Dù làm việc 5 năm hoặc có kinh nghiệm gần 20 năm nhưng mỗi ngày hướng dẫn viên tại các di tích lịch sử ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn, thuộc H.Vĩnh Cửu) vẫn luôn cố gắng trau dồi kiến thức, cố gắng "thổi hồn vào lịch sử" để những câu chuyện lịch sử khô khan trở nên sống động, chạm đến trái tim từng du khách đến tham quan.
Dù làm việc 5 năm hoặc có kinh nghiệm gần 20 năm nhưng mỗi ngày hướng dẫn viên tại các di tích lịch sử ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn, thuộc H.Vĩnh Cửu) vẫn luôn cố gắng trau dồi kiến thức, cố gắng “thổi hồn vào lịch sử” để những câu chuyện lịch sử khô khan trở nên sống động, chạm đến trái tim từng du khách đến tham quan.
Hướng dẫn viên Trung tâm Sinh thái, văn hóa, lịch sử Chiến khu Đ giới thiệu về các di tích cho đoàn du khách đến thăm Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu) |
Trưởng thành với nghề
Trong căn phòng nhỏ ở Khu bảo tồn, chúng tôi có dịp được nghe bà Đinh Thị Lan Hương, Phó giám đốc Khu bảo tồn kể lại quãng thời gian 19 năm làm hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ.
Bà Hương cho biết, vào năm 2003, sau khi ra trường, vì mê công tác xã hội nên khi Trung tâm Quản lý di tích Chiến khu Đ (nay là Trung tâm Sinh thái, văn hóa lịch sử Chiến khu Đ, thuộc Khu bảo tồn) tuyển dụng nhân sự, bà Hương đã nộp đơn ứng tuyển. Ban đầu nơi đây chỉ có di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ (1961-1967). Đến năm 2004 đã khánh thành di tích Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) nên tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ có 2 di tích đón khách đến tham quan.
Theo bà ĐINH THỊ LAN HƯƠNG, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, với những người làm hướng dẫn viên, mong muốn duy nhất của họ chính là Di tích lịch sử Chiến khu Đ được nhiều người biết đến và tự hào về một thời chiến tranh máu lửa nhưng hào hùng của dân tộc Việt Nam. |
Lúc đó, mỗi ngày bà Hương đều phải tự chạy xe máy hơn 30km đường đất đỏ từ trung tâm H.Vĩnh Cửu để vào các khu di tích chờ thuyết trình cho các đoàn đến tham quan, rồi đến chiều muộn lại một mình băng rừng trở về nhà.
“Thời gian đầu nản lắm vì đi đường rừng một mình rất sợ và mỗi lần đi đều bị bụi đường “nhuộm” đỏ từ đầu đến chân. Chưa kể những ngày trời mưa, xe hư dắt bộ giữa đường rừng mệt và sợ đến phát khóc. Hồi đó ngày mưa hay nắng đều phải mang áo mưa tránh bụi” - bà Hương kể lại.
Vất vả là vậy nhưng bà Hương đã gắn bó với nghề hướng dẫn viên khu di tích lịch sử suốt hơn 18 năm. Bà Hương chia sẻ, bản thân bà muốn được là người kết nối di tích và du khách. Nếu nói về lịch sử bằng những trận chiến và những con số khô khan thì đơn giản, nhưng để kể lại những câu chuyện sống động về sự hy sinh, mất mát của cha ông và khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi du khách thì đó mới là điều khó.
Bà Hương chia sẻ, những hướng dẫn viên di tích lịch sử luôn kể lịch sử bằng cả trái tim. Để có thể gắn bó với nghề hướng dẫn viên tại các di tích lịch sử thì trước hết phải yêu nước và có niềm tự hào dân tộc rất lớn. “Chúng tôi đã tìm tòi nhiều câu chuyện lịch sử từ sách vở, từ lời kể của người đi trước, rồi truyền tải cho du khách nghe bằng tất cả tấm lòng, tình cảm và sự tự hào, với mong muốn truyền tải được tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng nơi miền Đông gian lao mà anh dũng đến với du khách gần xa” - bà Hương bộc bạch.
Bà Hương kể, điều bà xúc động nhất là hình ảnh những cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Có người còn lành lặn nhưng cũng có người phải đi bằng xe lăn, chống nạng… Khi nghe bà Hương thuyết minh và kể lại những câu chuyện về các anh hùng đã hy sinh tại Khu di tích Chiến khu Đ thì tất cả mọi người đều khóc vì nhớ thương đồng đội đã ngã xuống nơi đây.
Mặc dù đã là Phó giám đốc Khu bảo tồn nhưng mỗi lần các đoàn khách quan trọng đến thăm Khu di tích, bà Hương vẫn lại trở về là hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử. Trở thành lãnh đạo, bà Hương chú trọng đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên trở thành những hướng dẫn viên giỏi, đưa du khách đến gần hơn với lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua câu chuyện về Chiến khu Đ để ngày càng có nhiều người hiểu lịch sử, thêm tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc.
Khơi dậy niềm tự hào dân tộc
Kết thúc cuộc nói chuyện với bà Hương, chúng tôi được dịp lên xe theo đoàn du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh vào thăm Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ. Trong bộ đồ bà ba đen, khăn rằn quàng cổ và đội chiếc mũ tai bèo, chị Vũ Thị Mai Thi (hướng dẫn viên khu di tích) nhanh nhẹn dẫn đoàn vào thăm các khu di tích. Trên từng đoạn đường đi, chị Thi liên tục giới thiệu về các thông tin liên quan của địa phương kể cả kinh tế, xã hội và những kiến thức về những loài cây, sinh vật sống trong rừng thuộc Khu bảo tồn quản lý.
Hướng dẫn viên khu di tích chụp ảnh lưu niệm cùng các đoàn đến tham quan |
Tất cả những cột mốc lịch sử liên quan đến Chiến khu Đ đều được chị Thi thuyết minh một cách rành mạch, rõ ràng bằng chất giọng Nam bộ ấm áp, nhẹ nhàng. Du khách trong đoàn ai nấy đều lắng nghe rất chăm chú.
Cho đến khi vào đền thờ Khu nghĩa trang trong Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ để thắp nhang, giữa rừng núi tĩnh lặng, chị Thi bỗng cất giọng: “Đi thật chậm, nói thật khẽ và đừng hỏi tên ai còn ai mất. Mấy ngàn người chỉ một tên chung, chỉ một tên hòa bình thống nhất. Tên những người bất khuất, trung kiên”. Lời giới thiệu ấn tượng đó đã khiến cho các du khách lặng người đi và những giây phút thiêng liêng với khói hương nghi ngút bao trùm cả khu đền thờ. Mọi người không ai nói gì mà chỉ lắng nghe từng lời thuyết minh, từng câu chuyện chị Thi kể.
Chị Thi nói, sở dĩ bản thân chị gắn bó với công việc hướng dẫn viên đã 9 năm và sẽ lâu dài hơn nữa bởi chị là người dân địa phương (ngụ xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu). Có nhiều thế hệ trong gia đình gắn bó với núi rừng và khu di tích này. Do đó, chị Thi luôn tự hào và muốn được giới thiệu về những ký ức hào hùng của vùng đất chiến khu Đ cho du khách mọi miền Tổ quốc biết đến.
Cũng là người có thâm niên 17 năm công tác từ nhiều vị trí khác nhau và hiện là Phó giám đốc Trung tâm Sinh thái văn hóa lịch sử Chiến khu Đ (thuộc Khu bảo tồn) nhưng anh Nguyễn Hoàng Nam vẫn không quên ngày đầu bước chân vào làm tại các khu di tích.
Anh Nam kể, vào năm 2005, anh được tuyển dụng vào làm nhân viên tại Khu di tích Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1962 và thay đổi vị trí công việc theo từng thời gian khác nhau. Lâu dần anh Nam trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp giới thiệu về khu di tích và những câu chuyện cảm động liên quan đến các anh hùng liệt sĩ nơi đây.
“Trong khu di tích, với du khách thì tượng đài cũng chỉ làm bằng đá, nghĩa trang cũng chỉ là những ngôi mộ. Nhiệm vụ của một hướng dẫn viên chính là cho du khách thấy được câu chuyện đằng sau những tượng đài, bia mộ. Chúng tôi truyền tải những hy sinh, mất mát của bao thế hệ cha ông để mọi người thấy được khắc nghiệt của chiến tranh và đau thương của dân tộc” - anh Nam bộc bạch.
Anh Nam giải thích thêm, việc truyền tải những câu chuyện lịch sử không phải để gợi lại vết thương chiến tranh mà là khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Nói để mọi người thấy được có được chiến thắng, vinh quang và hòa bình thì cha ông đã phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Do đó, với một hướng dẫn viên, anh Nam luôn ý thức được việc truyền tải lịch sử dân tộc đến với các thế hệ hiện nay mang tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn. Qua đó, mỗi người thấy được niềm tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ của Tổ quốc đã được đổi bằng xương máu của cha ông ta.
Tố Tâm