Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiêm ngưỡng "con mắt của trái tim" BÙI XUÂN PHÁI

10:06, 24/06/2022

Nhiều tác phẩm của họa sĩ Bùi Xuân Phái được công bố lần đầu tiên trong Triển lãm ảnh "Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái" diễn ra từ ngày 24-6 đến 4-7 tại TP.HCM.

Nhiều tác phẩm của họa sĩ Bùi Xuân Phái được công bố lần đầu tiên trong Triển lãm ảnh “Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái” diễn ra từ ngày 24-6 đến 4-7 tại TP.HCM.

 Tranh Bùi Xuân Phái
Tranh Bùi Xuân Phái

Triển lãm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái (1-9-1920 – 24-6-1988) bao gồm 35 tranh sơn dầu và 25 tranh bột màu tại tư gia của nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn ở số 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM. Các tác phẩm quý này thuộc bộ sưu tập của gia đình hoạ sĩ Bùi Xuân Phái và nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn. Công chúng được vào thưởng thức tự do.

* “Vẽ là một nguồn vui vô tận”

Đó là dòng chữ thủ bút giản dị của Bùi Xuân Phái được triển lãm tại “Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái” khiến người xem bâng khuâng. Thật thú vị khi biết lúc sinh thời, Bùi Xuân Phái chỉ có một triển lãm cá nhân vào năm 1984. Sau khi ông mất, tranh Bùi Xuân Phái được gia đình và giới nghệ thuật tổ chức triển lãm khoảng 15 lần. Từ năm 1989, gia đình họa sĩ đã có 9 lần phối hợp thực hiện với các nhà sưu tập như Phạm Văn Bổng, Bùi Quốc Chí, Trần Hậu Tuấn… đều lấy tên là “Triển lãm những tác phẩm chưa trưng bày”. Nay chính là lần thứ 10, tên triển lãm được đổi thành “Nhớ hoạ sĩ Bùi Xuân Phái”.

Chân dung tự họa của Bùi Xuân Phái
Chân dung tự họa của Bùi Xuân Phái

Xem triển lãm lần này, công chúng thêm hoàn toàn thấu hiểu vì sao nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời đã tấm tắc sự đa dạng từ tác phẩm Bùi Xuân Phái như sau: “Vẽ ở toan (toile) căng khung to, vẽ trên giấy cỡ nhỏ hơn bìa tiểu thuyết, vẽ trên giấy bìa hộp mứt bỏ đi, vẽ cả trên những miếng giấy cứng nhỉnh hơn bao diêm. Sơn dầu, thuốc nước, bột màu, đủ cả. Sổ tay của Bùi Xuân Phái ghi và ghi những nét của vật, của việc của người lúc động lúc sững lại. Cái miệng cái cổ cái cánh tay bàn tay ai đó đang phát ngôn giữa một buổi họp. Cái dáng một cô áo đỏ một bà áo xanh đang dấn thân vào tim một ngã tư ầm ầm xe máy xe đạp”.

* Di sản còn nhiều bí ẩn

Nhà nghiên cứu, sưu tập Trần Hậu Tuấn thuộc thế hệ sưu tập tranh thứ 3 của Việt Nam, am hiểu và nghiên cứu chuyên sâu về hội họa Việt Nam đương đại. Ông là tác giả của 16 ấn phẩm về mỹ thuật đã xuất bản về tranh Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Dương Bích Liên… Nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét: “Trần Hậu Tuấn đưa ta vào một cuộc cuộc phiêu lưu tinh thần thuần túy, một cuộc hành hương qua một thiên nhiên nghệ thuật, môi cảnh tâm hồn của Bùi Xuân Phái”.

Qua các vùng chủ đề, thể loại, di sản hội họa của Bùi Xuân Phái hiện ra đồ sộ, phong phú và vẫn “còn nhiều bí ẩn chờ khám phá của Bùi Xuân Phái, dù tưởng như tranh ông đã trở thành thứ đại chúng nhất, quen thuộc, dễ hiểu và gần gũi nhất với người Việt Nam” - ông Nguyễn Quân nhận xét.

Thật vậy, đơn cử như nhiều tranh vẽ về Sài Gòn của Bùi Xuân Phái hiện ra với các mảng màu sắc tươi tắn, nhiều sức sống năng động là một đối lập thú vị với một Bùi Xuân Phái lừng danh với vẻ tĩnh mịch, hoài cổ đến nao lòng của phố phường Hà Nội trong các bức tranh nổi tiếng của họa sĩ. Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Việt Nam Thái Bá Vân lúc sinh thời từng ngợi ca “bảng màu Bùi Xuân Phái” hồn nhiên, mơ mộng và luôn có “lòng tin sâu sắc vào một cái gì tươi sáng, hân hoan”.

Yêu sống và yêu vẽ đến tận cùng

Không chỉ đa số các bức tranh được công bố lần đầu tiên mà triển lãm còn độc đáo ở chỗ trưng bày nhiều ghi chép, phác thảo, kỷ vật đặc biệt của Bùi Xuân Phái, góp phần giúp người yêu nghệ thuật có dịp quý để hiểu thêm tâm tư, tình cảm, quá trình lao động nghệ thuật và sự chuẩn bị sáng tạo cho các tác phẩm, tranh vẽ của một trong những họa sĩ lớn nhất trong lịch sử trăm năm hội họa nước nhà.

“Tôi chú ý nhất là các kỷ vật, ghi chép, phác thảo, kỷ họa... vào những ngày cuối đời của Bùi Xuân Phái. Đọc/xem chúng, ta thấy Bùi Xuân Phái yêu sống và yêu vẽ đến tận cùng. Thật xúc động khi biết trên giường bệnh, trước khi mất vài giờ, Bùi Xuân Phái vẫn còn phác thảo dung nhan bệnh nhân là chính mình” - nhà báo, nhà phê bình Lý Đợi cảm động nói khi dự triển lãm.

Từ chiếc xe đạp cũ đến chiếc đồng hồ Citizen mà Bùi Xuân Phái đeo gần như suốt nhiều năm cuối đời, hay chiếc ly thủy tinh để dành uống rượu vô cùng khó kiếm lúc bấy giờ, tất cả cho thấy “dù sống thiếu thốn, nhưng họa sĩ vẫn có chất phong lưu, dùng vật nào cho đúng việc đó” - ông Lý Đợi nhận định với Đồng Nai cuối tuần và nói thêm: “Những kỷ vật này góp thêm một dữ liệu quý để hiểu hơn về đời sống, khát khao, những băn khoăn và cả những túng thiếu, khó khăn của họa sĩ lúc
sinh thời”.

Long Khánh

Tin xem nhiều