Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng gia đình văn hóa phòng, chống bạo lực gia đình

10:06, 24/06/2022

Bạo lực gia đình là một hiện tượng xã hội bức xúc, Nhà nước đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Quốc hội đang thảo luận, dư luận đang nhiều ý kiến.                    

Bạo lực gia đình là một hiện tượng xã hội bức xúc, Nhà nước đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Quốc hội đang thảo luận, dư luận đang nhiều ý kiến.     

Các gia đình văn hóa tiêu biểu tham gia thi thể thao hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 28-6
Các gia đình văn hóa tiêu biểu tham gia thi thể thao hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 28-6

                 

Bạo lực/bạo hành gia đình được hiểu là một dạng thức của bạo lực xã hội do người trong gia đình có hành vi dùng sức mạnh thể chất hoặc quyền lực (power) với mục đích gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại cho thành viên khác trong gia đình (theo Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Bạo lực gia đình thực hiện trong quan hệ gia đình với mục đích giải quyết vấn đề thuộc gia đình; nhưng nó mang tính xã hội vì gia đình là xã hội thu nhỏ.

Có 4 dạng bạo hành gia đình thường thấy. Bạo hành thể xác: Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, và số ít là đàn ông. Theo WHO, 38% phụ nữ bị bạo hành thể xác (tại Anh 37%, Canada, Australia, Nam Phi, Israel và Mỹ đạt từ 40-70%). Nhiều quốc gia có cổ tục “thiêu sống cô dâu” (năm 2011, đã có 8.618 vụ thiêu sống cô dâu ở Nam Á). Bạo hành tình dục: Bạo hành tình dục được phân chia thành 3 nhóm nhỏ: thông thường, rối loạn, bệnh bạo dâm. Dạng bạo hành này thường khó phát hiện, khó nói vì tâm lý cam chịu. Bạo hành tinh thần: Còn gọi là bạo lực tình cảm/tâm lý; tồn tại dưới nhiều dạng “chiến tranh lạnh”; diễn ra lặng lẽ, không ầm ĩ nên ít được chú ý (53,6% phụ nữ bị bạo hành tinh thần nông thôn cao hơn thành thị (56,2% so với 47,2%). Bạo hành xã hội: Chưa được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, nhưng rất nhiều phụ nữ bị hạn chế trong giao tiếp xã hội (họp hội, đoàn thể, bạn bè, họ hàng).

Trước ngưỡng cửa Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, nghĩ về việc xây dựng gia đình văn hóa để phòng, chống bạo lực gia đình là điều thiết thực.

Có tài liệu khảo sát năm 2005 cho thấy, giai đoạn 2000-2005: 186.954 vụ ly hôn do bạo lực gia đình; 53,1% số vụ ly hôn có hành vi đánh đập, ngược đãi; hơn 39,7 ngàn vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo hành tỷ lệ 60,3%;  25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần; 30% cặp vợ chồng xảy ra hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. 5% phụ nữ thường xuyên bị chồng đánh đập; 82% hộ dân nông thôn và 80% hộ ở thành phố có xảy ra bạo lực; 9-10% trường hợp nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới.

Hậu quả của bạo lực gia đình gây tác hại xã hội vô cùng: nhiều trường hợp gây tử vong hoặc thương tật suốt đời; gây suy hại từ tâm lý cho đến thể chất của nạn nhân; là nguồn khởi phát trầm cảm và rối loạn stress; trẻ em liên quan có thể bị mắc các hội chứng về tâm lý như trầm cảm, rối loạn nhân cách, tâm thần. Trẻ em trai gái trong môi trường bạo lực gia đình là người gánh chịu di hại nhiều nhất. Một bộ phận trẻ có thể bỏ nhà, bỏ học, xa rời mục tiêu phấn đấu, sa vào tệ nạn xã hội, gây nhiễu loạn xã hội.

Do đâu mà có bạo lực gia đình? Có nhiều nguyên cớ: Do người nam say rượu. Do ở các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt: kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, thiếu việc làm, thiếu điều kiện sinh hoạt, tai nạn đột biến; do bất đồng giữa cha mẹ và con cái; do quan niệm nuôi dạy con và quyền lực của cha mẹ “thương cho roi cho vọt”; do thu nhập thấp, vị thế thấp...

Nguyên nhân sâu thẳm là do gia đình chưa thật sự văn hóa. Một là, gia đình chưa no ấm; chưa làm tốt chức năng kinh tế, tổ chức đời sống, đảm bảo các nhu cầu: ăn, mặc, ở, học tập, chữa bệnh, giải trí, di chuyển, tiện nghi sinh hoạt gia đình, hưởng thụ văn hóa. Hai là, gia đình chưa bình đẳng trong lao động, sinh hoạt, hưởng thụ; thiếu quan tâm chăm sóc, tôn trọng nhau; còn phân biệt đối xử. Ba là, gia đình chưa tiến bộ; không phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, tự giác chấp hành pháp luật, tiếp thu tinh hoa của thời đại, bài trừ hủ tục và tệ nạn xã hội. Bốn là, gia đình chưa hạnh phúc; mọi thành viên trong gia đình chưa thật đoàn kết, thương yêu, tôn trọng nhau; chưa đạt sở nguyện, và chưa hài lòng với cuộc sống. Năm là, gia đình chưa bền vững; chưa có sự phát triển ổn định về kinh tế, giáo dục; các thành viên gia đình thiếu đoàn kết, chưa phát triển ổn định về tri thức, sức khỏe, không có sự trao truyền văn hóa cho thế hệ sau.

Mỗi hành vi bạo lực gia đình đều có nguyên nhân của nó. Nguyên nhân nào giải pháp đó. Giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc hiện tượng bạo lực gia đình là xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung cơ bản:

Thứ nhất, xây dựng kinh tế hộ gia đình, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của gia đình (không áp lực thiếu thốn).

Thứ hai, xây dựng gia đình bình đẳng: bình đẳng giới (nam - nữ), bình đẳng giữa các thế hệ, bình đẳng hưởng thụ và ứng xử.

Thứ ba, xây dựng gia đình truyền thống về nền nếp, gia phong, gia quy; nhưng tôn trọng cá tính sinh hoạt, lập thân, sáng tạo của các thành viên trong gia đình.

Thứ tư, giáo dục, trao truyền ý thức phòng, chống bạo lực gia đình; nhất là đối với người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người già…); không dùng thủ đoạn, quyền lực phi hành vi để bạo hành tinh thần.

Thứ năm, thực hiện hôn nhân hạnh phúc trên cơ sở tình yêu, trách nhiệm, bền chắc; tránh ly hôn, tan vỡ.

Trong việc phòng chống bạo lực gia đình, việc hòa giải mâu thuẫn ban đầu là rất quan trọng, cần nhờ đến sự trợ giúp của họ hàng, xóm giềng, đoàn thể, người có uy tín xã hội bằng giáo dục, thuyết phục là chính. Người phụ nữ là nhân tố quan trọng trong việc ứng biến, tự hóa giải mâu thuẫn, tự bảo vệ mình nên các bài học kinh nghiệm ứng xử của các chị xem cần được chia sẻ, trao truyền.

Bạo lực gia đình là hiện tượng xã hội cho nên việc phòng, chống nó là quá trình cộng đồng trách nhiệm của xã hội. Luật pháp chưa đủ, vì luật pháp chỉ điều chỉnh hành vi. Phải là quá trình giáo dục, thuyết phục lâu dài để việc phòng chống đi vào nhận thức, thấm sâu vào đạo lý và hình thành tập quán của mỗi người.

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích