Báo Đồng Nai điện tử
En

Kể chuyện bằng âm nhạc

08:04, 08/04/2022

Gắn bó gần cả cuộc đời với âm nhạc, nhiều nhạc công ở trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn, ngày đêm truyền lửa nghệ thuật.

Gắn bó gần cả cuộc đời với âm nhạc, nhiều nhạc công ở trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn, ngày đêm truyền lửa nghệ thuật.

Nhạc công Tấn Quốc (trái). Ảnh: M.Ny
Nhạc công Tấn Quốc (trái). Ảnh: M.Ny

Với những người nhạc công này, nghệ thuật là tình yêu và đam mê. Họ dùng chính thanh âm của nhạc cụ để kể chuyện âm nhạc, kể chuyện cuộc sống… lan tỏa, kết nối cộng đồng.

* Chung một đam mê nghệ thuật

Đến với nghề từ những năm 90, hiện nhạc công Văn Nhân (thành viên của CLB Đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai) đã có hơn 30 năm gắn bó với hoạt động nghệ thuật không chuyên. Từ khi còn rất nhỏ, anh đã biết chơi nhạc, gắn bó với nhiều loại nhạc cụ như: đàn tranh, organ, guitar… Ở tuổi gần 50 nhưng tình yêu với nghề trong anh vẫn đong đầy. Không chỉ đệm đàn trong các CLB, nhóm nhạc truyền thống, nhạc công Văn Nhân còn mang đàn tranh tham gia các liên hoan, hội diễn khu vực, toàn quốc.

“Tôi học các nhạc cụ bằng cách nghe, nhớ rồi tập đánh theo chứ chẳng qua trường lớp đào tạo nào. Ngoài đệm đàn cho các nghệ sĩ, diễn viên, tôi còn tham gia song tấu, hòa tấu nhạc cụ trong một số cuộc thi. Khi lên sân khấu, tôi lắng nghe giọng ca của từng nghệ sĩ để điều chỉnh, phối hợp sao cho hài hòa, nâng chất của từng ca khúc. Nghề nhạc công cần độ chính xác rất cao, chỉ cần đàn lỗi nhịp thì âm nhạc và lời ca sẽ bị “chênh”, làm ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của một chương trình” - nhạc công Văn Nhân nói.

Từ ngày 5 đến 10-4, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tổ chức đoàn tham gia Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia năm 2022 tại TP.Cần Thơ. Ngoài giao lưu đờn ca tài tử, trung tâm có không gian trưng bày các dụng cụ âm nhạc truyền thống, hình ảnh giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử; trưng bày các sản phẩm gốm, thủ công mỹ nghệ… của Đồng Nai, giới thiệu đến bạn bè trong khu vực và toàn quốc.

Anh Tấn Quốc - nhạc công đàn cò (hay còn gọi là đàn nhị) có 25 năm gắn bó với phong trào nghệ thuật quần chúng của H.Long Thành và của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh cho hay, biết chơi nhạc là một chuyện, nhưng để trở thành nhạc công chuyên nghiệp là cả quá trình học hỏi, rèn luyện công phu. Khi lên sân khấu, để các loại nhạc cụ như: guitar, đàn bầu, đàn tranh, đàn kìm… cùng lúc tấu lên một bản nhạc cần rất nhiều thời gian để tập luyện, trong đó có cả sự chia sẻ, thông hiểu nhau của anh em trong dàn nhạc.

“Không phải nhạc phẩm nào cũng phù hợp để chơi bằng đàn cò. Hiện nay, những nhạc phẩm sáng tác riêng cho đàn cò không nhiều. Người nhạc công muốn không theo lối mòn chỉ còn cách mỗi khi chơi lại một bản nhạc thì cố gắng tự làm mới nó, thay đổi đi một chút nốt nọ hay nốt kia, tất nhiên vẫn phải trên cơ sở bản nhạc gốc. Nhiều người nghĩ rằng, thanh âm của đàn cò trầm buồn chỉ phù hợp với cải lương, đờn ca tài tử hay nhạc đám ma… Tuy nhiên, nếu kết hợp với âm nhạc hiện đại, đàn cò sẽ hòa chung với dòng chảy của cuộc sống” - anh Quốc chia sẻ.

Từ chỗ yêu thích đến gắn bó với guitar, nhạc công Phạm Ngọc Trai (ngụ tại KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã dùng tiếng đàn để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những trăn trở và cả những ước vọng của mình. Ngoài chơi nhạc, anh Trai còn sáng tác, nhiều ca khúc của anh được phổ biến rộng rãi. Anh thường xuyên chơi giutar cho các ban nhạc của Đồng Nai, TP.HCM. Tiếng đàn réo rắt, mạnh mẽ của anh hòa quyện vào từng lời ca, tiếng hát của các nghệ sĩ, trở thành món ăn tinh thần cho hàng ngàn người hâm mộ.

Anh Trai bộc bạch: “Ưu điểm của đàn guitar là có thể kết hợp với rất nhiều nhạc cụ và nhiều dòng nhạc khác nhau. Tôi cho rằng, đệm đàn trong các chương trình nghệ thuật dù lớn, dù nhỏ cũng là cách  góp sức phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, của cộng đồng. Mỗi một chương trình, mỗi một đêm diễn đều mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm. Vui nhất các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn xong, khán giả vỗ tay tán thưởng. Những lúc như thế, mọi nhọc nhằn, vất vả dường như tan biến hết”.

* Còn nhiều trăn trở…

Tại các liên hoan, hội diễn, nghệ sĩ, diễn viên là đối tượng chính được trao các giải thưởng. Đây là cơ sở để họ làm hồ sơ, xét tặng giải thưởng, danh hiệu thường niên. Với những nhạc công, họ hiếm khi được vinh danh ở các lễ trao giải. Vài năm trở lại đây, nhiều nhạc công của Đồng Nai đã làm hồ sơ để trình xét tặng các danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít người đạt được các danh hiệu này. Bởi, muốn có danh hiệu họ phải nỗ lực, tìm kiếm huy chương vàng, bạc các liên hoan toàn quốc. Do đó, việc xét tặng, công nhận tài năng cho nhạc công lại càng khó khăn hơn. 

Nghệ nhân dân gian Lê Văn Lợi (nghệ danh Năm Lợi) ngụ tại P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa) nói rằng, việc xét và trao các danh hiệu cho nhạc công, nhất là những người chơi nhạc trong các đội, nhóm, CLB âm nhạc truyền thống không nhiều. Mặc dù vậy, những nhạc công vẫn rất yêu nghề, đam mê với nghệ thuật. Hễ có không gian giao lưu, biểu diễn thì không kể nắng mưa, ngày đêm họ đều tham gia. Dưới ánh đèn sân khấu, người nhạc công chăm chỉ, cần mẫn, lặng lẽ cùng nghệ sĩ, diễn viên tạo nên những khúc nhạc vui tươi, ấm áp, phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng.

“Ngoài giao lưu, biểu diễn cùng ban nhạc đờn ca tài tử, hiện nay tôi và một số nhạc công đang hướng dẫn cho các bạn trẻ học thêm về các loại nhạc cụ bằng cái tâm, trách nhiệm với nghề. Chỉ cần người trẻ đam mê, chúng tôi sẽ truyền dạy một cách bài bản. Chúng tôi cũng kỳ vọng trong thời gian tới, các nhạc công hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống sẽ được quan tâm nhiều hơn, những cống hiến với nghề sẽ được Nhà nước, cộng đồng ghi nhận. Qua đó, tạo động lực để chúng tôi tiếp tục truyền lửa, lan tỏa âm nhạc, nghệ thuật…” - nghệ nhân Năm Lợi nói.

My Ny

Tin xem nhiều