải quyết. Sau khi hoàn thành công việc, các chuyên gia sẽ kiểm tra, xem xét và góp ý thêm nhằm giúp Sơn nâng cao kỹ năng, giải quyết vấn đề tốt hơn.
Bên cạnh đó, Tổ chức GIZ cũng hỗ trợ cho Sơn học thêm tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ sử dụng bắt buộc trong kỳ thi quốc tế. Ngoài việc học online, Sơn còn thực hành giao tiếp với các chuyên gia người Đức thường xuyên.
Ngoài ra, mỗi ngày Sơn phải dành thời gian 1 tiếng để tập thể dục nhằm nâng cao thể lực. Thầy Dương Cảnh Toàn, Trưởng khoa Điện - điện tử, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi cho biết, thông thường mỗi đề thi tay nghề thế giới có hơn 20 tiếng để thí sinh giải quyết (làm việc trong 3 ngày). Mỗi thí sinh phải làm việc với cường độ cao với nhiều việc nặng nhọc như: khoét tường, khoan tường, cưa… Vì vậy, nếu không có thể lực tốt thì chỉ sau 1 ngày là thí sinh sẽ bị đuối sức.
Không chỉ được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ và các điều kiện tốt nhất để luyện tập trong nước, Tổ chức GIZ cũng hỗ trợ để đưa Sơn sang Đức đào tạo thêm về chuyên môn trong thời gian 1 tháng trước khi tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới. Dự kiến, đầu tháng 10 tới đây, Sơn sẽ cùng giảng viên hỗ trợ đến Đức để luyện tập thêm.
Nói về lựa chọn học nghề, Sơn chia sẻ: “Khi học ở bậc phổ thông, em không được tiếp cận với trang thiết bị hiện đại. Ở quê, nhiều người vẫn cho rằng đại học là con đường duy nhất để thành công. Bản thân em cho rằng học nghề, có kỹ năng nghề thì vẫn phát triển được tương lai. Hiện nay, nhiều công ty mở rộng quy mô sản xuất, họ cần kỹ thuật viên có trình độ, tay nghề để vận hành nhà máy. Do vậy, việc học nghề của em là lựa chọn đúng”.
Thầy Dương Cảnh Toàn cho hay, với những gì đã được đào tạo và luyện tập, Sơn có thể làm được ở nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp của Đức. Sơn sẽ đáp ứng tốt được công việc ngay từ khi đi làm. “Tất nhiên, nhà trường cũng muốn Sơn ở lại để làm việc nhưng sẽ rất khó giữ chân được em vì em sẽ có nhiều cơ hội làm việc với mức lương hấp dẫn hơn ở các doanh nghiệp nước ngoài” - thầy Toàn cho biết.
Hải Yến