Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầy giáo già mê sáng tác nhạc

08:07, 23/07/2022

82 tuổi, thầy Nguyễn Như Lộc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức (CGC) H.Thống Nhất vẫn hăng hái tham gia công tác Hội. Đối với ông, hội CGC là mái nhà chung thân thương, thắm đượm nghĩa tình của những thầy, cô giáo từng đứng trên bục giảng. Vì thế, dù làm công việc không lương nhưng ông vẫn quyết tâm gắn bó khi sức khỏe còn cho phép.

82 tuổi, thầy Nguyễn Như Lộc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức (CGC) H.Thống Nhất vẫn hăng hái tham gia công tác Hội. Đối với ông, hội CGC là mái nhà chung thân thương, thắm đượm nghĩa tình của những thầy, cô giáo từng đứng trên bục giảng. Vì thế, dù làm công việc không lương nhưng ông vẫn quyết tâm gắn bó khi sức khỏe còn cho phép.

Niềm vui của thầy Nguyễn Như Lộc là được tự mình đàn, hát những ca khúc do chính mình sáng tác. Ảnh:  Hải Yến
Niềm vui của thầy Nguyễn Như Lộc là được tự mình đàn, hát những ca khúc do chính mình sáng tác. Ảnh: Hải Yến

Ngoài tham gia công tác Hội CGC, thầy Lộc còn có niềm vui khác là sáng tác âm nhạc. Sự thư thái trong tâm hồn giúp ông có thêm sức khỏe để tiếp tục “vác tù và hàng tổng”.

* Gian nan hành trình đến với nghề giáo

Thầy Nguyễn Như Lộc sinh năm 1941, tính theo “tuổi ta”, năm nay thầy đã 82 tuổi. Tuy thế, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, thầy Lộc đều tự chạy xe máy từ xã Xuân Thiện đến trụ sở Hội CGC huyện (khoảng 15km) để làm việc. Thầy đã gắn bó với công tác Hội được 10 năm trên cương vị Chủ tịch Hội CGC H.Thống Nhất.

Sinh ra và lớn lên trong thời chiến, hành trình đến với nghề giáo của thầy Lộc khá gian truân. Nhưng cũng vì lẽ đó mà thầy giáo già này càng thêm trân quý đồng nghiệp và quyết tâm gắn bó với công tác Hội CGC.

Thầy Lộc sinh ra tại Quảng Ngãi. Năm 1952, do hoàn cảnh gia đình nên 2 cụ thân sinh của thầy quyết định chuyển về quê ngoại ở Quảng Bình sinh sống. Hơn 10 tuổi, cậu bé Lộc không chọn đi theo cha mẹ mà ở lại nhà cũ cùng 2 người chị gái, là chiến sĩ cách mạng. Bản thân cậu bé Lộc khi đó cũng tham gia làm giao liên. Đến năm 1954, 1 người chị hy sinh còn 1 người bị địch bắt, Lộc được theo đoàn học sinh miền Nam ra Quảng Bình để đoàn tụ cùng cha mẹ.

Sau khi học xong lớp 9, nam sinh Lộc đi học trung cấp sư phạm rồi bắt đầu gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”. Trong quá trình đi dạy, thầy Lộc tiếp tục học lên đại học tại Trường đại học Sư phạm Vinh sau đó được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Trạch (H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Mãi đến đầu những năm 1990, khi kinh tế gia đình quá khó khăn, thầy Lộc mới quyết định đưa cả gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp. Ngay khi vào vùng đất mới, thầy Lộc tìm đến Trường THPT Thống Nhất B (H.Thống Nhất) để xin dạy hợp đồng và tiếp tục gắn bó với nghề dạy học cho đến năm 2012. Nghỉ việc ở tuổi ngoài 70, thầy Lộc lập tức tham gia sinh hoạt Hội CGC, được bầu làm Chủ tịch Hội CGC H.Thống Nhất và gắn bó cho đến nay.

Thầy Lộc tâm sự: “Tôi dạy hợp đồng nên đến khi nghỉ không có lương hưu. Trước đây, tôi từng tham gia làm dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và bị nhiễm chất độc hóa học nên hiện nay được hưởng chế độ hơn 1 triệu đồng/tháng. Hội CGC là tổ chức xã hội - nghề nghiệp nên chúng tôi không được hưởng lương. Dù vậy, tôi vẫn thích tham gia hoạt động Hội. Các con có lo lắng vì tôi đã lớn tuổi mà chạy xe máy đi làm xa nhưng vì thấy tôi vui khi tham gia công tác Hội nên không ngăn cản”.

* Niềm vui tuổi già

Do đặc thù về tuổi tác, Hội CGC không có nhiều hoạt động. Tuy nhiên, thầy Lộc cùng với các thành viên trong Ban chấp hành Hội vẫn phải thay phiên nhau trực tại trụ sở, đảm bảo sinh hoạt định kỳ của Ban chấp hành và các chi hội. Qua đó, nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của hội viên để động viên, giúp đỡ kịp thời. Đồng thời, cổ vũ các hội viên CGC tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

Thầy Nguyễn Như Lộc soạn thảo văn bản báo cáo hoạt động của Hội Cựu giáo chức H.Thống Nhất. Ảnh:  Hải Yến
Thầy Nguyễn Như Lộc soạn thảo văn bản báo cáo hoạt động của Hội Cựu giáo chức H.Thống Nhất. Ảnh: Hải Yến

Đã ngoài 80 tuổi, thầy Lộc vẫn tự mình soạn thảo các văn bản của Hội CGC huyện. “Tôi bắt đầu làm quen với máy vi tính từ năm 60 tuổi bằng cách mua sách về tự học và nhờ các con hỗ trợ thêm. Hiện nay, tôi có thể tự đánh máy được còn căn chỉnh văn bản cho đẹp và hợp lệ thì phải nhờ văn thư của Hội Khuyến học huyện hỗ trợ thêm” - thầy Lộc vui vẻ cho biết.

Ngoài niềm vui được gắn bó với “mái nhà chung” CGC, thầy Lộc còn có niềm vui, sở thích đặc biệt là sáng tác nhạc. Vị nhạc sĩ nghiệp dư này đã có gia tài hơn 50 bài hát tự sáng tác và phổ nhạc. Tự sáng tác được một bản nhạc, tự đàn và hát bản nhạc do chính mình sáng tác chính là những liều thuốc bổ tinh thần giúp ông có động lực để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Sở thích này cũng góp thêm gam màu cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao do Hội CGC tỉnh tổ chức.

“Tôi yêu thích âm nhạc từ nhỏ, thường tham gia hoạt động văn nghệ của trường, địa phương rồi tự học nhạc lý để sáng tác. Tôi không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp mà chỉ sáng tác để bộc lộ tâm tư, tình cảm; bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần cách mạng của chính mình với con cháu, người thân, bạn bè, đồng nghiệp…” -  thầy Lộc giãi bày.

Trong số hơn 50 bài hát đã sáng tác và phổ nhạc của thầy Lộc có gần 10 bài hát viết về Đồng Nai, đặc biệt là H.Thống Nhất. Đây là cách để ông bày tỏ tình yêu với quê hương thứ hai của mình.

Hội Cựu giáo chức H.Thống Nhất hiện có 10 chi hội với hơn 220 hội viên, trong đó có 15 đảng viên. Mỗi năm UBND huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Hội 50 triệu đồng.

Hải Yến

Tin xem nhiều