Tổ quản lý vận hành đường dây thuộc Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế (Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai) đang đảm nhận duy trì, vận hành hệ thống đường dây 110kV toàn tỉnh. Họ như những "vũ công" trên lưới điện cao thế khi thường xuyên leo trèo, đu bám trên các cột điện để sửa chữa, khắc phục các sự cố, đảm bảo dòng điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Tổ quản lý vận hành đường dây thuộc Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế (Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai) đang đảm nhận duy trì, vận hành hệ thống đường dây 110kV toàn tỉnh. Họ như những “vũ công” trên lưới điện cao thế khi thường xuyên leo trèo, đu bám trên các cột điện để sửa chữa, khắc phục các sự cố, đảm bảo dòng điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Công nhân Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế thực hiện bảo trì, bảo dưỡng trạm biến áp 110kV Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng |
* “Chạy đua” xử lý sự cố lưới điện
12 giờ trưa 22-3, đèn tín hiệu tại Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế (thuộc Công ty TNHH MTV Điện Lực Đồng Nai) nhấp nháy liên tục báo hiệu đã có sự cố xảy ra trên lưới điện 110kV. Nhân viên trong ca trực nhanh chóng kiểm tra và xác định vị trí gặp sự cố là đường dây 110kV Dầu Giây - Bàu Xéo (vị trí tại xã Tây Hòa, H.Trảng Bom). Sự cố này khiến các địa phương lân cận, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn H.Trảng Bom bị mất điện.
Không để thời gian xảy ra sự cố kéo dài, ca trực của Tổ quản lý vận hành đường dây thuộc Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế nhanh chóng lấy trang thiết bị, xuất phát từ trụ sở tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) đến khu vực trên. Tại hiện trường, sau khi xác minh nguyên nhân sự cố (do người dân sử dụng xe máy cày làm đứt dây neo trụ điện văng lên đường dây pha), anh em nhân viên trong tổ nhanh chóng báo cáo Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế cắt điện đường dây 110kV Dầu Giây - Bàu Xéo để khắc phục.
Ông ĐỖ HỮU HOÀNG, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai nhận định, thời gian qua Tổ quản lý vận hành đường dây thuộc Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế đã nỗ lực vượt khó, đảm bảo an toàn, khắc phục nhanh chóng các sự cố trên lưới điện 110kV thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, ngay trong giai đoạn mùa khô hiện nay và chuẩn bị bước vào mùa mưa sắp tới, tổ đã tích cực đi kiểm tra, phát quang cây cối, duy trì tốt khoảng cách an toàn. Qua đó, góp phần đảm bảo dòng điện thông suốt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp. |
Cái nắng gay gắt của cao điểm mùa khô làm hơi nóng bay lên rát mặt, các nhân viên của tổ vẫn “đánh đu” trên cột điện, bình tĩnh thay thế những thiết bị hư hỏng trên đường dây. Sau khoảng 4 giờ miệt mài làm việc dưới nắng nóng, đến 16 giờ 39 cùng ngày, sự cố đã được khắc phục, dòng điện tiếp tục được thông suốt khiến anh em trong tổ vui mừng khôn xiết vì sự cố được khắc phục trước khi trời tối. Nếu kéo dài đến tối, không chỉ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp mà còn gặp khó khăn, vất vả hơn trong việc xử lý.
Ông Vũ Văn Sỹ, Phó tổ trưởng Tổ quản lý vận hành đường dây tâm sự: “Với việc quản lý hơn 600km đường dây 110kV đi qua 9 huyện, 2 thành phố trên toàn tỉnh thì các sự cố như trên không phải hiếm gặp. Và việc quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa đường dây 110kV là nhiệm vụ của hơn 31 nhân viên trong tổ được giao suốt những năm qua. Vì vậy, mỗi khi đường dây gặp sự cố, dù bất kỳ ở đâu, đêm hay ngày, mưa hay nắng, chúng tôi lại phải tức tốc lên đường kiểm tra, khắc phục sớm nhất có thể”.
Qua ghi nhận của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, trong năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 5 sự cố tại đường dây 110kV (trong đó 4 sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, 1 sự cố do thiên tai); năm 2021 toàn tỉnh cũng xảy ra 5 sự cố tại đường dây 110kV (trong đó 3 sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, 2 sự cố do thiên tai).
Hầu hết các sự cố trên đường dây 110kV gây ảnh hưởng trên diện rộng vì đây là lưới điện cao thế, góp phần duy trì cấp điện đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư. Điển hình như sự cố ngày 16-3 trên đường dây 110kV 175 Xuân Lộc 2 - 172 Long Khánh (thuộc địa phận TP.Long Khánh) làm mất điện tại TP.Long Khánh, một phần H.Thống Nhất, Khu công nghiệp Dầu Giây và Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom). Hay chính sự cố ngày 22-3 nói trên cũng gây mất điện Khu công nghiệp Bàu Xéo, một phần các xã Tây Hòa, Trung Hòa, Đông Hòa, xã Sông Trầu... (H.Trảng Bom).
* Vượt suối, băng rừng
Với đặc thù là tuyến đường truyền tải điện đến tất cả các khu vực trên địa bàn tỉnh nên phần lớn lưới điện cao thế 110kV đi qua nhiều địa hình khó khăn như các đoạn đồi, núi, rẫy ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, các con suối ở Trảng Bom, Cẩm Mỹ... Chính vì vậy, khi đường dây tại các vị trí trên gặp sự cố, nhân viên của Tổ quản lý vận hành đường dây lại không quản xa xôi, vượt suối, băng rừng để tiếp cận, sửa chữa. Việc này cũng trở nên quen thuộc với nhân viên trong tổ và trở thành nét đặc thù của Tổ quản lý vận hành đường dây.
Ông Bùi Anh Quốc (Tổ quản lý vận hành đường dây) kể lại, với gần 20 năm làm công tác quản lý vận hành lưới điện cao thế, không ít lần ông phải đi khắc phục các sự cố xuyên đêm, ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Dù công việc vất vả, phải “căng mình” trước áp lực thời gian, điều kiện thời tiết khó khăn nhưng không vì thế mà khiến ông cùng các anh em đồng nghiệp nản lòng. “Riêng với các sự cố đường dây 110kV do thiên tai gây ra, ngoài việc tập trung sửa chữa, anh em chúng tôi còn phải chịu đựng các khó khăn từ thời tiết. Vì thực tế, thời tiết xấu, có dông gió, mưa bão thì mới xảy ra sự cố trên lưới điện 110kV như: cháy cây trong hành lang an toàn lưới điện, cành cây ngã đổ vào lưới điện... Để hạn chế các nguy cơ đó, chúng tôi còn trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương đi cắt tỉa cành cây phát triển gần lưới điện” - ông Quốc chia sẻ thêm.
Để đảm bảo nhân viên Tổ quản lý vận hành đường dây luôn sẵn sàng lên đường xử lý sự cố, hơn 30 nhân viên được chia làm 3 ca trực xuyên suốt 24 giờ. Thậm chí, vào những ngày mưa to, gió lớn, những nhân viên không trong ca trực cũng được dặn dò, thông báo sẵn sàng tinh thần có thể được huy động gấp đề phòng trường hợp xảy ra sự cố đồng thời tại nhiều nơi.
Bên cạnh đó, do làm việc với điều kiện thời tiết khó khăn, vị trí làm việc ở trên các trụ điện cao (từ hơn 8m so với mặt đất) nên nhân viên Tổ quản lý vận hành đường dây đã hình thành được thói quen về đảm bảo an toàn. Ngoài việc cắt điện là bắt buộc, họ còn phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động, các biện pháp cảnh báo khi làm việc gần các tuyến đường giao thông, gần khu dân cư...
Ông Nguyễn Thành Nhân (kỹ thuật viên Tổ quản lý vận hành đường dây) bộc bạch, để có thể giúp các anh em trẻ mới về tổ sớm bắt nhịp công việc, hầu như các ca trực luôn có sự phân công đan xen chung với người có kinh nghiệm lâu năm. Việc này giúp các nhân viên trẻ học hỏi các quy trình xử lý của tổ và được lưu ý cụ thể trong các quá trình thao tác. Vì vậy, đến nay tổ vẫn luôn đảm bảo được an toàn lao động trong quá trình xử lý sự cố nhiều năm qua.
Đăng Tùng