Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã và sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn Đồng Nai không chỉ đóng vai trò giúp hoàn thiện, tăng cường khả năng kết nối giao thông mà sẽ tạo ra cơ hội mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội mới.
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã và sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn Đồng Nai không chỉ đóng vai trò giúp hoàn thiện, tăng cường khả năng kết nối giao thông mà sẽ tạo ra cơ hội mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội mới.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sẽ mở ra những không gian phát triển mới cho Đồng Nai |
Không gian phát triển mới gắn với các công trình hạ tầng giao thông
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào cuối tháng 9-2020. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2022.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh dài hơn 51km. Dự án khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sẽ giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ cũng như từ Bắc vào Nam.
Phát biểu tại hội thảo trao đổi kinh nghiệm phát triển đô thị sân bay Long Thành với đoàn chuyên gia của Đại học Inha, Hàn Quốc vào ngày 19-4 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC cho biết, Đồng Nai cũng đã xác định vị trí chiến lược của sân bay Long Thành cũng như tầm quan trọng của việc phát triển thành phố sân bay Long Thành là cần thiết, nhằm đưa tỉnh trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động trong tương lai. |
Bên cạnh vai trò kết nối giao thông, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi đưa vào khai thác cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích phát triển đối với Đồng Nai nói chung và các địa phương mà tuyến đường đi qua như các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Xuân Lộc và TP.Long Khánh.
Tượng tự, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, dự án đầu tư xây dựng có quy mô lớn nhất cả nước đến nay cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho Đồng Nai nói chung và H.Long Thành nói riêng.
GS Ha Hun Koo, nguyên Trưởng khoa logistics, Trường Logistics châu Á Thái Bình Dương, Đại học Inha, thành viên Ủy ban cố vấn về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ Đất đai và giao thông Hàn Quốc cho rằng, sân bay Long Thành có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình thành phố sân bay. Từ đó, tạo ra động lực phát triển cho một khu vực rộng lớn phụ cận của sân bay này.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 - TP.HCM, UBND TP.HCM, đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án cũng cho rằng, ngoài vai trò kết nối giao thông cho vùng Đông Nam bộ, dự án cũng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển các khu đô thị mới, các Khu công nghiệp, dịch vụ logistics dọc hai bên tuyến đường. Tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế của TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Đồng Nai.
Không chỉ các dự án hạ tầng giao thông do Trung ương triển khai, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông do Đồng Nai đang triển khai thực hiện cũng được kỳ vọng sẽ mở ra những không gian phát triển mới gắn liền với các dự án này. Đây chính là động lực phát triển rất quan trọng thời gian tới của tỉnh, đặc biệt là với các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Quy hoạch sớm để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế
Tiềm năng, lợi thế để mở ra các không gian phát triển mới, đặc biệt là việc phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp gắn với các dự án hạ tầng giao thông là rất rõ ràng. Trên thực tế, khi một tuyến đường mới được xây dựng, gần như ngay lập tức các khu dân cư, các đô thị sẽ phát triển dọc các tuyến đường này. Tuy nhiên, để việc phát triển đạt được mục tiêu đồng bộ, bền vững, công tác quy hoạch cần được thực hiện sớm và sát với thực tế.
Trong chuyến kiểm tra thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng và UBND tỉnh trong tháng 4-2022, Phó thủ tướng Chính phủ LÊ VĂN THÀNH nhấn mạnh, Đồng Nai cần quan tâm quy hoạch phát triển thành phố sân bay để tạo ra động lực phát triển không chỉ cho địa phương mà cho cả toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. |
Chính vì vậy, trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành GT-VT trên địa bàn tỉnh vào đầu năm 2022, bên cạnh việc yêu cầu phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án nhằm đảm bảo tiến độ chung, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm quản lý tốt quy hoạch ngành GT-VT trên địa bàn. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển không gian kinh tế - xã hội mới gắn với các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Ngay sau thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng đã có văn bản giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GT-VT, UBND các huyện, thành phố phải quản lý tốt quy hoạch trên địa bàn. Đặc biệt, phải khẩn trương nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển không gian kinh tế - xã hội mới gắn liền công trình hạ tầng giao thông.
Đối với các dự án hạ tầng giao thông do tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian tới, hiện nay, UBND tỉnh cũng đã giao cho các cơ quan chức năng xây dựng đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận một số dự án đường giao thông để tạo vốn làm đường giao thông trình HĐND tỉnh. Việc triển khai quy hoạch, khai thác các khu đất lợi thế dọc các dự án giao thông không chỉ giúp quản lý, khai thác tốt quỹ đất để tạo vốn tái đầu tư mà còn hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ và bền vững các không gian phát triển mới sẽ được mở ra khi các dự án này hoàn thành xây dựng.
Phạm Tùng