Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng ấu Bạch Long trở lại

07:08, 26/08/2022

Mới đây, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã gặp gỡ báo chí để thông tin về việc ông sẽ hỗ trợ nghệ sĩ Bạch Long làm Sân khấu cải lương Đồng ấu Bạch Long. Một tin vui với cá nhân nghệ sĩ Bạch Long và những người yêu mến anh trong hành trình đào tạo gần 100 diễn viên cho sân khấu cải lương.

Mới đây, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã gặp gỡ báo chí để thông tin về việc ông sẽ hỗ trợ nghệ sĩ Bạch Long làm Sân khấu cải lương Đồng ấu Bạch Long. Một tin vui với cá nhân nghệ sĩ Bạch Long và những người yêu mến anh trong hành trình đào tạo gần 100 diễn viên cho sân khấu cải lương.

Bạch Long diễn cùng học trò từ nhóm Đồng ấu Bạch Long, Ảnh: Trí Trọng
Bạch Long diễn cùng học trò từ nhóm Đồng ấu Bạch Long. Ảnh: Trí Trọng

* Nón Lá - điểm diễn mới của Đồng ấu Bạch Long

Ông Huỳnh Anh Tuấn được xem là ông bầu mát tay nhất của sân khấu xã hội hóa TP.HCM hiện nay. Trong khi các sân khấu khác lâm vào khó khăn phải ngưng diễn định kỳ thì Idecaf là sân khấu duy nhất hiện luôn cháy vé các suất diễn hàng tuần. Ngoài địa điểm Sân khấu Idecaf quá nổi tiếng, ông bầu này còn có Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng diễn phục vụ khách du lịch thường xuyên tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM. Và Nhà hát Nón Lá mang tên Nhà hát Múa rối Nụ Cười (trong khuôn viên cung văn hóa) dành cho thiếu nhi cũng hoạt động định kỳ hằng tuần. Sân khấu cải lương Đồng ấu Bạch Long sẽ hoạt động tại Nhà hát Nón Lá.

Sân khấu cải lương thiếu nhi Đồng ấu Bạch Long sau ngày ra mắt sẽ diễn định kỳ sáng chủ nhật cách tuần. Nếu hiệu quả sẽ định kỳ chủ nhật hằng tuần. Sau khi ổn định cải lương cho thiếu nhi, theo kế hoạch sân khấu này sẽ làm tiếp cải lương dành cho người lớn, nếu thuận lợi sẽ diễn vào tối thứ bảy hằng tuần.

Bạch Long vốn là một trong những diễn viên trụ cột của Sân khấu Idecaf. Mỗi lần tập tuồng tại Nhà hát Nón Lá anh ngắm nghía sân khấu 200 chỗ này và mong Đồng ấu Bạch Long của anh có cơ hội được diễn tại đây. Nghĩ vậy thôi nhưng anh không dám nói. Đến một ngày vô tình bầu Tuấn biết được và ông ngay lập tức triển khai để Bạch Long có thể nuôi tiếp ước mơ đào tạo nghệ sĩ kế thừa cho cải lương.

Ông nói: “Tôi quý anh Bạch Long vì tấm lòng của anh với cải lương, với nghề. Từ cái tâm đó mà anh thành lập Đồng ấu Bạch Long từ những năm 1990 để từ đó có một lớp ngôi sao cải lương trẻ hiện nay như: Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh, Vũ Luân, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh…”.

Theo kế hoạch, ông Tuấn giao sân khấu này cho Bạch Long lo về mặt đào tạo, chất lượng nghệ thuật, còn ông lo các khâu tổ chức, bán vé, quảng bá tác phẩm.

* Miệt mài với… 100 đứa con!

Sân khấu cải lương dành cho thiếu nhi sẽ diễn suất đầu tiên lúc 9 giờ ngày 11-9, đúng vào dịp Trung thu năm nay với vở Con bạch mã và củ cải khổng lồ. Bạch Long xúc động tâm sự: “Đồng ấu Bạch Long được hoạt động lại tôi mừng lắm. Kể từ khi thành lập, đồng ấu đã đào tạo được 3 đợt với tổng cộng khoảng 100 em. Các em tham gia biểu diễn lần này là đợt 3, có khoảng 16 em. Nhiều em mê nghề lắm nhưng vì tôi không có vốn lập đoàn nên tụi nhỏ tứ tán đứa đi dạy học, đứa phụ quán cà phê, có vài đứa may mắn còn được đi hát”.

Nghệ sĩ Bạch Long và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Ảnh: Trí Trọng
Nghệ sĩ Bạch Long và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Ảnh: Trí Trọng

Cách đây chừng năm có 2 ông bầu mời Đồng ấu Bạch Long diễn tại một trung tâm văn hóa. Suất đầu tiên được 500 khán giả, suất sau cứ thế tăng lên 600, 700, 800… Bạch Long mừng muốn khóc. Thế nhưng chưa được bao lâu thì 2 ông bầu mâu thuẫn, vậy là sân khấu phải ngưng lại trong sự tức tưởi. Vậy mà cũng gần chục năm, thầy trò mỗi người phải chạy sấp ngửa cho cuộc sống mưu sinh, nhưng cứ rảnh lại gặp nhau, lại tính, lại làm clip phát trên YouTube để được rèn nghề và cũng để nhớ nghề. Đồng ấu Bạch Long cứ vậy mà nương náu mạch sống trong tình thầy trò. Dù không có sân khấu riêng nhưng thi thoảng người ta vẫn thấy Đồng ấu Bạch Long xuất hiện như minh chứng cho tình yêu nghề của thầy trò họ. Và lần này, được sự đỡ đầu quá “chịu chơi” của ông bầu Tuấn, thầy trò Bạch Long quyết không bỏ lỡ cơ hội.

“Để chuẩn bị cho lần ra mắt, thầy trò tụi tui đã tập được 4 kịch bản cải lương thiếu nhi. Bữa nào thầy trò cũng tập miệt mài từ 8, 9 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm” - Bạch Long vui vẻ nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, do các học trò đợt 3 theo nghệ sĩ Bạch Long cũng 10 năm nay, từ khi mười mấy tuổi đến nay có em đã gần 30 nên trước mắt vẫn là người lớn diễn cải lương cho thiếu nhi. Cái tên Đồng ấu Bạch Long là “thương hiệu” đã gây được dấu ấn nên tạm thời vẫn giữ nguyên làm tên cho sân khấu. Sau khi sân khấu tạm ổn, ông Tuấn và Bạch Long tính toán sẽ mở thêm lớp đào tạo để tìm kiếm thêm những tài năng cải lương nhí bổ sung cho sân khấu. “Mấy nay thầy trò anh Long tập tuồng tôi có vào xem và nhận thấy anh tập rất kỹ. Nhưng tôi vẫn dặn anh về mặt tổ chức, dàn dựng phải cố gắng tìm cái mới, không mới là thua. Tôi còn đang tính chuyển thể một số kịch bản Ngày xửa ngày xưa phù hợp sang cải lương thiếu nhi để anh Long sử dụng cho sân khấu này. Anh đang nghiên cứu kịch bản Hoàng tử Ai Cập” - ông Tuấn chia sẻ.

Trí Trọng

Tin xem nhiều